Giám đốc điều hành CEPI cho rằng ít nhất 2 năm nữa mới có loại vắc xin cung cấp khả năng bảo vệ rộng rãi chống lại nhiều biến thể SARS-CoV-2 khác nhau.

‘Ít nhất 2 năm nữa mới có vắc xin chống lại nhiều biến thể SARS-CoV-2’

Sơn Vân | 19/01/2022, 22:30

Giám đốc điều hành CEPI cho rằng ít nhất 2 năm nữa mới có loại vắc xin cung cấp khả năng bảo vệ rộng rãi chống lại nhiều biến thể SARS-CoV-2 khác nhau.

Tiến sĩ Richard Hatchett, Giám đốc điều hành Liên minh đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI), tổ chức tài trợ vắc xin COVID-19 cho nhiều quốc gia, nói tại cuộc họp báo trực tuyến rằng có “những thách thức khoa học cốt lõi với việc phát triển một loại vắc xin có thể chống lại nhiều đột biến của vi rút”.

Tiến sĩ Richard Hatchett cho rằng "ít nhất 2 năm nữa" mới có vắc xin bảo vệ rộng rãi chống lại các biến thể SARS-CoV-2 khác nhau. Theo ông, nếu biến thể mới xuất hiện hoạt động theo cách khác biệt đáng kể với Omicron và các chủng cũ thì “chính xác là chúng ta có thể gánh chịu một đợt dịch COVID-19 khác”.

Tiến sĩ Richard Hatchett nói các nghiên cứu cho thấy những người nhiễm SARS, loại vi rút gây ra dịch bệnh năm 2003 đến 2004, cũng tạo ra kháng thể với SARS-CoV-2.

Về mặt sinh học, chúng ta biết điều đó là có thể, nhưng câu hỏi đặt ra là làm cách nào để nắm bắt được và đưa nó vào một loại vắc xin mà chúng ta có thể dễ dàng sử dụng? Việc này sẽ mất một khoảng thời gian”, Richard Hatchett chia sẻ.

Ông đã đưa ra bình luận của mình tại cuộc họp báo mà Quỹ Bill & Melinda Gates và Wellcome Trust cam kết mỗi bên tài trợ 150 triệu USD cho CEPI trong nỗ lực "phát triển vắc xin 100 ngày có thể ngăn chặn đại dịch tiếp theo".

Wellcome Trust là quỹ từ thiện có trụ sở tại London (Anh), tập trung vào nghiên cứu sức khỏe.

CEPI có kế hoạch phát triển vắc xin nguyên mẫu chống 25 họ vi rút được biết có thể lây nhiễm sang người. Khi loại vi rút tiếp theo có khả năng gây đại dịch xuất hiện, các nhà khoa học hy vọng họ sẽ có thể dựa trên nguyên mẫu để phát triển một loại vắc xin sẵn sàng sử dụng trong vòng 100 ngày.

Theo Richard Hatchett, dù vắc xin COVID-19 đầu tiên được phát triển 11 tháng, sự tăng tốc chưa từng có so với tiến trình phát triển vắc xin thông thường, nhưng vẫn không đủ nhanh.

Ông nhận xét: “Nếu mục tiêu 100 ngày của chúng tôi đạt được với COVID-19, vắc xin có thể được tung ra sớm nhất vào tháng 4.2020. Lúc đó, hàng triệu sinh mạng, hàng ngàn tỉ USD có thể đã được cứu và sự lây lan các biến thể nguy hiểm kéo dài nguy cơ đại dịch đã được ngăn chặn”.

CEPI từng tài trợ vắc xin COVID-19 của AstraZeneca, Novavax và Moderna cũng như các mũi tiêm ngừa các bệnh khác có khả năng gây đại dịch như vi rút Nipah và sốt xuất huyết Lassa.

it-nhat-2-nam-nua-moi-co-loai-vac-xin-chong-lai-nhieu-bien-the-sars-cov-2-1.png
Ông Richard Hatchett cho rằng ít nhất 2 năm nữa mới có loại vắc xin chống lại nhiều biến thể SARS-CoV-2 - Ảnh: Internet

Tỷ phú Bill Gates cho biết 150 triệu USD sẽ nâng tổng số tiền tài trợ từ quỹ của ông cho CEPI lên 270 triệu USD.

Nhà sáng lập Microsoft nói: “Khi chúng ta nói về việc chi hàng tỉ USD để cứu hàng ngàn tỉ USD do thiệt hại kinh tế và 10 triệu sinh mạng, đó là việc làm khá tốt. Đặc biệt, nếu bạn có thể đầu tư và tạo ra vắc xin tốt hơn cho các bệnh như lao, HIV, sốt rét”.

Song theo Bill Gates, cũng như phát triển vắc xin, việc tài trợ cho cơ sở hạ tầng như cơ sở sản xuất và hậu cần cũng rất quan trọng. Hạn chế về nguồn cung đã cản trở COVAX, cơ sở chia sẻ vắc xin toàn cầu, trong nỗ lực phân phối vắc xin đến toàn thế giới vì vẫn chưa có cơ sở sản xuất lớn nào ở châu Phi.

