Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng cơ cấu giá đất TP.HCM hiện nay còn chưa hợp lý. Việc này đã làm tăng giá thành mà người tiêu dùng phải gánh chịu.

HoREA: Cơ cấu giá đất TP.HCM chưa hợp lý

Một Thế Giới | 25/12/2015, 08:09

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng cơ cấu giá đất TP.HCM hiện nay còn chưa hợp lý. Việc này đã làm tăng giá thành mà người tiêu dùng phải gánh chịu.

Ngày 24.12, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết đã nghiên cứu dự thảo quyết định của Ủy ban Nhân dân TP.HCM, quy định về hệ số điều chỉnh giá đất năm 2016 trên địa bàn thành phố.
Dự thảo này ra đời nhằm thay thế Quyết định số 35/2015/QĐ-UBND ban hành ngày 14.7.2015 của UBND TP, theo văn bản số 9185/STC-BVG ngày 1.12.2015 của Sở Tài chính.
Đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số 35/2015/QĐ-UBND của UBND TP quy định về hệ số điều chỉnh giá đất năm 2016 trên địa bàn TP.HCM, HoREA cho rằng do thời gian áp dụng quy định này chỉ mới có hơn 4 tháng và chỉ có 22 hồ sơ của các tổ chức thuộc nhóm 3 áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất. Vì thế, Sở Tài chính TP.HCM nhận định con số này không lớn, nên khó có thể đánh giá, phân tích được toàn diện về hệ số điều chỉnh giá đất đã ban hành.
Trong khi đó, đánh giá về dự thảo mới, HoREA cho rằng cơ cấu giá đất tại TP.HCM vẫn còn chưa hợp lý. Việc này đã làm tăng giá thành mà người tiêu dùng phải gánh chịu. Do đó, Hiệp hội này đã đề nghị Thành phố cần cân nhắc kỹ để ban hành quy định về hệ số điều chỉnh giá đất năm 2016 trên địa bàn TP.HCM cho hợp lý hơn.
Theo đó, về việc phân chia thành 4 khu vực để tính mức hệ số điều chỉnh giá đất, HoREA cho biết Thành phố đã tập trung phát triển hạ tầng tạo điều kiện thu hút đầu tư vào quận 2 rất lớn. Chưa kể, quận 2 và quận 7 có nhiều điểm tương đồng và có mức phát triển tương đương nhau, thế nhưng xếp quận 7 trong khu vực 2, quận 2 lại xếp trong khu vực 3 là chưa thỏa đáng. Do đó, Hiệp hội đề nghị xếp quận 2 cùng trong khu vực 2 với quận 7.
Bên cạnh đó, việc các trường hợp kinh doanh dịch vụ, thương mại, tài chính, nhà hàng, khách sạn, nhà ở cho thuê, văn phòng làm việc và các cá nhân, tổ chức được Nhà nước giao đất nếu áp dụng hệ số sử dụng đất là gấp 1,2 đến 2 lần so với giá đất UNBD TP quy định là quá cao.
Vì vậy, Hiệp hội đề nghị hệ số điều chỉnh giá đất là 1,1 cho khu vực 5 (huyện Cần Giờ), hệ số 1,2 cho khu vực 4 (huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn), hệ số 1,3 cho khu vực 3 (quận 2, 8, 9 , 12, Bình Tân, Thủ Đức), hệ số 1,4 cho khu vực 2 (quận 6,7 Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Phú) và hệ số 1,5 cho khu vực 1 (quận 1, 3, 4, 5, 10, 11, Tân Phú và Phú Nhuận).
Đồng thời, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư kinh doanh có hiệu quả, có lợi nhuận, có tích lũy để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo ra nhiều sản phẩm bất động sản phục vụ nhu cầu đa dạng của xã hội và tạo việc làm cho người lao động, HoREA đề nghị UBND TP không điều chỉnh tăng hệ số điều chỉnh của nhóm kinh doanh dịch vụ, thương mại, tài chính, nhà hàng, khách sạn, nhà ở cho thuê, văn phòng làm việc thêm 0,1 lần so với hệ số đã ban hành năm 2015 theo đề nghị của Sở Tài chính vì chưa hợp lý.
“Hệ số điều chỉnh giá đất cao dẫn tới nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cao, đồng nghĩa với giá bán, giá cho thuê bất động sản, kể cả các sản phẩm khác có liên quan đến chi phí sử dụng đất khi đến tay người tiêu dùng cũng cao tương ứng”, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho biết thêm.
Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
9 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
HoREA: Cơ cấu giá đất TP.HCM chưa hợp lý