Theo dự báo của Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC), lạm phát cả năm 2105 có thể quanh mức 1%, trong khi trước đó cũng chính công ty này đã dự báo lạm phát cả năm sẽ tăng 2%.
Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng cả nước (CPI) tháng 11.2015 tăng nhẹ 0,07% so với tháng 10.2015. Nếu tính từ đầu năm đến nay thì CPI chỉ tăng 0,58%. Đây là mức tăng thấp nhất của CPI so với đầu năm trong vòng 10 năm qua.
Cụ thể, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tính CPI tháng 11.2015, có 9 nhóm tăng nhưng mức tăng không lớn. Tăng cao nhất là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng với mức tăng 0,32%, tiếp theo là nhóm thiết bị và đồ gia dụng tăng 0,19%, nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,16%. Nhóm có tỷ trọng lớn nhất trong trong các nhóm hàng hóa tính CPI là hàng ăn và dịch vụ ăn uống cũng chỉ tăng 0,05% so với tháng 10.2015.
Trong khi đó, 2 nhóm hàng là bưu chính viễn thông và giao thông có mức giảm giá so với tháng 10.2015 với các mức giảm tương ứng là 0,1% và 0,38%.
Không nằm trong “rổ” hàng hóa tính CPI, giá vàng tháng 11.2015 có mức giảm 0,61% so với tháng 10.2015 và giá USD giảm 0,31% so với tháng trước.
Sau khi chỉ số này được công bố, Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC) đã đưa ra nhận định một số yếu tố thúc đẩy tăng CPI trong tháng qua như giá gạo phục hồi nhẹ nhờ xuất khẩu tăng, lương thực thực phẩm tăng giá… Được biết giá gạo bình quân đã tăng 0,3% so với tháng 10 do nhu cầu xuất khẩu tăng. Việt Nam đã nhận được các hợp đồng xuất khẩu tổng cộng 450.000 tấn gạo sang Philippines và 1 triệu tấn gạo sang Indonesia. Trong khi đó, giá các loại lương thực khác diễn biến trái chiều với giá thịt lợn, thịt gà, trứng và trái cây giảm và giá một số mặt hàng khác như thịt bò, hải sản và rau củ tăng.
Tuy nhiên, giá xăng dầu giảm, phí vận tải công cộng giảm và giá vật liệu xây dựng giảm (chủ yếu là giá thép) lại là yếu tố tác động giảm CPI. Qua 2 đợt giảm vào ngày 19.10 và ngày 3.11, giá xăng dầu đã giảm tổng cộng 900 đồng/lít (giảm 5%) và dầu diesel giảm 210 đồng/lít (giảm 1,5%).
Trước chỉ số này, theo dự báo của HSC, lạm phát cả năm có thể tăng quanh mức 1%. Trước đó, HSC dự báo lạm phát cả năm sẽ tăng 2%.
“Với giá hàng hóa cơ bản tính theo đô la Mỹ cùng việc neo tỷ giá vào đồng đô la, có vẻ xu hướng giảm giá sẽ tiếp tục đối với nhiều nhóm hàng hóa trong rổ tính CPI ở thời điểm hiện tại, đặc biệt khi mà đồng đô la Mỹ tiếp tục tăng giá so với các tiền tệ khác. Nếu như trong trường hợp tiền đồng sẽ tiếp tục bị điều chỉnh giảm trong những tháng tới, thì có thể sẽ có những can thiệp tăng lạm phát sau 3-4 tháng sau đó. Đề xuất tăng lương tối thiểu từ đầu năm tới cũng có thể tạo áp lực kéo lạm phát tăng nhưng dự báo mức tác động là không đáng kể”, HSC nhận định.
Đáng chú ý, HSC vẫn giữ nguyên mức dự báo lạm phát 5% cho năm 2016. Theo HSC, mặc dù mức lạm phát dự báo này có vẻ không khả quan vào thời điểm hiện tại bởi nhưng vẫn có một vài yếu tố cần cân nhắc như dự báo tiền đồng sẽ mất giá từ 4-5% trong năm 2016 do đồng nhân dân tệ tiếp tục điều chỉnh so với đồng đô la Mỹ. Đồng thời, mặt bằng giá hiện tại của nhiều mặt hàng rất thấp. Thêm vào đó, việc nhu cầu trên thế giới đang tăng nhẹ lên sẽ có tác động lên giá hàng hóa ở cuối chu kỳ và lãi suất tăng nhẹ cuối cùng cũng sẽ phản ánh ở giá đầu ra, đặc biệt nếu một năm lỗ tỷ giá nữa.
Phan Diệu