Các nhà dịch tễ học cảnh báo rằng số ca nhiễm COVID-19 giảm có thể báo hiệu một sự ổn định trước khi một biến thể mới khác xuất hiện.

Hy vọng đại dịch COVID-19 kết thúc dường như là quá sớm

Đan Thuỳ | 07/03/2022, 10:16

Các nhà dịch tễ học cảnh báo rằng số ca nhiễm COVID-19 giảm có thể báo hiệu một sự ổn định trước khi một biến thể mới khác xuất hiện.

Với các trường hợp và số ca tử vong do COVID-19 đang giảm dần trong những tuần gần đây, một số quốc gia đang rút lại các biện  pháp phòng dịch trong bối cảnh lạc quan rằng sự lây lan của biến thể Omicron đã đưa thế giới đến gần hơn với sự kết thúc của đại dịch.

Đan Mạch đã dỡ bỏ gần như tất cả các biện pháp phòng dịch. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết hiện tại khoảng 93% dân số Mỹ sống ở các khu vực có tỷ lệ mắc COVID-19 ở mức thấp đủ để mọi người không cần đeo khẩu trang trong không gian khép kín. Nước Anh không còn yêu cầu những người mắc COVID-19 phải tự cách ly hoặc làm xét nghiệm nhanh hằng ngày.

Trên toàn cầu, số ca mắc mới và số ca tử vong tiếp tục xu hướng giảm, lần lượt giảm 16% và 10% vào cuối tuần vừa rồi, so với tuần trước đó.

Nhưng các nhà khoa học cảnh báo rằng sự kết thúc của đợt gia tăng của biến thể Omicron không phải là sự kết thúc của đại dịch, mà nó chỉ giống như đỉnh dịch đã trải qua giữa các đợt sóng trước đó trong 2 năm qua. Khi khả năng miễn dịch suy yếu và một biến thể khác xuất hiện vào một thời điểm nào đó, dân số lại có thể dễ bị nhiễm bệnh hàng loạt.

106984842-1638795425843-gettyimages-1237038606-nyc_omicron.jpeg
Nhiều nước trên thế giới đã dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch khi số ca nhiễm COVID-19 có xu hướng giảm  dần - Ảnh: Internet

Nhà dịch tễ học Adam Kucharski, Phó giáo sư tại Trường Vệ sinh và y học nhiệt đới London (Anh) cho biết khó có thể dự đoán được sẽ mất bao lâu để một biến thể mới xuất hiện, nhưng ông chỉ ra những đỉnh dịch tương tự đã trải qua giữa các biến thể Alpha và Delta.

“Nhiều quốc gia có số ca giảm dần có khả năng đang ở trong “thời kỳ trăng mật” về khả năng lây truyền thấp hơn, đặc biệt nếu phần lớn việc giảm lây truyền đến từ vắc xin, điều này có thể suy giảm nhanh chóng về mặt bảo vệ chống lại biến thể Omicron", ông Adam Kucharski nhận định.

Ông Kucharski cũng cho biết một số quốc gia châu Âu có thể đã trải qua "thời kỳ trăng mật" sau khi tiêm vắc xin chống lại biến thể Alpha vào đầu mùa hè năm 2021, với việc tiêm phòng và miễn dịch sau nhiễm bệnh đã làm giảm tỷ lệ lây nhiễm trước khi biến thể Delta tấn công.

Theo Kucharski, hiện tượng này đã được thấy ở các bệnh khác và liên quan đến chỉ số R được các nhà dịch tễ học sử dụng để đo lường sự lây lan của bệnh truyền nhiễm trong một quần thể.

Khi khả năng miễn nhiễm tích lũy, R, số trường hợp thứ cấp trung bình cho mỗi lần nhiễm trùng... giảm xuống. Số R dưới 1 đánh dấu thời điểm dịch đạt đỉnh điểm và bắt đầu giảm.

Kucharski nói rằng nếu tỷ lệ giảm xuống đáng kể dưới 1 trong một đợt dịch, sẽ mất một thời gian để tính nhạy cảm tăng lên đến mức đủ để gia tăng sự bùng phát trở lại, để lại "thời kỳ trăng mật" mà mức độ lây nhiễm lúc đầu vẫn ở mức thấp.

Hiện tượng có thể được quan sát thấy trong các ví dụ như bệnh sởi, với việc bổ sung trẻ sơ sinh chưa được tiêm chủng vào dân số dần dần làm tăng tính nhạy cảm chung với bệnh cho đến khi đạt đến ngưỡng của một đợt bùng phát mới.

Kucharsky cho biết các biến thể mới của COVID-19 sẽ định hình tính nhạy cảm của quần thể trong tương lai, nhưng bao lâu trước khi biến thể tiếp theo xuất hiện vẫn chưa được biết.

"Chúng ta có thể thấy những làn sóng xa hơn, tùy thuộc vào thời điểm các biến thể xuất hiện. Tất nhiên, mức độ nghiêm trọng của các đợt sóng trong tương lai sẽ phụ thuộc vào đặc điểm của các biến thể chưa được biết đến, có thể trở nên nghiêm trọng hơn như Alpha hoặc nhẹ hơn như Omicron", Kucharsky nói.

Kucharski cho biết các quốc gia dường như xác định giai đoạn khẩn cấp của đại dịch bằng cách xem xét liệu nó có đang phá hủy hệ thống y tế của họ hay không. Ở các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao trong các nhóm dễ bị tổn thương, làn sóng Omicron dường như đã trôi qua, nhưng rủi ro vẫn còn hiện hữu ở những nơi khác.

