Ngày 5.6, Công an quận Ninh Kiều (TP.Cần Thơ) cho biết, Trương Quang Anh Đức (SN 2000, ngụ quận Cái Răng, TP.Cần Thơ) - nghi can lừa đảo hàng trăm sinh viên vay tiền mua hàng trả góp đã ra đầu thú.

Kẻ dụ hàng trăm sinh viên vay tiền mua hàng trả góp ra đầu thú

Nguyên Việt | 05/06/2022, 11:54

Ngày 5.6, Công an quận Ninh Kiều (TP.Cần Thơ) cho biết, Trương Quang Anh Đức (SN 2000, ngụ quận Cái Răng, TP.Cần Thơ) - nghi can lừa đảo hàng trăm sinh viên vay tiền mua hàng trả góp đã ra đầu thú.

Theo đó, sau khi xác định Đức đã bỏ trốn khỏi địa phương lên TP.HCM, công an vận động gia đình kêu gọi Đức ra đầu thú để hưởng khoan hồng của pháp luật. Khi Đức đã ra đầu thú, tối 4.6, Công an quận Ninh Kiều đã di lý Đức từ TP.HCM về Cần Thơ để phục vụ công tác điều tra.

Tại cơ quan công an, bước đầu Đức thừa nhận, bằng thủ đoạn trên, đã lừa đảo hàng trăm sinh viên trên địa bàn TP.Cần Thơ với số tiền khoảng 4 tỉ đồng.

Trước đó, Công an Ninh Kiều nhận đơn của nhiều sinh viên đang theo học các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP, kể lại việc bị Đức lừa, dụ vay tiền mua hàng trả góp, đẩy các em vào cảnh bị đòi nợ.

lua-dao-chiem-doat-tai-san-1654399225168821051694.jpeg
Trương Quang Anh Đức thừa nhận thông qua chiêu thức dụ sinh viên vay tiền mua hàng trả góp đã kiếm được  khoảng 4 tỉ đồng - Ảnh: Công an cung cấp

Như trường hợp của nam sinh viên Nguyễn Hữu Lộc, hiện học năm 3 Đại học Cần Thơ, hơn một năm trước, thông qua bạn bè có biết Đức. Đức nhận mình là người chạy doanh số cho các cửa hàng như Thế giới di động, FPT khi thiếu.

Cuối năm 2021, với lý do trên, Đức tiếp cận Lộc mượn CMND để làm hồ sơ vay để chạy doanh số. “Mỗi hồ sơ em được trả công 400 ngàn đồng, tối đa mỗi người hai bộ. Nếu giới thiệu thêm bạn, em được nhận từ 150 – 200 ngàn đồng mỗi bộ”, Lộc nói.

Lần ký gói vay đầu tiên, Lộc cùng Đức đến một cửa hàng điện tử ký hồ sơ vay để mua một laptop trị giá gần 30 triệu đồng. Sau khi hoàn tất ra khỏi cửa hàng, chiếc laptop được trao lại cho Đức, Lộc nhận được tiền công.

Thấy việc làm đơn giản, Lộc giới thiệu cho người em trai làm hồ sơ mua một chiếc máy ảnh gần 30 triệu đồng, nhưng chỉ được đưa chiếc vỏ máy ảnh. Đầu năm 2022, Đức đưa Lộc đi mua trả góp chiếc Iphone 13 với giá trên dưới 30 triệu đồng. Sau khi ra khỏi cửa hàng, chiếc Iphone được trả lại cho Đức.

Đến cuối tháng 4.2022, qua bạn bè, Lộc biết Đức đang nợ nần chồng chất. Trong một lần hẹn gặp uống nước, Đức thú nhận với Lộc là đã lấy những khoản vay trên rồi cho vay lại với lãi cao và không còn khả năng chi trả.

“Lúc gặp em, Đức nói chỉ cần CMND là có thể làm hồ sơ, hồ sơ sẽ tự hủy sau vài ngày. Em không phải trả bất cứ khoản vay nào hay đóng trước tiền cọc”, Lộc trình bày.

Hiện Lộc đang gánh khoản vay khoảng 60 triệu đồng và không có khả năng trả. Em cho biết phải bảo lưu việc học 2 năm để đi làm kiếm tiền phòng trường hợp phải trả nợ. Sau khi phát hiện sự việc, Lộc có tìm đến nhà Đức nhưng cửa đã khóa trái từ lâu. Tâm trạng của nam sinh viên năm 3 hiện đang lo lắng khi những ngày trước, em phải nhận từ 20-30 cuộc gọi từ các công ty cho vay đòi nợ.

Tháng 3.2022, lúc đang theo học một lớp ngoại ngữ, qua ban bè giới thiệu, em Đào Thị Cẩm Tiên (20 tuổi, ngụ huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) biết đến hình thức làm hồ sơ vay “ảo” trên. Tiên được hướng dẫn cầm CMND đến một cửa hàng vật liệu xây dựng ở đường Trần Phú, quận Ninh Kiều để làm hồ sơ mua trả góp máy nước nóng và một số đồ da dụng khác. Gói vay của Tiên là 19 triệu đồng, thời hạn vay trong 4 tháng. “Lúc ký, người nhân viên lật hồ sơ rất nhanh. Em cũng cảm thấy bất an nhưng tin tưởng vào bạn bè giới thiệu. Lúc xong hợp đồng vay, Đức chuyển khoản cho em 400 ngàn đồng tiền công, vì lúc đó ảnh đang ở Vũng Tàu”, Tiên trình bày.

Cũng như Lộc, Tiên, nhiều trường hợp khác trình bày rằng, Đức cam kết, hứa hẹn hồ sơ chỉ là ảo và sẽ hủy sau vài ngày, những người ký không phải chịu bất cứ trách nhiệm gì.

Theo những sinh viên này đã có hàng trăm trường hợp bị Đức dụ dỗ với số tiền từ 10 – 60 triệu đồng, một số đã có đơn tố giác Đức đến Công an quận Ninh Kiều. Những sinh viên này đang hết sức hoang mang lo lắng, vì những cuộc gọi, tin nhắn đe dọa đòi tiền. Các em mong muốn Đức sớm trình diện để giải quyết sự việc. Trong số những sinh viên trên, đã có trường hợp vì dấu gia đình, sợ có người đến nhà đòi nợ, phải bấm bụng trả tiền hàng tháng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
5 giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kẻ dụ hàng trăm sinh viên vay tiền mua hàng trả góp ra đầu thú