Cuộc họp về vấn đề khí hậu tại Bali (Indonesia) của các quan chức cấp cao Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã kết thúc vào ngày 31.8 mà không ra tuyên bố chung.
Bộ trưởng Môi trường và lâm nghiệp nước chủ nhà Indonesia Siti Nurbaya Bakar thông báo rằng Chủ tịch G20 Jakarta sẽ chỉ ra một bản tổng kết các mục tiêu của diễn đàn.
Tại cuộc họp gói gọn trong 1 ngày, Bộ trưởng Bakar đã nhấn mạnh rằng “các vấn đề môi trường toàn cầu cần các giải pháp toàn cầu và các quốc gia không thể một mình giải quyết”. Các nước trên khắp thế giới đang ngày càng ghi nhận những kỷ lục về nắng nóng, lũ lụt và hạn hán - hiện tượng mà các nhà khoa học cảnh báo là sẽ xảy ra thường xuyên hơn và với cường độ mạnh hơn do biến đổi khí hậu.
Một nghiên cứu công bố trong tháng 8 cho thấy Bắc Cực đã ấm lên nhanh hơn gần 4 lần những nơi khác trên hành tinh trong vòng 40 năm qua, cho thấy các mô hình khí hậu và các chính phủ đang đánh giá chưa đúng tỷ lệ ấm lên ở vùng cực.
Đặc biệt, sự chia rẽ giữa các nước thành viên về cách thức ứng phó với biến đổi khí hậu diễn ra trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến mùa lũ kinh hoàng tại Pakistan làm trên 1.000 người thiệt mạng và đợt hạn hán cực đoan diễn ra trên một nửa diện tích lãnh thổ Trung Quốc.
Bộ trưởng Bakar phân tích tác động môi trường đang ảnh hưởng trực tiếp đến nhân loại chứ không chỉ là những cảnh báo suôn nữa. Ông nói: "Biến đổi khí hậu có thể trở thành một chất xúc tác làm gia tăng các cuộc khủng hoảng đang có” về giá năng lượng và khan hiếm lương thực toàn cầu".
Tháng trước, hội nghị tài chính G20 tại Indonesia cũng đã không đạt tuyên bố chung do bất đồng về xung đột tại Ukraine và nước chủ nhà cũng chỉ ra một tuyên bố chủ tịch mà thôi.