Madhukar Pai, Giáo sư dịch tễ học và sức khỏe toàn cầu tại Đại học McGill ở Montreal (Canada) cho biết: "Thế giới đã may mắn với biến thể Omicron nhưng không có gì đảm bảo biến thể tiếp theo sẽ nhẹ hơn. Chúng ta sẽ thấy các biến thể mới, bởi vì sự lây truyền vi rút đang xảy ra với số lượng lớn và hơn 3 tỉ người, chủ yếu ở các quốc gia có thu nhập thấp, hoàn toàn không được bảo vệ".

Tỷ lệ tiêm chủng tiếp tục thấp ở các nước thu nhập thấp, nơi chỉ có 13% dân số được tiêm ít nhất một liều vắc xin. Theo chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc, 68,63% dân số ở các nước có thu nhập trung bình và cao đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin.

Ông Pai cho biết hành động là cần thiết để thế giới được chủng ngừa, bất kể số ca mắc bệnh Omicron có giảm hay không, để ngăn chặn một làn sóng khác trong những tháng tới. Chỉ tiêm vắc xin cho các nước giàu sẽ giống như chơi một trò chơi mạo hiểm với một loại vi rút liên tục đột biến.

"Cách duy nhất để chấm dứt đại dịch là chấm dứt nó ở khắp mọi nơi. Tiêm chủng cho toàn thế giới là hy vọng tốt nhất của chúng tôi để giảm sự lây truyền vi rút, cứu sống và xây dựng lại nền kinh tế toàn cầu", Pai nói.

ông Pai nói "thật thất vọng và đáng xấu hổ" khi Anh, Liên minh châu Âu (EU) và Canada tiếp tục ngăn chặn việc từ bỏ thỏa thuận đa phương của Tổ chức Thương mại thế giới về sở hữu trí tuệ nhằm tăng sản lượng vắc xin toàn cầu.

Ông Pai cho rằng các quốc gia giàu có cũng phải chia sẻ các xét nghiệm nhanh và phương pháp điều trị kháng vi rút mới, cũng như cách sản xuất chúng để các quốc gia khác sản xuất.

"Tiếp cận tốt hơn với các xét nghiệm, thuốc và vắc xin là kế hoạch tốt nhất để chấm dứt cuộc khủng hoảng cho tất cả mọi người, ở mọi nơi".

Người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự tại cuộc họp cuối tháng trước về sự hợp tác của các cơ quan cung cấp cho những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình dụng cụ xét nghiệm, phương pháp điều trị, vắc xin và thiết bị bảo vệ cá nhân.

"Cần phải chú ý giải quyết câu hỏi quan trọng là làm thế nào để tất cả mọi người trên thế giới đều được tiêm vắc xin, làm thế nào chúng ta đảm bảo tất cả các quốc gia có đủ xét nghiệm, đủ oxy để điều trị cho bệnh nhân và đủ đồ bảo hộ PPE để giúp nhân viên y tế an toàn. Chúng ta còn xa mới đạt được mục tiêu chung là tiêm chủng cho 70% dân số của mọi quốc gia vào giữa năm nay, cũng như các mục tiêu về xét nghiệm và điều trị", ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói.

Trong một tweet liên kết đến nội dung bài phát biểu của mình, Tedros cảnh báo "Đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc".

anh-chup-man-hinh-2022-03-07-luc-09.43.14.png
Bài viết của ông Tedros Adhanom Ghebreyesus trên Twitter - Ảnh: SCMP

Jeremy Farrar, Giám đốc Quỹ nghiên cứu y tế toàn cầu Wellcome Trust, cũng cho biết sẽ là sai lầm khi nghĩ rằng đại dịch đã qua đi, đơn giản vì các ca bệnh đang giảm dần.

“Mọi người đều chán ngấy với những biện pháp phòng dịch và tin tức chỉ xoay quanh đại dịch. Nhưng bất kỳ ý nghĩ nào rằng đại dịch sẽ sớm kết thúc là điều vô nghĩa”, Jeremy Farrar nói tai một diễn đàn nghiên cứu và đổi mới của WHO tháng trước.

Theo ông Farrar, không phải vi rút trở nên dễ lây lan hơn và ít nghiêm trọng hơn khi chúng tiến hóa. Ông cảnh báo mặc dù kịch bản chuyển đổi sang bệnh dịch như các bệnh khác, "Có một loạt các kịch bản có thể sẽ xảy ra và rõ ràng là một số quốc gia đang chuyển sang một giai đoạn khác. Nhưng tôi e rằng các chính trị gia trên toàn thế giới đang tập trung vào những viễn cảnh tươi sáng nhất trong số đó", Farrar nói.

Bài liên quan
Nhà sản xuất vắc xin COVID-19 có mặt đầu tiên ở Việt Nam được vinh danh
AstraZeneca vừa chính thức trở thành 1 trong 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2024, trong đó, công ty ở vị trí thứ 5 toàn ngành dược và thứ 35 trong số những nơi làm việc tốt nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Hà Nội công bố tình huống khẩn cấp sạt lở trên các tuyến đê bờ sông Bùi
8 phút trước Sự kiện
TP.Hà Nội vừa công bố tình huống khẩn cấp các sạt lở trên các tuyến đê, sạt lở bờ sông Bùi tại huyện Chương Mỹ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hy vọng đại dịch COVID-19 kết thúc dường như là quá sớm