Vì nhiều lý do khác nhau, chủ đầu tư dự án khu nhà ở An Đông chưa thể mở bán sản phẩm nhưng đơn vị này đã sớm ký các hợp đồng thỏa thuận đặt chỗ với khách hàng.

Huế: Khách đòi lại tiền cọc kèm lãi suất 12%/năm, chủ đầu tư từ chối

Quế Sơn | 29/11/2020, 23:00

Vì nhiều lý do khác nhau, chủ đầu tư dự án khu nhà ở An Đông chưa thể mở bán sản phẩm nhưng đơn vị này đã sớm ký các hợp đồng thỏa thuận đặt chỗ với khách hàng.

Tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, đất ở khu vực An Đông được giới kinh doanh bất động sản ví như vàng, vì thế người dân đã không lưỡng lự đặt bút ký vào những bản hợp đồng thỏa thuận đặt chỗ khi nghe tin có đơn vị sẽ mở bán sản phẩm nhà tại đây. Thế nhưng khi tiền đã chuyển nhưng mãi vẫn không có được sản phẩm như mong muốn, nhiều người đã không còn đủ sự kiên trì để tiếp tục chờ đợi.

Từ đó, sự bất đồng quan điểm giữa chủ đầu tư các dự án và khách hàng đã xảy ra. Mới đây, vợ chồng bà Đinh Thị H.V. và ông Trần T.L. đã phải làm đơn đề nghị chủ đầu tư dự án khu nhà ở An Đông Villas là Công ty Cổ phần đầu tư An Dương trả lại số tiền lên tới gần 2 tỉ đồng. Đây là số tiền vợ chồng bà V. đã chuyển trước cho phía chủ đầu tư dự án để đặt chỗ theo hợp đồng thỏa thuận.

Ngày 1.11.2019 giữa gia đình bà V. và Công ty Cổ phần đầu tư An Dương có ký kết hợp đồng thỏa thuận đặt chỗ mua nhà thô tại dự án khu nhà ở An Đông Villas. Cụ thể, gia đình bà V. đã đăng ký mua nhà ở ký hiệu L6, diện tích đất 124 m2 với giá trị tổng cộng 3.482.000.000 đồng. Gia đình bà V. sẽ trả trước 1.960.000.000 đồng để đặt chỗ.

88c84a76536ca232fb7d.jpg
Hợp đồng thỏa thuận đặt chỗ giữa Công ty An Dương với khách hàng - Ảnh: QS
received_679221369425339(1).jpeg
Chủ đầu tư cho rằng khách hàng vô lý khi đòi lại tiền cọc kèm lãi suất 12%/năm - Ảnh: QS

Trong hợp đồng thỏa thuận của gia đình bà V. và phía công ty có ghi rõ là chủ đầu tư dự án sẽ hoàn thiện giải phòng mặt bằng vào quý 1/2020 và sẽ tiến hành bàn giao đất, nhà vào quý 2/2021. Song đến tháng 11.2020, quá trình giải phóng mặt bằng của dự án vẫn chưa được hoàn thành nên gia đình bà V. đã làm đơn đề nghị chủ đầu tư trả lại tiền đã đặt cọc cùng với lãi suất 12%/năm.

Ông Nguyễn Sơn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần đầu tư An Dương cho biết: “Vì một số lý do nhất định nên dự án vẫn chưa hoàn thiện pháp lý, cộng với sự đùn đẩy trách nhiệm của các cơ quan ban ngành trong tỉnh nên dự án của chúng tôi đã hơn 10 năm nhưng vẫn chưa thể hoàn thành. Tuy nhiên giữa công ty tôi với khách hàng chỉ là hợp đồng thỏa thuận chứ chưa hề có hợp đồng mua bán”.

Theo ông Thắng, đúng là chủ đầu tư có nhận tiền đặt chỗ của gia đình bà V., khi gia đình bà V. muốn lấy lại tiền thì phía chủ đầu tư cũng sẵn sàng trả. Tuy nhiên, việc gia đình bà V. yêu cầu mức lãi suất 12%/năm là quá lớn, hơn cả lãi suất ngân hàng. Vì vậy chủ đầu tư sẽ chủ động thỏa thuận với gia đình bà V. và hỗ trợ mức lãi suất 5%/năm.

de7214410a5bfb05a24a.jpg
Có một ngôi nhà ở khu vực An Đông (TP Huế) là ước mơ của nhiều người - Ảnh: QS

Chủ đầu tư khẳng định việc ký hợp đồng thỏa thuận dân sự với khách hàng khi dự án chưa hoàn thiện là không sai với quy định. Tuy nhiên theo khoản 1 và khoản 5 Điều 8 Luật Kinh doanh bất động sản thì việc huy động vốn khi bất động sản chưa đảm bảo điều kiện theo quy định là trái phép.

Luật kinh doanh bất động sản có quy định rõ nếu chủ đầu tư ký hợp đồng huy động vốn để phát triển nhà ở thì phải có biên bản nghiệm thu hoàn thành xong phần móng (với nhà chung cư, nhà hỗn hợp), hoặc phải có biên bản nghiệm thu về việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng tương ứng theo tiến độ dự án (với nhà ở liền kề, nhà thấp tầng). Ngoài ra, chủ đầu tư phải nộp hồ sơ hợp lệ đề nghị Sở Xây dựng chấp thuận được phép bán.

240f08d416cee790bedf.jpg
Khu vực An Đông bắt đầu phát triển từ nhiều năm nay, thu hút sự quan tâm của người dân - Ảnh: QS

Khoản 2, Điều 19, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP: Bên tham gia góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết quy định tại điểm này chỉ được phân chia lợi nhuận (bằng tiền hoặc cổ phiếu) trên cơ sở tỷ lệ vốn góp theo thỏa thuận trong hợp đồng; chủ đầu tư không được áp dụng hình thức huy động vốn quy định tại điểm này hoặc các hình thức huy động vốn khác để phân chia sản phẩm nhà ở hoặc để ưu tiên đăng ký, đặt cọc, hưởng quyền mua nhà ở hoặc để phân chia quyền sử dụng đất trong dự án cho bên được huy động vốn, trừ trường hợp góp vốn thành lập pháp nhân mới để được Nhà nước giao làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở”.

Như vậy, dù sẽ không gây ra thiệt hại về mặt tài sản để cơ quan pháp luật vào cuộc nhưng các hệ lụy từ việc ký hợp đồng thỏa thuận đặt chỗ để lại sẽ rất khó lường. Nếu giữa chủ đầu tư và khách hàng không đồng quan điểm với nhau, chắc chắn sẽ dẫn đến tranh chấp ngoài ý muốn. Cụ thể là trường hợp của gia đình bà V. và công ty Cổ phần đầu tư An Dương, khi gia đình bà V. muốn lấy lại tiền cọc với lãi suất 12%/năm để bù vào phần lãi suất đã vay của ngân hàng nhằm mục đích mua nhà ở.

Cần nói thêm, theo như hợp đồng thỏa thuận đã ký giữa gia đình bà V. và Công ty Cổ phần đầu tư An Dương thì đơn vị bán nhà sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án vào quý 1/2020. Song đến nay đã là quý 4/2020 mà một phần mặt bằng của dự án nhà ở An Đông Villas vẫn chưa được giải phóng để phục vụ xây dựng nhà thô.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Huế: Khách đòi lại tiền cọc kèm lãi suất 12%/năm, chủ đầu tư từ chối