Nhiều chuyên gia cảnh báo sẽ có thêm nhiều cơn sóng thần ập vào Indonesia trong thời gian tới, do núi lửa Anak Krakatau đang hoạt động.
Dịch chuyển địa tầng dưới đáy biển vì Anak Krakatau phun trào hôm 21.12 được cho là nguyên nhân gây ra sóng thần khiến hơn 200 người thiệt mạng mới đây. Theo tiến sĩ Richard Teeuw giảng dạy tại đại học Portsmouth (Anh): “Khả năng xuất hiện sóng thần ở eo biển Sunda vẫn rất cao khi mà Anak Krakatau hiện trong giai đoạn hoạt động”.
Giáo sư Jacques-Marie Bardintzeff đến từ đại học Paris-South (Pháp) lưu ý núi lửa này đã hoạt động trở lại từ tháng 6.
Vụ phun trào năm 1883 của Anak Krakatau từng tạo ra cơn sóng thần có sức tàn phá ghê gớm nhất trong lịch sử (36.000 người chết).
Tiến sĩ Teeuw cho biết núi lửa phun trào gây sóng thần lớn là chuyện hiếm khi xảy ra, nhưng ông đề nghị giới chức năng nên khảo sát lập bản đồ địa tầng quanh Anak Krakatau ngay lập tức.
Anak Krakatau tọa lạc tại eo biển Sunda, nằm giữa hai đảo Java với Sumatra. Tiến sĩ Teeuw nhận định sóng thần dù ở mức độ nào thì cũng rất nguy hiểm cho cộng đồng dân cư sống ven biển khu vực này, đặc biệt khi không có cảnh báo.
Chuyên gia Simon Boxall của đại học Southampton nói thêm rằng sóng thần còn được tiếp sức bởi thủy triều cao trong thời điểm này của năm, nên thiệt hại mà nó gây ra thêm trầm trọng.
Nguy hiểm sẽ càng tăng cao khi thảm họa ập đến vào ban đêm, như trường hợp hôm 22.12. Theo giáo sư Bardintzeff: “Chúng tôi bất lực trước sự kiện bất ngờ này. Thời gian xuất hiện sóng thần cho đến khi nó tàn phá mọi thứ chỉ cách vài chục phút. Quá ngắn để cảnh báo người dân”.
Vụ việc mới đây là thảm họa sóng thần thứ ba mà Indonesia phải hứng chịu trong vòng 6 tháng qua. Nước này có đến 127 núi lửa đang hoạt động và nằm trên “Vành đai lửa” Thái Bình Dương.
Cẩm Bình (theo Straits Times, France24)