Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa giúp người dân dễ dàng theo dõi tình hình sức khỏe qua ứng dụng hoặc website, kết nối với bác sĩ qua hình thức gọi điện, nhắn tín…, đặt lịch khám, tương tác với người thân…
Ngày 18.4 tại Hà Nội, Bộ TT-TT và Bộ Y tế đã tổ chức lễ khai trương Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa. Nền tảng này do Viettel chủ trì đáp ứng đầy đủ 6 lĩnh vực khám chữa bệnh từ xa theo quy định được Bộ Y tế ban hành, gồm Tư vấn y tế từ xa; Hội chẩn tư vấn khám chữa bệnh từ xa; Hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa; Hội chẩn tư vấn giải phẫu bệnh từ xa; Hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa; Đào tạo chuyển giao kỹ thuật khám chữa bệnh từ xa.
Sự ra đời của nền tảng này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp các bệnh viện nhanh chóng thiết lập kênh hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh cho người dân, giảm chi phí đầu tư hệ thống ban đầu, bệnh viện không cần có sẵn đội ngũ chuyên gia CNTT tại chỗ để vận hành, duy trì.
Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa giúp người dân dễ dàng theo dõi tình hình sức khỏe qua ứng dụng hoặc website, kết nối với bác sĩ qua hình thức gọi điện, nhắn tín…, đặt lịch khám, tương tác với người thân, người có cùng bệnh và cập nhật thông tin hướng dẫn điều trị.
Bên cạnh đó, cơ sở y tế có thể lập phác đồ theo dõi từng bệnh nhân, quản lý tình trạng sức khỏe hằng ngày, cảnh báo, nhắc nhở điều trị, tương tác trực tiếp với bệnh nhân (qua điện thoại, tin nhắn) và chỉ định điều trị, phục hồi chức năng, tư vấn dinh dưỡng, khám lại.
Ngoài ra, nền tảng giúp triển khai đồng loạt hệ thống khám chữa bệnh từ xa tại hàng ngàn bệnh viện và cơ sở y tế mà không cần phải phát triển từ đầu; có ý nghĩa trong việc thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế.
Tại buổi lễ, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã thực hiện sử dụng Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa kết nối với Bệnh viện đa khoa huyện Mường Khương, Lào Cai để hội chẩn điện tâm đồ và siêu âm từ xa về các bệnh mạn tính cần đi khám; kết nối với Bệnh viện đa khoa TP.Hà Tĩnh hội chẩn CT từ xa đánh giá những trường hợp đột quỵ não để chỉ định điều trị gián tiếp…
Trong giai đoạn tiếp theo, khi phổ cập công nghệ 5G tại Việt Nam với khả năng kết nối vạn vật và xử lý thời gian thực, nền tảng trên sẽ còn phát triển khả năng phẫu thuật từ xa. Bác sĩ ở bất kỳ đâu trên thế giới đều có thể trực tiếp tham gia vào quá trình điều trị cho bệnh nhân tại Việt Nam.
Bộ TT-TT và Bộ Y tế kêu gọi các doanh nghiệp khác cùng tham gia phát triển không chỉ các nền tảng mà cả các ứng dụng, để đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số ngành y tế. Bộ TT-TT và Bộ Y tế sẽ phối hợp hoàn thiện hành lang pháp lý về khám chữa bệnh từ xa, ban hành các chuẩn mở để các hệ thống nền tảng, các ứng dụng tuân thủ các tiêu chuẩn và kết nối được với nhau.
Thu Anh