Những người hút cần sa thường hít sâu hơn và nín thở lâu hơn những người hút thuốc lá, điều này có khả năng khiến họ tiếp xúc với nhiều chất độc hơn trong mỗi hơi thở.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Radiology cho thấy cần sa có thể liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh khí phế thũng hơn so với hút thuốc lá. Kết quả được đưa ra khi các chuyên gia y tế tỏ ra ngày càng lo ngại về tác động của cần sa đối với sức khỏe của phổi và kêu gọi nghiên cứu thêm về nó.
Tiến sĩ David Kaminsky, bác sĩ phổi và giáo sư y khoa tại Đại học Vermont (Mỹ), người không liên quan đến nghiên cứu cho biết: "Tôi không ngạc nhiên khi biết cần sa thực sự có hại cho phổi".
Theo Mayo Clinic, khí phế thũng là một dạng của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Bệnh khí phế thũng gây ra tình trạng khó thở do các túi phổi bị tổn thương lâu ngày khiến chúng suy yếu và vỡ ra, thay thế phần không gian nhỏ bằng không gian lớn, gây giảm diện tích bề mặt phổi, giảm lượng oxy đi vào máu.
Nghiên cứu đã xem xét trên ảnh chụp X-quang phổi của 56 người hút cần sa, 33 người hút thuốc lá và 57 người không hút thuốc, được chụp từ năm 2005 - 2020 ở Canada.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy bệnh khí phế thũng phổ biến hơn ở những người hút cần sa so với những người không hút thuốc và phổ biến hơn ở những người hút cần sa từ 50 tuổi trở lên so với những người chỉ hút thuốc lá.
Họ cũng tìm thấy một loại khí phế thũng phụ nhất định ảnh hưởng đến các phần ngoài cùng của phổi, được gọi là khí phế thũng cạnh vách, phổ biến hơn ở những người hút cần sa so với những người chỉ hút thuốc lá, bất kể tuổi tác.
Các ảnh chụp X-quang cho thấy nhiều trường hợp viêm đường thở hơn ở những người hút cần sa so với những người chỉ hút thuốc lá hoặc không hút thuốc.
Lượng cần sa trung bình mà những người hút hít vào là khoảng 1,85 gram (0,065 ounce) mỗi ngày, mặc dù chưa đến một nửa số người hút chỉ định mức sử dụng hàng ngày của họ.
Nghiên cứu chỉ bao gồm những người hút thuốc lá từ 50 tuổi trở lên và hút ít nhất một gói mỗi ngày trong 25 năm.
Do một số hạn chế của nghiên cứu, các chuyên gia y tế cho biết rất khó để so sánh trực tiếp rủi ro của thuốc lá và cần sa. 50 trong số 56 người hút cần sa cũng hút thuốc lá và các tác giả nghiên cứu đã không tính đến các tình trạng sức khỏe khác của người tham gia.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết nghiên cứu này gióng lên hồi chuông cảnh báo và cho thấy việc hút cần sa có thể không hoàn toàn không có rủi ro. Họ cho rằng điều quan trọng là tiếp tục nghiên cứu những rủi ro của việc hút cần sa.
Tiến sĩ Albert Rizzo, Giám đốc y tế của Hiệp hội Phổi Mỹ cho biết: "Chắc chắn có một mối lo ngại rằng chúng ta sẽ chứng kiến một thế hệ mắc bệnh phổi liên quan đến việc hút cần sa".
Cho đến nay, nghiên cứu mối liên quan giữa cần sa và sức khỏe vẫn còn hạn chế và có nhiều kết quả khác nhau. Một số nghiên cứu cho thấy hút cần sa có thể gây tổn thương phổi liên quan đến tăng nguy cơ viêm phế quản mãn tính, nhưng không tìm thấy những thay đổi đáng kể về chức năng phổi theo thời gian.
Hiệp hội Phổi Mỹ cũng ủng hộ nghiên cứu bổ sung nhưng lập luận rằng khói thuốc có hại cho sức khỏe phổi và cần sa "đã được chứng minh là có chứa nhiều chất độc, chất kích thích và chất gây ung thư giống như khói thuốc lá".
Rizzo cho biết cần sa cũng có thể gây hại cho phổi nhiều hơn do cách mọi người hút cần sa. Người dùng thường hít sâu hơn và nín thở lâu hơn so với hút thuốc lá, điều này có thể khiến họ tiếp xúc với nhiều chất độc hơn trong mỗi hơi thở.
Trước đó, một nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa nguy cơ đột quỵ và cần sa dựa trên một phân tích hơn 43.000 người trưởng thành từ 18 - 44 tuổi, trong đó có gần 14% người đã sử dụng cần sa trong 30 ngày.
Bên cạnh đó những người trẻ tuổi hút cần sa cũng thường xuyên hút thuốc lá và thuốc lá điện tử. Do đó, họ có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn gấp 3 lần so với những người không hút cần sa.
Sau khi điều chỉnh các biến số có thể dẫn tới đột quỵ, nhóm nghiên cứu nhận thấy dù những người hút cần sa không hút thuốc trong vòng hơn 10 ngày vẫn có khả năng bị đột quỵ cao hơn gấp gần 2,5 lần so với người không hút.