Có thể nói về môn đấu vật, Việt Nam là số 1 khu vực từ trước đến nay, đặc biệt các đô vật nữ của chúng ta vượt trội tuyệt đối ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, khi bước ra sân chơi Olympic, vật Việt Nam lại không gây được tiếng vang nào.

Huy chương Olympic môn đấu vật: Việt Nam có thể giành được nếu đầu tư đúng

Đặng Hoàng | 27/05/2023, 14:35

Có thể nói về môn đấu vật, Việt Nam là số 1 khu vực từ trước đến nay, đặc biệt các đô vật nữ của chúng ta vượt trội tuyệt đối ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, khi bước ra sân chơi Olympic, vật Việt Nam lại không gây được tiếng vang nào.

Nhìn lại SEA Games 32, nếu nói môn Olympic nào mà Việt Nam thi đấu vượt trội thì đó chính là môn vật. Với tổng cộng 30 bộ huy chương cho vật cổ điển nam, vật tự do nam và vật dành cho nữ, Việt Nam đã giành được huy chương ở 18 nội dung.

Thật ra, 12 nội dung còn lại Việt Nam không có huy chương là vì chúng ta không cử VĐV tham dự do quy định giới hạn từ nước chủ nhà. Nếu đấu đủ, không loại trừ khả năng đoàn Việt Nam có đủ huy chương ở 30 nội dung.

Ngay cả khi chỉ tham gia 18 nội dung vật tại SEA Games 32, Việt Nam cũng giành 13 HCV, hơn gấp đôi so với đoàn thứ 2 là Indonesia (6 HCV). Đặc biệt, trong 10 nội dung vật nữ thì các đô vật của Việt Nam toàn thắng khi giành trọn 6 HCV. Có thể nói về môn đấu vật, Việt Nam là số 1 khu vực từ trước đến nay, đặc biệt các đô vật nữ của chúng ta vượt trội tuyệt đối ở Đông Nam Á.

Ưu thế này có được là do truyền thống yêu thích môn vật trong lịch sử dân tộc. Hằng năm đến các vùng nông thôn, đặc biệt ở Bắc Bộ, nhiều làng quê vẫn giữ truyền thống đấu vật đầu năm. Tranh Đông Hồ chơi tết cũng in hình đấu vật trong lễ hội như một lời khẳng định: đấu vật đã đi vào văn hóa dân tộc. Từ dấu ấn văn hóa đó, truyền thống con người đó, đấu vật đã giúp Việt Nam có vị thế lớn trong các giải SEA Games.

Mặc dù vậy, khi bước ra sân chơi Olympic, đấu vật Việt Nam lại không gây được tiếng vang nào.

vat.jpg
Nữ đô vật Phạm Thị Huế (áo hồng) thi đấu áp đảo tại SEA Games 27

Thể thao Việt Nam trong lần dự Olympic đầu tiên sau khi đất nước thống nhất là Thế vận hội 1980. Khi đó, Việt Nam có 5 nam đô vật tham dự nhưng đều bị loại sớm. Nguyễn Văn Công hạng dưới 48kg thua Laszlo Biro của Hungary 2-13, thua Mahabir Singh của Ấn Độ 2-14 nên bị loại; Nguyễn Kim Thiềng hạng dưới 52kg thua Mohamed Hachaichi của Algeria 8-15; thua Mohammad Aynutdin của Afghanistan 2-18 nên cũng rời cuộc chơi.

Ngoài ra, đô vật Phạm Văn Tý hạng 57kg cũng thua Juan Rodríguez của Cuba 1-29, thua Karim Salman Muhsin của Iraq 2-17; Nguyễn Ðình Chi hạng 68kg thua đo sàn trước Janos Kocsis của Hungary và Jagmander Singh của Ấn Độ. Chỉ có Phí Hữu Tình hạng 62kg thắng được Victor Kede Manga của Cameroon 1 trận nhưng lại thua liên tiếp Zoltan Szalontai của Hungary 1-14 và thua Georges Hadjiioannidis của Hy Lạp 0-25 nên cũng bị loại sớm.

Một điều đáng lưu ý nữa là Olympic tổ chức tại Moscow vào năm 1980, do các nước phương Tây tẩy chay nên các đô vật Việt Nam còn chưa gặp các đối thủ mạnh khác, thế mà đã thua trắng tay như vậy!

Sự kiện Olympic đó cũng là lần duy nhất mà Việt Nam được cử nhiều đô vật như vậy mà không cần thi đấu vòng loại. Tại Olympic 1988, trong 9 VĐV dự Olympic của Việt Nam, chỉ có một đô vật là Nguyễn Kim Hương ở hạng 52kg. Sau khi thua Kuldeep Singh của Ấn Độ ở vòng 1, Kim Hương thắng trận 2 trước Florentino Tirante của Philippines nhưng thua Laszlo Biro ở vòng 3 nên cũng bị loại.

