Biến thể Omicron lây lan cực nhanh, dường như gây bệnh nhẹ hơn Delta nhưng có thể khiến chúng ta bị tình trạng COVID-19 kéo dài hay không? Đó là câu hỏi nhiều người quan tâm.

Omicron có thể gây di chứng hậu COVID-19, biến thể IHU với 46 đột biến ảnh hưởng đến não

Sơn Vân | 15/01/2022, 17:02

Biến thể Omicron lây lan cực nhanh, dường như gây bệnh nhẹ hơn Delta nhưng có thể khiến chúng ta bị tình trạng COVID-19 kéo dài hay không? Đó là câu hỏi nhiều người quan tâm.

Nếu hồi phục sau khi nhiễm vi rút SARS-CoV-2 nhưng vẫn gặp các triệu chứng như khó thở, mệt mỏi hoặc sương mù não, bạn có thể đã bị tình trạng COVID-19 kéo dài.

Khi số ca mắc COVID-19 tăng vọt trên toàn thế giới do biến thể Omicron gây ra, nhiều người lo ngại về sự trở lại của các triệu chứng kéo dài như khó thở, mệt mỏi, sương mù não, lo lắng và thậm chí trầm cảm.

Trong cuộc phỏng vấn gần đây, chuyên gia dịch tễ hàng đầu Mỹ - Tiến sĩ Anthony Fauci cho biết COVID-19 kéo dài có thể xảy ra bất kể biến thể SARS-CoV-2 nào. Điều này có nghĩa là bạn nên áp dụng các biện pháp an toàn để tránh nhiễm Omicron, nhằm mục đích tránh nguy cơ bị di chứng hậu COVID-19.

"Trong giai đoạn này của đại dịch, khi số lượng ca bệnh gia tăng đáng kể do Omicron, nguy cơ bị triệu chứng COVID-19 kéo dài do biến thể này đã không được đánh giá nghiêm trọng như trước đây có thể do thiếu dữ liệu thích hợp. Còn quá sớm để biết các triệu chứng kéo dài liên quan đến COVID-19 có thể là gì với Omicron”, Tiến sĩ Harish Chafle, chuyên gia tư vấn cấp cao tại Bệnh viện Toàn cầu ở thành phố Mumbai (Ấn Độ) cho biết.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), COVID-19 kéo dài là một loạt các triệu chứng dai dẳng vài tuần hoặc vài tháng sau lần đầu tiên nhiễm SARS-CoV-2, hoặc có thể xuất hiện vài tuần sau khi mắc bệnh.

COVID-19 kéo dài có thể xảy ra với bất kỳ ai nhiễm SARS-CoV-2, ngay cả khi họ bị bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Các triệu chứng của COVID-19 kéo dài

"Nếu hồi phục sau khi nhiễm SARS-CoV-2 nhưng vẫn gặp một số triệu chứng, bạn có thể mắc tình trạng hậu COVID-19. Một số triệu chứng phổ biến nhất là khó thở, rối loạn chức năng nhận thức”, Tiến sĩ Harish Chafle nói.

Các triệu chứng khác mà người khỏi COVID-19 có thể gặp phải là đau ngực, khó nói, lo lắng hoặc trầm cảm, đau cơ, sốt, mất khứu giác, mất vị giác, nhức đầu, mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, khó tập trung và đau bụng.

"Ngay cả trong những trường hợp nhẹ, bất kỳ người mắc COVID-19 nào cũng có thể bị các triệu chứng tồn tại lâu dài. Thời gian kéo dài của tình trạng này vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng. Người ta đã mô tả rằng tình trạng này có thể kéo dài 3 tháng, thậm chí 6 tháng và có thể lên đến 9 tháng”, chuyên gia Harish Chafle cho biết thêm.

Để bảo vệ khỏi nhiễm SARS-CoV-2 và tình trạng hậu COVID-19, mọi người nên tiêm vắc xin sớm hơn, đeo khẩu trang mọi lúc khi ra khỏi nhà, giãn cách xã hội, tránh đám đông và những nơi kém thông gió.

Một số VĐV tuổi 20 phải ghép phổi, nhân viên y tế mất việc vì COVID-19 kéo dài

Linda Spaulding, thành viên ban biên tập trang Infection Control Today, nói rằng cô “đã thấy các vận động viên ở độ tuổi 20 trong danh sách chờ ghép phổi vì bị COVID-19 kéo dài. Đó là điều có hậu quả lâu dài. Một số người còn nói về sương mù não hậu COVID-19".

