Hồng Kông đã cảnh báo dân không hôn thú cưng và ra lệnh tiêu hủy hàng loạt hamster trước sự phẫn nộ của những người yêu động vật, sau khi 11 con có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.
Các quan chức cho biết một chùm ca mắc COVID-19 ở người gần đây bắt nguồn từ một nhân viên cửa hàng vật nuôi, đã thúc đẩy việc kiểm tra hàng trăm con vật ở Hồng Kông và phát hiện 11 hamster nhiễm vi rút SARS-CoV-2.
Ủng hộ chính sách không khoan nhượng với vi rút SARS-CoV-2 của Trung Quốc ngay cả khi phần lớn thế giới chuyển sang sống với COVID-19, Hồng Kông đã ra lệnh tiêu hủy 2.000 con hamster, đồng thời ngăn ngừa việc nhập khẩu và bán hàng.
Nhiều cửa hàng thú cưng đã đóng cửa và khử trùng xung quanh thành phố, trong khi những người đàn ông mặc đồ bảo hộ rà soát cửa hàng ở trung tâm của khu dân cư ở vịnh Đồng La nhộn nhịp.
Hiệp hội Phòng chống Sự tàn ác với Động vật địa phương (SPCA), nơi điều hành các phòng khám thú y, đã kêu gọi chính quyền suy nghĩ lại.
"SPCA bị sốc và lo ngại về thông báo gần đây của chính quyền về việc xử lý hơn 2.000 con hamster, không tính đến quyền lợi động vật và mối quan hệ giữa con người với động vật", SPCA nói.
Sophia Chan, người đứng đầu Cơ quan thực phẩm và Y tế Hồng Kông, nói trong cuộc họp báo rằng các nhà chức trách đã hành động thận trọng dù không có bằng chứng động vật nuôi có thể lây nhiễm SARS-CoV-2 sang người.
Leung Siu-fai Leung, Giám đốc Cơ quan Nông nghiệp, Thủy sản và Bảo tồn Hồng Kông, cũng nói với các phóng viên: “Chủ vật nuôi nên giữ vệ sinh tốt, bao gồm rửa tay sau khi chạm vào động vật, xử lý thức ăn hoặc các vật dụng khác của chúng, đồng thời tránh hôn động vật”.
Hồng Kông cũng đã xét nghiệm thỏ và chinchillas (sóc sin-sin) nhưng chỉ có hamster dương tính với COVID-19. Tất cả chúng đều được nhập khẩu từ Hà Lan, theo đài truyền hình địa phương RTHK.
Trên thế giới cũng có trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 ở chó và mèo, dù các nhà khoa học cho biết không có bằng chứng động vật đóng vai trò chính trong việc lây truyền vi rút cho người.
Hotline của hamster
Leung Siu-fai Leung nói 2.000 hamster Hồng Kông phải bị tiêu hủy vì không thể cách ly và quan sát từng con. Người mua hamster sau ngày 22.12.2021 nên giao chúng cho cơ quan chức năng để tiêu hủy và không để chúng trên đường phố, ông nói thêm.
Các quan chức cho biết một đường dây nóng để giải đáp thắc mắc đã được thiết lập, trong khi khoảng 150 khách hàng của cửa hàng thú cưng đang phải cách ly.
Tháng 9.2021, ba con mèo cưng có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 đã bị giết ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc, gây ra phản ứng dữ dội trên mạng xã hội.
Hôm 12.11.2021, một người dân ở thị trấn Thượng Nhiêu, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc cho biết nhân viên y tế đánh chết chó cưng trong căn hộ của cô. Thời điểm đó, cô đang cách ly trong một khách sạn không cho động vật vào.
Theo nội dung video trích từ camera an ninh căn hộ của cô được đăng trực tuyến, một trong hai người mặc đồ bảo hộ cá nhân đang đánh con chó bằng thứ trông giống như cây xà beng.
Các nhà chức trách Thượng Nhiêu đưa ra xin lỗi sau đó vì không liên lạc với chủ nhân của con chó và cho biết nhân viên y tế được đề cập đã bị sa thải.
Hashtag liên quan đến bài đăng về con chó bị giết của cô gái được xem hơn 210 triệu lần. Nhiều người bày tỏ bức xúc trước hành động của nhân viên y tế, thắc mắc họ có làm theo lệnh từ cấp trên không.
“Nếu không có chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, ai dám cạy cửa, giết chó?”, một người thắc mắc.
Ở những nơi khác, Đan Mạch đã tiêu hủy hàng triệu con chồn vào năm 2020 để hạn chế sự đột biến SARS-CoV-2. Một số khu vực của Nga đã tiêm vắc xin COVID-19 cho động vật. Nga cho biết đã đăng ký vắc xin COVID-19 đầu tiên trên thế giới cho động vật sau các cuộc thử nghiệm với chó, mèo, cáo và chồn.
Nikolaus Osterrieder, Trưởng khoa Thú y và Khoa học Đời sống Jockey Club tại Đại học Thành phố Hồng Kông, nói các chuỗi lây truyền từ người sang động vật là rất hiếm nhưng đã xảy ra như với chồn.
"Đó rõ ràng là một biện pháp quyết liệt nhưng đó là hệ quả của quy tắc Zero COVID-19. Hamster rất nhạy cảm với SARS-CoV-2 và có thể tạo ra một lượng lớn vi rút", ông Nikolaus Osterrieder nói về các động thái của Hồng Kông.
Nhóm phúc lợi toàn cầu World Animal Protection cho biết các biện pháp này là quá sớm. Trưởng nhóm nghiên cứu Jan Schmidt-Burbach nói: “Việc tiêu hủy động vật luôn phải là biện pháp cuối cùng và chúng tôi khuyến khích các chính phủ khám phá các lựa chọn khác, chẳng hạn như cách ly”.
Sau 3 tháng không có bất kỳ sự lây truyền SARS-CoV-2 nào tại địa phương, Hồng Kông đã chứng kiến hàng chục ca mắc COVID-19 mới ở người trong năm nay, dẫn đến những hạn chế trên các chuyến bay và đời sống xã hội.
Hàng ngàn người đã được đưa đến một cơ sở cách ly tạm thời của chính quyền Hồng Kông. Hầu hết trường hợp nhiễm biến thể Omicron dù cụm dịch COVID-19 từ nhân viên cửa hàng vật nuôi là nhiễm Delta.