Tại Olympic 1992, Việt Nam không có VĐV dự môn vật. Tại Olympic 1996, chỉ có Cao Ngọc Phương Trinh dự môn Judo nhưng không có VĐV dự môn đấu vật. Tình hình tương tự với đấu vật của Việt Nam tại Olympic 2000, 2004, 2008. Mãi đến 2012, sau 24 năm, đấu vật Việt Nam mới trở lại sới Olympic nhưng Nguyễn Thị Lụa ở hạng 48kg nữ đã thua Carol Huỳnh ngay vòng 16. Tại Olympic 2016, Việt Nam có 2 nữ đô vật tham gia nhưng ở hạng 48kg, Vũ Thị Hằng phải bỏ cuộc vì chấn thương trong khi Nguyễn Thị Lụa ở hạng 53kg lại thua tiếp ngay trận ra quân trước Isabelle Sambou của Senegal và dừng bước ở vòng 16. Cả 2 lần dự Olympic, Lụa đều may mắn không phải đấu vòng 32, nhưng ngay trận đầu tiên vào sới, Lụa đã thua ngay.

Điều đó cho thấy dù đấu vật của Việt Nam, đặc biệt là đấu vật nữ có xưng vương ở khu vực nhưng khi ra đến Olympic đều thua nhanh. Tuy nhiên, không vì thế mà đánh giá thấp cơ hội giành huy chương của đấu vật nữ được.

Trong khi đó, để tìm được huy chương đấu vật nam dù là vật tự do hay vật cổ điển thì cũng rất khó cạnh tranh trước các VĐV từ Trung Á, Tây Á. Tuy nhiên, khu vực này do vấn đề xã hội nên phụ nữ ít tham gia đấu vật và tạo khoảng trống lớn cho các khu vực khác tìm kiếm cơ hội.

Cần nhớ tại Olympic, đấu vật có đến 18 bộ huy chương (chỉ kém mỗi điền kinh và bơi lội). Trong đó, nữ có 6 bộ huy chương ở các hạng cân 50kg, 53kg, 57kg, 62kg, 68kg, 76kg (được điều chỉnh từ 2020 và áp dụng tại cả 2024). Cả 6 nội dung này đều có ở SEA Games 32 và các nữ đô vật Việt Nam giành 5 HCV, riêng hạng 53kg không tham gia.

Có nghĩa là nếu tiếp tục đầu tư cho đấu vật nữ, cơ hội kiếm huy chương của chúng ta sẽ không nhỏ. Đấu vật nữ Việt Nam không nên âu lo về tố chất nếu nhìn lại Nguyễn Thị Lụa đã thua ai tại Olympic 2012: Carol Huỳnh. Khi đó Carol Huỳnh là người đang giữ HCV Thế vận hội nhờ lên ngôi tại Bắc Kinh ở hạng 48kg nữ (giờ hạng thấp nhất của nữ là 51kg) và sau khi thắng Lụa thì Carol Huỳnh tiếp tục đoạt HCĐ tại Olympic London.

Carol Huỳnh có cha mẹ là người Việt gốc Hoa. Về tố chất, Carol Huỳnh cũng không hơn gì so với các VĐV Việt Nam, nhưng cô được đào tạo trong môi trường đấu vật chuyên nghiệp tốt nhất, tiếp xúc với những HLV hàng đầu thế giới.

Suốt 20 năm qua, vật Việt Nam vẫn dựa vào các chuyên gia đến từ khối các nước Liên Xô cũ nhưng họ chỉ quen huấn luyện các VĐV nam. Còn nếu nói về đấu vật nữ thì Nhật hiện nay là bá chủ sới vật Thế vận hội. Từ Olympic 2004, đấu vật nữ bắt đầu lên sới với 4 hạng cân thì Nhật giành 2 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ; Trung Quốc giành 1 HCV. Tại Olympic 2008 có 4 hạng cân, Nhật cũng giành 2 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ; Trung Quốc giành 1 HCV, 1 HCB. Tại Olympic 2012 cũng có 4 hạng cân thì Nhật giành đến 3 HCV; Trung Quốc giành 1 HCB. Tại Olympic 2016, đấu vật nữ nâng lên 6 nội dung và Nhật đã giành 4 HCV, 1 HCB. Tại Olympic lần trước ở sân nhà, Nhật giành hết 4 HCV ở các hạng cân thấp.

Nhật áp đảo ở đấu vật nữ vì họ biết biến lợi thế dân tộc từ Judo qua đấu vật nữ, tất nhiên phải kết hợp với đấu pháp, kỹ thuật hiện đại. Việt Nam cũng có lợi thế dân tộc từ môn đấu vật. Điều chúng ta cần làm là phải biết tầm sư học đạo, đầu tư đúng để biến lợi thế đó thành sức mạnh, từ đó mới có cơ hội đoạt huy chương tại Olympic.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
một giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Huy chương Olympic môn đấu vật: Việt Nam có thể giành được nếu đầu tư đúng