Huỳnh Phúc Hậu không phải là nhà nhiếp ảnh giỏi nhất Việt Nam. Nếu nhiều bậc đàn anh hoặc bạn đồng lứa đã được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhiếp ảnh đẳng cấp quốc tế, anh chỉ đạt được danh hiệu nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Tuy nhiên, tên anh đủ sức cuốn hút nhiều người mê ảnh nghệ thuật vì sự riêng biệt hay nói đúng hơn là khác biệt.

Huỳnh Phúc Hậu - Một 'ca lạ' trong làng ảnh nghệ thuật Việt Nam

Tiểu Vũ | 08/12/2016, 13:00

Huỳnh Phúc Hậu không phải là nhà nhiếp ảnh giỏi nhất Việt Nam. Nếu nhiều bậc đàn anh hoặc bạn đồng lứa đã được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhiếp ảnh đẳng cấp quốc tế, anh chỉ đạt được danh hiệu nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Tuy nhiên, tên anh đủ sức cuốn hút nhiều người mê ảnh nghệ thuật vì sự riêng biệt hay nói đúng hơn là khác biệt.

Bước qua bệnh tật nhờ tình yêu nhiếp ảnh

Huỳnh Phúc Hậu sinh năm 1966 tại Châu Đốc, An Giang. Sau khi kết thúc phổ thông anh học chuyên ngành y tế. Kết thúc nhiều năm đèn sách tại Sài Gòn, anh trở về bệnh viện đa khoa Châu Đốc phục vụ trong khoa chẩn đoán hình ảnh bao gồm chụp X – Quang, Xray... Dù làm trong ngành y nhưng tâm hồn anh rất nghệ sĩ. Anh để tóc dài và thường xuyên gặp gỡ bạn bè nghệ sĩđịa phương để trà dư tửu hậu và đàn hát.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Huỳnh Phúc Hậu

Có lẽ phong cách sống quá lãng tử nên dù anh có vẻ ngoài đẹp trai, hiền hậu cùng công việc ổn định nhưng chẳng cô gái quê nào dám tin tưởng trao trọn yêu thương. Ba lần cưới vợ, anh đều bị từ chối vào phút cuối. Sự kém may mắn trong tình trường khiến tinh thần anh hụt hẫng, anh uống rượu ngày càng nhiều hơn. Người thân khuyên anh giảm bớt rượu chè bảo vệ sức khỏe, còn anh cảm thấy rằng nếu anh không có bạn bè bên ly rượu, nỗi cô đơn giết chết anh. Anh càng uống càng hăng trong khi người thân vô cùng lo lắng.

Nhưng chính nỗi cô đơn này cùng tâm hồn nghệ sĩcó sẵn đã thôi thúc Huỳnh Phúc Hậu đến với nhiếp ảnh. Khoảng năm 2004, nghệ sĩnhiếp ảnh nổi tiếng Hoàng Thế Nhiệm ghé ngang qua Châu Đốc. Nhiếp ảnh gia chuyên về phong cảnh thiên nhiên này đến vùng đất Thất Sơn huyền bí để sáng tác ảnh, và bạn bè địa phương mời ông trao đổi kinh nghiệm chụp ảnh. Huỳnh Phúc Hậu tình cờ có mặt trong buổi nói chuyện thân mật này. Câu chuyện nhiếp ảnh của Hoàng Thế Nhiệm đã truyền cảm hứng cho anh. Anh nhận ra rằng chính việc tiếp xúc với thiên nhiên, ghi lại nhưng khoảng khắc đẹp sẽ là nơi anh giải tỏa những cảm xúc tiêu cực, giúp anh vơi đi nỗi buồn đeo bám trong lòng.

Qùa của lũ không chỉ đẹp về hình thức thể hiện mà còn gửi đi một nỗi niềm của tác giả trước sự thay đổi của quê hương

Nghĩ là làm. Anh nhờ những người am hiểu ảnh nghệ thuật tư vấn việc mua máy ảnh. Anh tự mày mò học hỏi. Tranh thủ lúc rảnh rỗi, anh dong xe vòng quanh Châu Đốc hay vô sâu vùng ven chụp cảnh thiên nhiên. Dần dần tay nghề chụp ảnh của anh được nâng cao. Huỳnh Phúc Hậu cho biết: “Lúc cầm chiếc máy trong tay và đứng trước một khung cảnh đẹp tôi như rơi vào trạng thái thiền. Tôi không còn quan tâm đến điều gì khác ngoài nhiếp ảnh. Mỗi khi bắt được một khoảnhkhắc đẹp, tôi reo vui như trẻ con được quà. Niềm vui này ngày càng lớn dần và giúp tôi lấy lại được trạng thái tinh thần cân bằng”.