Sương mù não kéo dài là một trong những triệu chứng thần kinh đã được ghi nhận ở những người khỏi COVID-19. Nguyên nhân có thể là do viêm não. Vi rút phá hủy rào cản ngăn dị vật xâm nhập vào não, từ đó gây ra tình trạng viêm.

Nhiều bệnh nhân phàn nàn gặp vấn đề với trí nhớ như dễ bị phân tâm, khó theo dõi cuộc trò chuyện và khó tập trung và tham gia vào các công việc hàng ngày. Các triệu chứng của sương mù não cũng có thể xuất hiện như:

Bước vào một căn phòng và quên mất lý do tại sao ở đó.

Khó nghĩ ra từ đúng.

Khó nhớ những gì vừa đọc.

Mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành nhiệm vụ nào đó.

Quên công thức nấu ăn hoặc các bước khi nấu ăn.

Quên những gì đang làm sau khi trở nên mất tập trung...

Những triệu chứng này thường xuất hiện sau khi bệnh nhân trải qua giai đoạn cấp tính của COVID-19 và trở lại làm việc. Trong nhiều trường hợp, bạn gặp khó khăn khi thực hiện công việc hoặc quản lý hàng ngày. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống.

omicron-co-the-gay-di-chung-hau-covid-19-bien-the-ihu-voi-46-dot-bien-anh-huong-den-nao.jpg
Bị di chứng hậu COVID-19 là nỗi lo của nhiều người hiện nay, đặc biệt là khi biến thể Omicron lây lan cực nhanh

Ngay cả các phương pháp điều trị cho những người bị COVID-19 kéo dài cũng có thể gây nguy hiểm cho cơ thể họ.

Các y bác sĩ và nhân viên y tế tuyến đầu cũng có nguy cơ phải bị COVID-19 kéo dài.

Linda Spaulding nói: “Nếu nhân viên chăm sóc sức khỏe phải từ bỏ sự nghiệp của mình thì điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?”.

Một nghiên cứu trước của Đại học Oxford (Anh) so sánh kết quả quét não ở 394 người mắc COVID-19 với 388 bệnh nhân trong nhóm đối chứng. Nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi đã xác định được những tác động đáng kể của COVID-19 trong não với sự mất chất xám ở hồi hải mã bên trái, thùy trán bên trái và vỏ não bên trái. Khi nhìn trên toàn bộ bề mặt vỏ não, những hậu quả này mở rộng đến vỏ não trước, thùy chẩm và cực thái dương của bán cầu não”.

Theo ghi nhận của Tiến sĩ Kevin Kavanagh, một thành viên khác của trang Infection Control Today, khó khăn cốt lõi trong nỗ lực của xã hội nhằm biến COVID-19 từ đại dịch thành bệnh đặc hữu vì SARS-CoV-2 không chỉ là một loại vi rút hô hấp. Kevin Kavanagh từng viết rằng SARS-CoV-2 tương tự như HIV vì nó có thể “âm thầm lây lan khắp cơ thể vật chủ và tấn công hầu hết mọi cơ quan”.

Các y bác sĩ và các nhân viên chăm sóc sức khỏe khác không miễn nhiễm với COVID-19 kéo dài, nhưng không phải lúc cũng phàn nàn về các triệu chứng, theo bài viết trên tờ Atlantic vào tháng 11.2021. Tác giả viết rằng ông “đã phỏng vấn hơn 12 chuyên gia y tế từ Mỹ và Anh, những người đã mắc COVID-19 kéo dài. Hầu hết đều nói rằng sốc trước việc các đồng nghiệp bị sa thải nhanh như thế nào”.

Tiến sĩ Monica Gandhi, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và là giáo sư tại Đại học California (San Francisco, Mỹ), nói COVID-19 sẽ phát triển thành một mối phiền toái theo mùa như cảm lạnh thông thường và cúm.

Bà Monica Gandhi từng chia sẻ trong một cuộc hỏi đáp vào tháng 9.2021: “Nếu bạn nghiên cứu lịch sử của các bệnh truyền nhiễm thì chưa có trường hợp nhiễm trùng nào mà chúng ta không thể vượt qua nếu chúng không qua mặt hệ thống miễn dịch hoặc nếu chúng ta có vắc xin đầy đủ. Nếu bạn phát triển một loại vắc xin hiệu quả cho bệnh nhiễm trùng, khi đối mặt với tình trạng do dự tiêm vắc xin, bạn sẽ cần nhận nó vì miễn dịch là thứ duy nhất giúp bạn vượt qua đại dịch”.

