Sáng 17.9, tại Hà Nội, Ban Vận động thành lập Hội Luật quốc tế Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ nhất nhiệm kỳ 2016-2019.

Hội Luật quốc tế Việt Nam chính thức thành lập

Trí Lâm | 17/09/2016, 18:11

Sáng 17.9, tại Hà Nội, Ban Vận động thành lập Hội Luật quốc tế Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ nhất nhiệm kỳ 2016-2019.

Phát biểu tại đại hội, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình thẳng thắn cho rằng mặt bằng trình độ luật pháp quốc tế của Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, vì vậy có thể khiến Việt Nam chịu thua thiệt trong các “cuộc chiến pháp lý” nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia, lợi ích Nhà nước, và quyền lợi hợp pháp của pháp nhân, công dân Việt Nam tại các toà án, hoặc cơ quan trọng tài quốc tế và nước ngoài.

Do đó, theo Phó thủ tướng, sự ra đời của Hội Luật quốc tế Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, đáp ứng nhu cầu chính đáng của đông đảo giới nghiên cứu, thực hành pháp luật quốc tế thuộc nhiều thế hệ tại Việt Nam.

Phó thủ tướng cho rằng, là nơi quy tụ những chuyên gia đầu ngành về luật quốc tế, Hội cần cùng với những tổ chức pháp lý đã hình thành tại Việt Nam như Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam có những đóng góp, tư vấn và phản biện cho các cơ quan Nhà nước trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, cải cách tư pháp, bảo đảm sự hài hòa và phù hợp giữa pháp luật quốc gia với các cam kết quốc tế; phù hợp với nguyên tắc được quy định tại Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam "tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên".

“Thông qua các hoạt động của mình, Hội cần tổ chức giao lưu, trao đổi với các hội luật quốc tế của các nước, đóng góp thiết thực vào giải quyết các vấn đề cấp thiết đang đặt ra hiện nay như cơ sở pháp lý đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, các khía cạnh pháp lý về hội nhập quốc tế…” – Phó thủ tướng nói.

Theo đó, phương hướng hoạt động của Hội Luật quốc tế Việt Nam thời gian tới là tập trung thực hiện việc hoàn thiện tổ chức, nhân sự, phát triển hội viên. Hội sẽ tập trung thực hiện 3 hướng hoạt động chuyên môn lớn gồm: Nghiên cứu, tuyên truyền và đào tạo luật quốc tế nhằm phổ biến luật quốc tế, nâng cao nhận thức về luật quốc tế.

Đồng thời đóng góp ý kiến, tư vấn và phản biện cho các cơ quan Nhà nước, hỗ trợ quan điểm của Chính phủ tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế; hợp tác, tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức khác trong các vấn đề pháp lý, giải quyết tranh chấp và hội nhập quốc tế; thiết lập, phát triển các quan hệ hợp tác, đối tác với các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế trong lĩnh vực hoạt động của Hội.

Đặc biệt, Hội Luật quốc tế Việt Nam cần có những hoạt động thiết thực góp phần giải quyết một số vấn đề cấp thiết hiện nay như cơ sở pháp lý đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo; các khía cạnh pháp lý về hội nhập quốc tế; việc thực hiện các cam kết quốc tế, đặc biệt trong các điều ước thế hệ mới về thương mại, đầu tư; đấu tranh chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; nâng cao vai trò của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế, các cơ quan tài phán quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung cũng cho rằng, sự ra đời của Hội Luật quốc tế Việt Nam là thành quả của nỗ lực không mệt mỏi của nhiều thế hệ luật gia Việt Nam. Quyết định cho phép thành lập Hội Luật quốc tế Việt Nam đã quy định Bộ Ngoại giao là cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động của Hội. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Bộ Ngoại giao và Hội triển khai các công tác, thực hiện các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó trong công tác pháp luật nói chung, luật quốc tế nói riêng.

Trí Lâm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
AI chống gian lận trong thương mại điện tử thế nào?
một giờ trước Khoa học - công nghệ
Trong bối cảnh bảo mật thông tin đe dọa trực tiếp đến quyền lợi của người dùng, trí tuệ nhân tạo (AI) nổi lên như một giải pháp đầy tiềm năng, góp phần bảo vệ người tiêu dùng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hội Luật quốc tế Việt Nam chính thức thành lập