Sau khi đến với ảnh nghệ thuật, phong cách sống của Huỳnh Phúc Hậu thay đổi hoàn toàn theo hướng tích cực. Nếu trước kia, hết giờ làm việc, anh hẹn hò bè bạn đến quán rượu để bù khú thì sau này, anh tranh thủ từng chút thời gian để sáng tác. Thế nhưng dư chấn của việc uống rượu quá nhiều đã khiến anh bị đột quỵ. Trong một buổi sáng, tự nhiên anh thấy người lạnh và yếu dần. Anh ngất xỉu. Tỉnh dậy anh nhận ra toàn bộ nữa thân người của mình không thể cử động.

Huỳnh Phúc Hậu nhớ lại thời điểm tâm tối đó: ”Tôi cứ nghĩ rằng nhiếp ảnh đã đưa cuộc sống của mình sang trang khác, nhưng đột nhiên bệnh tật ập tới. Nằm liệt trên giường bệnh mà tôi cứ nhớ đến những chuyến đi. Muốn nhấc người ra khỏi giường nhưng bất lực. Tôi hoàn toàn tuyệt vọng. Nhưng rồi tôi tự nghĩ mình không thể bỏ cuộc vì cuộc sống ngoài kia tươi đẹp quá. Tôi kiên nhẫn điều trị, tịnh dưỡng và nhờ người mua giùm một chiếc máy ảnh nhỏ. Tôi chụp bất cứ điều kỳ tôi thấy xung quanh. Tôi ráng bước ra xa hơn để chụp được ngoại cảnh. Kỳ lạ thay, ba tháng sau tôi hồi phục hoàn toàn”.

Nghệ thuật là sẻ chia

Trước khi ngã bệnh, Huỳnh Phúc Hậu đã nổi tiếng trong giới nhiếp ảnh qua tác phẩm Mùa hoa ôi môi mà anh chụp tại làng Chăm Búng Bình Thiên, thị trấn An Phú, Châu Đốc. Bức ảnh này đẹp như bức tranh thủy mặc nên được hàng trăm trang web du lịch Việt Nam sử dụng để quảng bá cho du lịch. Thế nhưng không ai trả cho anh một đồng nhuận bút nào. Nhiều bạn bè khuyên anh có động thái giành lại giá trị bản quyền nhưng anh chỉ cười xuề xòa cho qua. Nói về điều này, Huỳnh Phúc Hậu cho biết thêm: “Bác sĩchẩn đoán cho tôi có căn dặn rằng nhiều khả năng tôi sẽ bị đột quỵ lần thứ hai, thứ ba. Thế nên có được bức ảnh nào đẹp tôi đều công bố rộng rãi trên diễn đàn ảnh, hoặc mạng xã hội. Tôi muốn người mê ảnh nghệ thuật thưởng thức được tác phẩm của tôi sớm nhất, vì tôi sợ rằng nếu mình không làm thế mà chết đột ngột thì chẳng còn cơ hội”.

Mùa hoa ôi môi là một trong những tác phẩm đẹp đặc biệt của nghệ sĩ nhiếp ảnh Huỳnh Phúc Hậu

“Tôi không quá chú trọng vào việc bảo vệ bản quyền còn vì tôi không xem ảnh nghệ thuật là cách mưu sinh. Công việc phó khoa chẩn đoán hình ảnh ở bệnh viện và phòng khám riêng giúp tôi không quá lo toan chuyện tiền nông. Dù vậy, tôi vẫn bán ảnh của mình. Nhưng cách của tôi là chỉ bán cho những người thực sự đánh giá được giá trị của tác phẩm. Tôi cũng sẵn sàng biếu tặng cho những ai có phong cách mà tôi thích”, Huỳnh Phúc Hậu cho biết thêm.