Sir Jeremy Farrar, Giám đốc Quỹ Wellcome Trust, cho biết thế giới cần một cách tiếp cận toàn cầu để chuẩn bị sẵn sàng ứng phó đại dịch.

“Khi nhiều quốc gia đã tập trung vào các thách thức trong nước của họ vài năm qua, chúng ta phải thay đổi cách tiếp cận đó. Chúng ta phải quay lại với nhau xuyên biên giới, xuyên lục địa và gạt sự khác biệt của mình sang một bên vì lợi ích chung”, ông nói.

Thế nhưng, Sir Jeremy Farrar cũng cảnh báo rằng vi rút vẫn "có tính linh hoạt cao và đang thích nghi với loài người".

Sự xuất hiện của Omicron đại diện cho một giai đoạn rắc rối mới và cho thấy sự cân bằng của đại dịch này như thế nào. Có lẽ không ai trong chúng ta tin rằng Omicron sẽ là biến thể cuối cùng hoặc COVID-19 sẽ là đại dịch cuối cùng”, ông chia sẻ.

Sir Jeremy Farrar cho biết khi Anh có số lượng ca mắc COVID-19 giảm, đại dịch vẫn chưa kết thúc.

Ông nói: “Bây giờ chúng ta cần cung cấp vắc xin COVID-19 trên toàn cầu và đó sẽ là lúc chúng ta kết thúc giai đoạn này của đại dịch”.

vi-sao-nhieu-nha-khoa-hoc-hang-dau-tin-sars-cov-2-ro-ri-tu-phong-thi-nghiem-vu-han-nhung-im-tieng.jpg
Sir Jeremy Farrar nói cần cung cấp vắc xin COVID-19 trên toàn cầu nếu muốn chấm dứt đại dịch - Ảnh: Internet

Đồng quan điểm với Sir Jeremy Farrar, các chuyên gia y tế công cộng hàng đầu thế giới cho rằng công bằng vắc xin là cách tốt nhất để thoát khỏi giai đoạn đại dịch COVID-19 hiện nay.

Về khoảng cách tiêm vắc xin COVID-19 tại hội nghị Davos Agenda ảo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Mike Ryan- Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết hơn một nửa dân số thế giới đã nhận được 2 liều vắc xin COVID-19, nhưng chỉ có 7% dân ở châu Phi được tiêm chủng đầy đủ.

Ông nói: "Vấn đề là chúng ta đang bỏ lại những vùng đất khổng lồ của thế giới, nhưng vắc xin hoàn toàn là trọng tâm. Không có cách nào thoát khỏi đại dịch ngay bây giờ nếu không có vắc xin là trụ cột chiến lược trung tâm".

Việc phát hiện ra biến thể Omicron ở phía nam châu Phi đã nâng cao tuyên bố rằng tỷ lệ phủ vắc xin thấp có thể tạo cơ hội cho vi rút SARS-CoV-2 đột biến, sau đó lây lan sang các quốc gia có tỷ lệ tiêm vắc xin cao hơn nhiều.

John Nkengasong, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh châu Phi, nói "không thể chấp nhận được" việc lục địa đen tụt hậu xa so với các nước khác về tiêm vắc xin COVID-19 và gọi đó là “sụp đổ của sự hợp tác, đoàn kết toàn cầu”.

Ông nói: “Cách duy nhất để ngăn chặn các biến thể khác nhau đang thách thức những nỗ lực và tiến bộ toàn cầu mà chúng tôi đã thấy là tiêm vắc xin trên quy mô lớn, bao gồm cả châu Phi”.

Theo Seth F. Berkley, Giám đốc điều hành của Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI), dù việc cung cấp vắc xin toàn cầu thông qua COVAX phải đối mặt với những trở ngại ban đầu như lệnh cấm xuất khẩu, chủ nghĩa dân tộc vắc xin và các công ty không đáp ứng yêu cầu về liều lượng của họ, mọi thứ đang dần trở lại đúng hướng.

Seth F. Berkley nói: "Chúng tôi dự đoán 1 tỉ liều vắc xin tiếp theo sẽ mất từ ​​4 đến 5 tháng để được phân phối thay vì 1 năm. Thách thức là đảm bảo mọi quốc gia sẵn sàng tiếp nhận chúng".

John Nkengasong cho biết các nước châu Phi không phải đối mặt với sự do dự tiêm vắc xin mà đang xem xét các vấn đề hậu cần cần được giải quyết. Ông nhấn mạnh: "Hợp tác lớn hơn là lộ trình để chấm dứt đại dịch này, dù chúng ta kết thúc nó vào năm 2022 hay 2023".

Bài liên quan
Bill Gates nói về biến thể nguy hiểm sau Omicron, nguồn gốc COVID-19, loại vắc xin bảo vệ lâu hơn
Đồng sáng lập Microsoft, Bill Gates, đã trả lời nhiều câu hỏi khác nhau về vi rút SARS-CoV-2 trên Twitter.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Ít nhất 2 năm nữa mới có vắc xin chống lại nhiều biến thể SARS-CoV-2’