Một cơn sóng thần đã tấn công khu vực Banten và Lampung của Indonesia vào tối 22.12 lúc 21 giờ 27 phút.
Cơn sóng thần được gây ra bởi một đợt sóng thủy triều lên bất thường do có trăng tròn kết hợp vớimột trận lở đất dưới biển sau khi núi lửa Anak Krakatau phun trào.
Sóng thần cao tới 3 mét, theo ông Rachelmat Triyono, người đứng đầu bộ phận sóng thần và động đất tại Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia (BMKG).
Tính đến trưa23.12, số người chết vì vụ sóng thần này lên tới 168 người, 750 người bị thương và 35 người mất tích. Nhiều người thiệt mạng trong vụ động đất sóng thần tại Indonesia này là khách du lịch.
Banten là một địa điểm du lịch nổi tiếng và là khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất trong vụ sóng thần lần này. Ngoài ra bốn khu vực khác là Kalianda, Rajabasa, Sidomulyo và Katibung cũng bị ảnh hưởng nặng do cơn sóng thần.
Hầu hết người dân Indonesia hiện đang trong kỳ nghỉ kéo dài và cả Banten,Lampung đều là những điểm du lịch nổi tiếng với những bãi biển đẹp. Tanjung Lesung ở Pandeglang là một trong những điểm du lịch nổi tiếng được Bộ Du lịch Indonesia đặc biệt quảng bá theo chương trình có tên là "10 điểm đến mới ở Bali".
Anak Krakatau là một hòn đảo núi lửa nhỏ nằm ở eo biển Sunda, giữa đảo Java và đảo Sumatra. Đảo núi lửa này nổi lên giữa biển 50 năm sau vụ phun trào chết người của núi lửa Krakatau vào năm 1883, do đó hòn đảo có tên là Anak (con) trong tên của nó.
Núi lửa Anak Krakatau đã hoạt động thường xuyên từ tháng 6. Hồi năm 2012 ngọn núi lửa này đã được nâng mức cảnh báo hoạt động lên mức thứ hai (thận trọng).
Ngọn núi lửa này không phải là ngọn núi lửa duy nhất hiện đang gia tăng hoạt động ở Indonesia. Trung tâm giảm thiểu rủi ro do núi lửa và địa chất PVMBG đã công bố vào đầu tuần này rằng, có 20 ngọn núi lửa ở Indonesia đang hoạt động trên mức bình thường. Trung tâm này đã cảnh báo với các nhà quản lý du lịch và chính quyền địa phương vì khu vực xung quanh những ngọn núi lửa là điểm đến du lịch phổ biến tại Indonesia.
Thiên Hà (theo Jakarta Post)