Về biến thể Omicron, Monica Gandhi gần đây nói với tờ Bloomberg: “Giờ chúng ta đang ở trong một giai đoạn hoàn toàn khác. Vi rút sẽ luôn ở bên chúng ta, nhưng hy vọng của tôi là biến thể này tạo ra nhiều khả năng miễn dịch đến mức nó sẽ dập tắt đại dịch”.

Mặt khác, một số chuyên gia chăm sóc sức khỏe cảnh báo rằng hệ thống miễn dịch phải gồng mình đối phó với sự tấn công của các trường hợp COVID-19 kéo dài vào tháng 2.2022, sau khi đợt dịch Omicron hiện tại lắng xuống.

Từ chuyện Omicron có thể gây di chứng hậu COVID-19 đến biến thể IHU với 46 đột biến ảnh hưởng đến não

Tiến sĩ Bruce Patterson, người làm việc cho Trung tâm Điều trị COVID-19 mãn tính, cho biết còn quá sớm để xác định liệu Omicron có thể gây ra COVID-19 kéo dài không, nhưng tin rằng nó sẽ đi theo cùng lộ trình như Delta về vấn đề đó.

Bruce Patterson nói với trang Deseret News: "Ý tôi là với những gì chúng tôi đã nghe, những gì đã thấy và Omicron lây nhiễm cho con người nhanh như tia chớp, nên chúng ta sẽ thấy điều tương tự với vô số trẻ em và người lớn".

Tiến sĩ Kevin Kavanagh cho rằng: “Phần lớn việc từ bỏ các biện pháp y tế công cộng được thúc đẩy bởi một chiến dịch thông tin sai lệch khổng lồ đã thuyết phục thành công một bộ phận tương đối lớn dân số rằng miễn sống sót sau khi mắc COVID-19 thì tất cả sẽ tốt. Nhiều người trẻ tuổi và khỏe mạnh đã đặc biệt tiếp nhận câu chuyện này".

Kevin Kavanagh cảnh báo đó là sai lầm và “cho rằng nhiễm trùng nhẹ không mang lại rủi ro đáng kể là sai”.

Một phần niềm tin này được thúc đẩy bởi những người không chết vì COVID-19 được xem là hồi phục thay vì sống sót. SARS-CoV-2 gây nhiễm trùng hệ thống, thường được phát hiện ở tim và não, ví dụ như mất khứu giác do phá hủy mô não và mất chức năng tim do viêm cơ tim. Ngay cả những người bị triệu chứng nhẹ cũng có thể phát triển COVID-19 kéo dài, trong nhiều trường hợp kéo dài 1 năm hoặc lâu hơn”, ông cho hay.

Hầu như ai cũng hy vọng rằng đại dịch này sẽ kết thúc, nhưng các chuyên gia như Kevin Kavanagh chỉ ra rằng có sự khác biệt giữa hy vọng và mơ tưởng. Khi thế giới tập trung nhiều vào Omicron hơn Delta thì một biến thể SARS-CoV-2 mới đã được phát hiện.

B.1.640.2 quá mới nên chưa có tên chính thức nhưng được gọi là biến thể IHU vì các nhà nghiên cứu của Bệnh viện Đại học Méditerranée (IHU) ở Pháp phát hiện ra nó.

Nghiên cứu của họ cho thấy biến thể IHU chứa 46 đột biến và ảnh hưởng đến các phần của não kiểm soát vị giác cùng khứu giác, một điểm được đưa ra bởi Tiến sĩ Anthony Harris gần đây.

Anthony Harris cho biết: “Lý do khiến bạn rất có thể mất khứu giác và vị giác không phải vi rút lây nhiễm vào dây thần kinh mà nó ảnh hưởng đến các trung tâm trong não của bạn”.

Các chuyên gia lo ngại biến thể IHU có khả năng kháng các vắc xin hiện tại cao hơn, song dường nó không lây lan nhanh.

Nghiên cứu của IHU tuyên bố rằng “đây là ví dụ khác cho thấy không thể đoán trước được về các biến thể SARS-CoV-2 và sự xuất hiện của chúng trong một khu vực địa lý nhất định từ nước ngoài”.

Bài liên quan
WHO cảnh báo nguy cơ xuất hiện chủng đáng sợ hơn Omicron
WHO vừa cảnh báo biến thể Omicron gây nguy hiểm cho người chưa tiêm vắc xin, nguy cơ xuất hiện biến thể đáng sợ hơn

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Đa dạng hóa loại hình và nguồn lực cho đào tạo nhân lực bán dẫn
7 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Omicron có thể gây di chứng hậu COVID-19, biến thể IHU với 46 đột biến ảnh hưởng đến não