Lãnh đạo các nước ASEAN đã khai mạc cuộc họp thượng đỉnh thường niên tại Bangkok ngày 22.6. Trọng tâm của hội nghị là hiệp định tự do mậu dịch do Trung Quốc chủ xướng đặt trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Thái Lan, nước chủ nhàluân phiên ASEAN 2019 sẽ cùng các lãnh đạo Đông Nam Á sẽ cố thúc đẩy việc ký kết hiệp định thương mại mang tên Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RECEP) nhằm hình thành một khu vực tự do mậu dịch bao gồm 10 nước ASEAN và 6 nước: Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New – Zealand. Một thị trường rộng lớn chiếm một nửa dân số thế giới.
Phát ngôn viên của chính phủ Thái Lan Werachon Sukhondhapatipak hôm nay tuyên bố với báo giới rằng trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang ảnh hưởng ngày càng nhiều đến kinh tế toàn cầu nói chung, và kinh tế khu vực nói riêng, RECEP sẽ là yếu tố chủ chốt giúp gia tăng trao đổi mậu dịch. Còn Bộ trưởng Truyền Thông Philippines Martin M. Andanar cũng bày tỏ mong muốn hiệp định RCEP được thực hiện “càng sớm càng tốt”.
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN cũng sẽ thảo luận về Bộ Quy tắc ứng xử (COC) cho các cuộc đàm phán về Biển Đông, đặc biệt là sau vụ một tàu của Trung Quốc đâm chìm một tàu cá Philippines.
Người phát ngôn của Tổng thống Philippines cũng cho biết ông Duterte đã chấp nhận đề nghị của Bắc Kinh trong việc hợp tác điều tra các cáo buộc rằng tàu cá Trung Quốc đã bỏ rơi 22 thuyền viên người Philippines sau khi nó đâm chìm thuyền ở Bãi Cỏ Rong thuộc Biển Đông.
Marty Natalegawa - cựu Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia cho biết: "Thật đáng khích lệ khi thấy các cuộc đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về COC đã được duy trì. Tuy nhiên, nguy cơ thực sự là những phát triển tại chỗ, chính xác hơn là trên biển, đã vượt xa những tiến bộ đạt được về COC khiến nó trở nên bất cập.".
Bên cạnh đó, khủng hoảng người Rohingya Hồi Giáo ở Myanmar, cũng như nạn ô nhiễm rác thải nhựa trên biển cũng nằm trong chương trình nghị sự của thượng đỉnh Bangkok.
Các tổ chức nhân quyền trước đó kêu gọi các nhà lãnh đạo ASEAN cân nhắc hỗ trợ kế hoạch hồi hương người Hồi giáo Rohingya ở quốc gia thành viên Myanmar. Hơn 700.000 người Rohingya đã chạy sang Bangladesh trước tình trạng bạo lực tại quê nhà. Tuy nhiên, GS Khoa học chính trị tại Trường ĐH Thammasat (Thái Lan) Prapat Thepchatree, nhận định "đây là một vấn đề nhạy cảm của khối".
Nước chủ nhà Thái Lan đã triển khai khoảng 10.000 nhân viên an ninh xung quanh thủ đô Bangkok để đảm bảo an toàn cho hội nghị, nhằm đề phòng người biểu tình xông vào địa điểm diễn ra cuộc họp trong sự bất lực của cảnh sát như đã từng diễn ra cách đây 10 năm.
Hoàng Vũ (theo AFP, Reuters)