Một nhân viên ngân hàng bị cấp trên tát vào mặt vì từ chối kêu thức uống có cồn trong bữa tiệc công ty ngày 20.8.

Hủ tục ép rượu ở Trung Quốc: Giám đốc mất thưởng 6 tháng vì tát nhân viên từ chối uống

28/08/2020, 20:29

Một nhân viên ngân hàng bị cấp trên tát vào mặt vì từ chối kêu thức uống có cồn trong bữa tiệc công ty ngày 20.8.

Mức tiêu thụ thức uống có cồn ở Trung Quốc từ những năm 1990 đến 2019 tăng đến 70% - Ảnh: Marketing to China

Nhân viên tên Yang kể lại chuyện mình gặp phải qua WeChat. Hôm 24.8, ngân hàng nơi anh làm việc đưa ra lời xin lỗi, thừa nhận sai trái của hai vị giám đốc, đồng thời công bố biện pháp xử phạt: Một giám đốc họ Dong mất khoản thưởng 6 tháng, người còn lại mất khoản thưởng 3 tháng.

Câu chuyện lan truyền rộng rãi, làm dấy lên cuộc tranh luận về văn hóa cổ súy uống rượu và cô lập người dám làm trái của Trung Quốc. Bác sĩ Xu Chao làm việc tại tỉnh Sơn Đông bày tỏ ý kiến trên Weibo: “Nếu văn hóa hay nghi thức xã giao nào đó phải trả giá bằng sức khỏe và sinh mạng thì có đáng được xem là văn hóa nữa hay không?”.

Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí y khoa nổi tiếng The Lancet, mức tiêu thụ thức uống có cồn ở Trung Quốc từ những năm 1990 đến 2019 tăng đến 70%, trung bình người dân nước này uống 7 lít rượu bia – thấp hơn so với mức 10 lít/người ở Mỹ. Nghiên cứu dự đoán mức tiêu thụ thức uống có cồn (bình quân đầu người) của Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ vào năm 2030.

Để dẹp bỏ tiệc tùng lãng phí, Chủ tịch Tập Cận Bình sau khi lên nắm quyền năm 2012 lập tức cấm các đơn vị quân sự tiêu thụ thức uống có cồn. Năm 2013, ông Tập còn ban hành bộ hướng dẫn cấm rượu đắt tiền trong sự kiện cho chính quyền địa phương hay doanh nghiệp nhà nước tổ chức.

Hàng loạt quy định hạn chế làm giảm doanh số bán rượu bia, nhưng vẫn có quan chức lén lút uống. Tỉnh Vân Nam năm 2017 từng xử phạt 20 cán bộ uống say ngay ở trụ sở cơ quan. Cùng năm đó, một cán bộ cấp huyện tại Quảng Tây tử vong vì ngộ độc rượu sau khi uống mừng ngày đầu nhậm chức, 7 người uống cùng bị sa thải.

Quay trở lại câu chuyện của Yang, anh cho biết bữa tiệc công ty khiến bản thân “tỉnh mộng” về ngành tài chính.

Trước bữa tiệc, Yang đã nói rõ không uống rượu bia vì lý do cá nhân, vậy mà sếp vẫn ép đổi sang thức uống có cồn. Anh xin lỗi nhưng quyết không nhượng bộ.

Một vị giám đốc khác lập tức quay qua chửi mắng rồi tát Yang. Khi rời tiệc, nhiều đồng nghiệp cười nhạo anh.

Nhiều người khen ngợi anh kiên định và cảnh báo tác hại do rượu bia mang lại, nhưng cái tát khiến Yang phải tìm kiếm câu trả lời thỏa đáng.

“Không uống rượu thì không phù hợp với yêu cầu của công ty sao? Áp lực trong ngành tài chính có bao gồm cả những gì tôi trải qua hay không?”, Yang viết trên một nhóm trò chuyện.

Tiệc tùng tại Trung Quốc thường kết thúc trong cảnh say xỉn - Ảnh: Sina

Luật sư Yang Wenzhan làm việc tại Bắc Kinh viết trên Weibo: “Nói không muốn uống sẽ làm người khác nổi giận, còn nếu nhượng bộ uống chút ít lại tự phá bỏ quy tắc bản thân. Sau đó, nếu nói uống đủ rồi thì bạn đang xúc phạm người khác”.

Ông lưu ý rằng nhiều nhóm xã hội được hình thành dựa trên thói quen uống rượu bia. Tiệc tùng nên chia thành hai bàn: Bàn cho người thích uống cùng bàn dành cho người tửu lượng kém và không uống.

“Sẽ có rất ích nếu bạn có thể uống và kết nối với người khác, nhưng nếu không thì bạn vẫn là một luật sư giỏi”, luật sư Yang chia sẻ.

Nhà văn Yan Ge chỉ trích mục đích của tiệc tùng tại Trung Quốc chỉ là để say xỉn. Bữa tiệc có thể đi sai hướng: Ẩu đả hoặc phụ nữ bị quấy rối; còn nếu đi đúng hướng thì sai lầm được bỏ qua, mọi người vui vẻ cùng nhau, công việc kinh doanh đạt tiến triển.

Cẩm Bình (theo Straits Times)

Bài liên quan
Phó chủ tịch Trung Quốc dự lễ nhậm chức của ông Trump
Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo cử Phó chủ tịch Hàn Chính sang dự lễ nhậm chức ngày 20.1 của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump, đánh dấu lần đầu tiên một nhân vật cấp lãnh đạo của nước này hiện diện tại sự kiện như vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hủ tục ép rượu ở Trung Quốc: Giám đốc mất thưởng 6 tháng vì tát nhân viên từ chối uống