Cứ thế nhiều tác phẩm khác của Huỳnh Phúc Hậu như Tan trường, Bức tranh quê, Qùa của lũ đều được phổ biến rộng rãi và được nhiều tổ chức sử dụng quảng bá cho mục đích tốt đẹp. Anh cảm thấy hoan hỷ và vui vì tác phẩm của mình được đông đảo công chúng đón nhận. Nói về ảnh của Huỳnh Phúc Hậu, nhiếp ảnh gia Lê Quang Bảo – admin của Saigonphotos – website ảnh nghệ thuật nổi tiếng Việt Nam cho biết: "Ảnh của anh Hậu giống như tâm hồn của anh ấy vậy. Mộc mạc, bình dị nhưng đẹp sâu lắng. Càng thưởng thức càng thấy thích thú”.

Ảnh đẹp nhất là hình ảnh quê hương

Một điều lạ khác nữa ở Huỳnh Phúc Hậu là những bức ảnh đẹp nhất của anh đều là khung cảnh vùng quê nơi anh sinh ra. Mặc dù hằng năm anh vẫn tháp tùng cùng anh em nhiếp ảnh đi khắp nơi sáng tác, nhưng các bức ảnh tạo cảm xúc nhiều nhất trong anh, cũng như thu hút được nhiều sự quan tâm của công chúng đều là khung cảnh miền quê Thất Sơn – Châu Đốc. Đặc biệt trong đó, hình ảnh mùa nước nổi là một cái tứ tạo cho anh một thương hiệu riêng, rất đặc biệt trong giới nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam.

Tác phẩm "Tan trường" của Huỳnh Phúc Hậu được một tổ chức của UNESCO sử dụng làm ảnh bìa cho tài liệu về giáo dục

Vì vậy, trong triển lãm đầu đời của mình sau 12 năm sáng tác, Huỳnh Phúc Hậu chọn chủ đề “ An Giang mùa nước nổi”. 39 tác phẩm trong triển lãm được chọn lọc ra từ hàng ngàn bức ảnh mà anh chụp đi chụp lại trong suốt hơn 1 thập kỷ. Điều này cho thấy mùa nước nổi vùng Châu Đốc có một ý nghĩa vô cùng đặc biệt với anh. Nó không chỉ dừng lại ở ý nghĩa nghệ thuật mà còn là một sự thổn thức, lo lắng trước hiện trạng của quê hương.

Huỳnh Phúc Hậu cho biết: “Tác phẩm chủ đề trong loạt ảnh mùa nước nổi của tôi mang tên Qùa của lũ. Bức ảnh này tôi chụp vào năm 2005 tại kênh Tha La, thời điểm mà cá linh về rất nhiều. Sau này, khi Châu Đốc bắt đầu làm đê bao, và khí hậu ngày càng thay đổi. Nước mùa lũ ít dần và cá cũng ít dần. Tôi cảm thấy buồn vì sự thay đổi này. Cá mắm là sản vật mà thiên nhiên ban tặng cho vùng Châu Đốc vào mùa nước nổi, nhưng càng về sau này cá đã ít đi. Tôi tự hỏi điều này đến từ đâu,từ thiên nhiên hay con người?Bất giác tôi thấy buồn”.

Ngoài phong cảnh thiên nhiên, Huỳnh Phúc Hậu còn chụp nhiều ảnh về chùa chiền và sư sãi người Khơ-me vùng An Giang; kiến trúc nhà cửa đền thờ người Chăm An Giang. Vì vậy, anh đã có kế hoạch tổ chức thêm các triển lãm về hai nội dung này. Nhưng vào năm 2017, anh sẽ xuất bản quyển sách ảnh chủ đề: An Giang mùa nước nổi.

Nguyễn Huy
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài cuối: Festival là cơ hội để hạt muối vươn xa
Theo kế hoạch, Festival muối 2025 sẽ được tỉnh Bạc Liêu tổ chức vào tháng 3.2025. Đây là sự kiện quy mô lớn, tạo tiền đề, cơ hội thuận lợi để kết nối, mời gọi nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất muối, từ đó góp phần nâng cao giá trị hạt muối, giúp bà con diêm dân vươn lên làm giàu từ nghề lâu đời này.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Huỳnh Phúc Hậu - Một 'ca lạ' trong làng ảnh nghệ thuật Việt Nam