Người chưa tiêm vắc xin COVID-19 chịu đủ hình thức phân biệt đối xử đang là vấn đề nóng mà Israel - nước đi đầu trong nỗ lực chủng ngừa rộng rãi, phải đối mặt.
Sau khoảng thời gian dài cuộc sống bị phong tỏa, chuyên gia trang điểm Artyom Kavnatsky tại Tel Aviv (Israel) đã sẵn sàng quay trở lại làm việc. Nhưng người chủ lại từ chối, không cho ông tham gia buổi chụp hình mới đây. Lý do là Kavnatsky chưa tiêm vắc xin COVID-19. Ông rất tức giận: “Đây là phân biệt đối xử, không ổn chút nào cả”.
Việc triển khai chủng ngừa cực kỳ nhanh chóng giúp Israel nằm trong số ít quốc gia trên thế giới sớm khôi phục cuộc sống bình thường. Công ty, khách sạn, quán bar, cơ sở thể thao... đều hoạt động trở lại trong bối cảnh 80% dân số được tiêm chủng, số ca tử vong do COVID-19 giảm mạnh.
Thành công tiêm chủng cũng sinh ra vấn đề mới: Công sở, trường học... phải bàn cách nên đối xử với người từ chối chủng ngừa như thế nào. Đã có một vụ việc liên quan đến vấn đề này tòa án phải giải quyết, và đây chắc chắn không phải vụ cuối cùng.
Ở nhiều quốc gia, quyết định về cách đối xử với người chưa tiêm chủng có thể càng khiến xã hội (vốn đã rất chia rẽ bởi chênh lệch giàu nghèo và khả năng tiếp cận vắc xin) thêm chia rẽ sâu sắc. Israel cũng không ngoại lệ.
Trong khi phần lớn người Palestine sống ở khu vực Bờ Tây, có giấy phép lao động của Israel (khoảng 100.000 người) đã được chủng ngừa, thì công tác tiêm chủng tại những khu vực khác vẫn còn chậm.
Israel khuyến khích việc tiêm chủng bằng cách cấp “thẻ xanh” cho những ai đã chủng ngừa để họ được đi nghe hòa nhạc, ra ngoài ăn tối, đi tập thể dục hay du lịch Hy Lạp, Ai Cập, Síp... Người chưa chủng ngừa đều không được vậy.
Cách trên khá ổn ở lĩnh vực giải trí, nhưng nay phải tính đến chính sách áp dụng cho lĩnh vực khác. Giới chức y tế đề nghị cấm người lao động chưa tiêm chủng, không có xét nghiệm COVID-19 âm tính gần đây đến trường học, cơ sở chăm sóc người cao tuổi và địa điểm nguy cơ cao khác để làm việc.
Hệ thống chăm sóc sức khỏe Israel cũng yêu cầu người trong ngành y tế phải được tiêm vắc xin. Nếu từ chối, họ phải chuyển sang làm công việc không tiếp xúc với bệnh nhân nguy cơ cao. Các nhóm nhân quyền bày tỏ lo ngại quy định như vậy đe dọa đến thu nhập của lao động.
Mối lo ngại tương tự tồn tại trong ngành giáo dục. Đại học Tel Aviv cho phép sinh viên đã chủng ngừa đến lớp, còn sinh viên chưa chủng ngừa tiếp tục học từ xa.
“Ở giai đoạn đầu chúng tôi đưa một số trở lại trường dựa vào “thẻ xanh”, đồng thời đảm bảo số còn lại tiếp cận được bài học”, Phó hiệu trưởng Đại học Tel Aviv Eyal Zisser cho biết.
Ngay cả tại nước tiêm chủng thành công như Israel thì vẫn còn hàng trăm nghìn người chưa chủng ngừa. Không ít người mang tư tưởng bài vắc xin, số khác hoài nghi về tính an toàn do vắc xin được phát triển quá nhanh dù chúng đều được giới chuyên gia quốc tế đảm bảo.
Chuyên gia trang điểm Kavnatsky - người bị từ chối cho làm việc - phản đối tiêm chủng và y học hiện đại. Ông nằm trong một nhóm Facebook hơn 15.000 thành viên, nói tiếng Do Thái, mang tư tưởng bài vắc xin. Nhóm này chống lại chính sách chủng ngừa rộng rãi bắt buộc.
Rappeh - đảng chính trị dẫn dắt bởi nhân vật bài vắc xin Aryeh Avni - vừa giành được 17.000 phiếu trong cuộc bầu cử quốc hội tuần trước. Bấy nhiêu chưa đủ để có ghế nghị sĩ, nhưng phản ánh số lượng dân số phản đối tiêm chủng đông đảo.
Cả Bộ Y tế Israel cũng thừa nhận: “Chúng tôi không thể ép người dân tiêm vắc xin”.
Đánh giá biện pháp “thẻ xanh” đem lại vấn đề trong dài hạn, Hiệp hội Quyền công dân Israel kêu gọi chính quyền xây dựng luật về chuyện đối xử với người chưa chủng ngừa.
“Nếu sắp có một chính sách xâm phạm quyền được tuyển dụng cùng quyền cho phép một người lựa chọn làm gì với cơ thể mình, thì chính sách đó cần trải qua quy trình lập pháp. Cần đưa ra thảo luận công khai”, theo Hiệp hội Quyền công dân Israel.
Tháng trước, một tòa án ở Tel Aviv cho phép một nhà trẻ cấm một trợ giảng đến làm việc do người này chưa tiêm chủng hay làm xét nghiệm COVID-19. Phán quyết bị kháng cáo.
Bác sĩ người Israel Nadav Davidovitch xem tiêm chủng như nghĩa vụ, nhất là khi có nhiều bằng chứng chứng minh vắc xin COVID-19 không chỉ giảm nguy cơ bệnh diễn biến nặng mà còn giúp giảm lây lan. Ông nhận xét: “Chủng ngừa là hành động thể hiện sự đoàn kết chứ không phải lựa chọn cá nhân”.
Tuy nhiên, bác sĩ Davidovitch phản đối ép buộc tiêm chủng và sa thải người từ chối tiêm. Ông ủng hộ biện pháp thuyết phục hoặc tuyên truyền. Trường hợp vẫn không chịu có thể tiếp tục làm việc từ xa, được giao việc khác hay phải xét nghiệm COVID-19 thường xuyên.