Giới chức Indonesia khẳng định nước này chẳng hề phát hiện ca nhiễm Covid-19 nào mặc dù các nước láng giềng như Thái Lan, Philippines, Malaysia, Singapore đều đã ghi nhận vài chục trường hợp.
Tuy vậy, việc số lượng người phải cách ly tiếp tục tăng lên (trong đó có 30 công nhân Trung Quốc trở về tỉnh Bắc Sulawesi sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán) vài ngày gần đây làm dấy lên lo ngại về nguy cơ có ca nhiễm nhưng không được báo cáo.
Nỗi lo là có căn cứ khi nhớ lại sự yếu kém trong đối phó cúm H5N1 hơn 1 thập niêntrước, khiến 165 trên tổng số 197 người Indonesia mắc bệnh qua đời từ năm 2005 đến 2014 - tỷ lệ tử vong 84%. Thời điểm đó nhiều người chỉ trích chuyện không xác định và báo cáo kịp thời ổ dịch, không theo dõi chặt chẽ và xử lý đàn gia cầm đáng ngờ.
Trước nghi vấn từ dư luận, Bộ Y tế Indonesia ngày 10.2 lên tiếng bác bỏ nghiên cứu của đại học Harvard nhận định rằng nước này đáng lẽ đã có ca nhiễm Covid-19.
“Về cơ bản, nghiên cứu chỉ là một mô tình toán học dự đoán quy mô lây lan với vài biến độc lập dựa trên lượng khách du lịch quốc tế”, quan chức Bộ Y tế Mitch Siswanto giải thích. Ông đảm bảo giới chức năng lấy mẫu kiểm tra 62/64 trường hợp nghi nhiễm đúng cách và tất cả đều âm tính.
Cho dù tình hình có thực sự khả quan hay không, Tổng thống Joko Widodo cũng không lơ là cảnh giác. Chính quyền Jakarta thiết lập đường dây nóng để nhận thông tin về trường hợp nghi nghiễm, nâng mức khuyến cáo hạn chế sang Singapore, đặt 100 bệnh viện trên toàn quốc trong tình trạng sẵn sàng, sơ tán khoảng 240 công dân khỏi vùng dịch Vũ Hán rồi đưa họ đến quần đảo Natuna xa xôi cách ly, cấm mọi chuyến bay từ Trung Quốc, lắp thiết bị theo dõi thân nhiệt ở mọi sân bay lớn.
Các quan chức còn bắt đầu thảo luận kế hoạch xây bệnh viện dã chiến phục vụ công tác điều trị cho ca nhiễm (nếu có). Cơ sở sẽ nằm tại khu vực hẻo lánh, gần căn cứ quân sự hoặc bãi cất/hạ cánh thuận tiện cho việc chuyên chở bệnh nhân. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang làm việc với chính quyền Jakarta nhằm rà soát kỹ càng hơn.
Dù chưa có ca nhiễm Covid-19, nhưng quốc gia Đông Nam Á vẫn phải nghĩ đến thiệt hại kinh tế do dịch bệnh đem lại. Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại Indonesia A. Lin Neumann cho biết: “Hoạt động của hầu hết doanh nghiệp thành viên vẫn bình thường. Mọi người cố gắng chuẩn bị cho kịch bản xuất hiện ca nhiễm nCoV. Hiện tại chưa thấy tác động về kinh tế. Nếu tình hình kéo dài thì Trung Quốc sẽ mất 1 -2 điểm phần trăm tăng trưởng GDP, gây ảnh hưởng xấu đến Indonesia. Tỷ lệ lấp đầy phòng khách sạn giảm, kinh doanh du lịch chậm lại, hàng loạt sự kiện bị hủy bỏ”.
Cẩm Bình (theo SCMP)