Đài CNBC cho biết, trong tuần qua, hơn 200 triệu phú thuộc nhóm Patriotic Millionaires nỗ lực kêu gọi các nhà lãnh đạo tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos (Thụy Sĩ) đánh thuế giới siêu giàu để giúp giảm bớt áp lực kinh tế cho hộ gia đình bình thường.
Patriotic Millionaires tự mô tả là nhóm tập hợp người Mỹ giàu có cùng mối quan tâm sâu sắc về mức độ bất bình đẳng đang gây bất ổn ở Mỹ. Trong thư ngỏ “Cái giá của sự giàu có cực độ” công bố ngày 18.1, nhóm cảnh báo về thời đại tình trạng nghèo đói gia tăng, bất bình đẳng giàu nghèo, chủ nghĩa dân tộc phản dân chủ, điều kiện sinh thái suy thoái và cơ hội kiếm tiền của người lao động ngày càng thu hẹp.
Nhóm đặt nghi vấn với sứ mệnh của Diễn đàn Kinh tế thế giới khi cơ chế này không đưa ra được biện pháp cụ thể: “Tình trạng thiếu hành động hiện tại rất nghiêm trọng. Cuộc họp của giới lãnh đạo toàn cầu tại Davos để thảo luận “Hợp tác trong một thế giới bị chia rẽ” (chủ đề cuộc họp) là vô nghĩa nếu ta không giải quyết gốc rễ gây chia rẽ. Bảo vệ nền dân chủ và xây dựng hợp tác đòi hỏi phải hành động để tạo nên các nền kinh tế công bằng”.
Bà Abigail Disney - người thừa kế đế chế giải trí Disney, một trong 206 triệu phú ký tên vào thư ngỏ - chỉ trích: “Sự giàu có cực độ đang ăn tươi nuốt sống thế giới chúng ta, làm suy yếu các nền dân chủ, gây bất ổn các nền kinh tế và hủy hoại khí hậu. Nhưng trong nhiều cuộc thảo luận tìm cách giải quyết các vấn đề của thế giới, những người dự Diễn đàn Kinh tế thế giới lại từ chối thảo luận về biện pháp duy nhất có thể tạo ra tác động thực sự: đánh thuế người giàu”.
Theo nghiên cứu Patriotic Millionaires thực hiện, thuế tài sản lũy tiến hàng năm - ở mức 2% với cá nhân sở hữu tài sản trị giá 5 triệu USD, 3% với cá nhân có tài sản 50 triệu USD, 5% với cá nhân siêu giàu có tài sản hơn 1 tỉ USD - nếu được áp dụng sẽ thu về hơn 1,7 nghìn tỉ USD trong năm 2022.
Tổ chức từ thiện Oxfam xác định, 2 năm qua, số người giàu nhất thế giới tích lũy được 26 nghìn tỉ USD trên tổng số 42 nghìn tỉ USD tài sản toàn cầu (chiếm khoảng gần 2/3).
Trong khi đó, các hộ gia đình bình thường trên khắp thế giới đang phải vật lộn với chi phí sinh hoạt tăng cao do đại dịch COVID-19, chính sách tiền tệ thắt chặt cùng giá nhiên liệu tăng vọt. Chỉ một nhà lãnh đạo nhóm G7 là Thủ tướng Đức Olaf Scholz tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới, nhiều người đồng cấp khác hiện đang phải vất vả đối phó với khủng hoảng chi phí sinh hoạt.