Theo thư viện khoa học điện tử arXiv, các nhà toán học Nga đã lập một số mô hình mô tả sự lây lan của đại dịch COVID-19 và kết luận rằng nếu chỉ đóng cửa biên giới sẽ không bảo vệ dân Nga khỏi sự lây lan của vi rút mà phải giãn cách xã hội kết hợp với tự cách ly.

Các chuyên gia Nga: Giãn cách xã hội và tự cách ly có hiệu quả nhất trong phòng dịch

18/04/2020, 06:03

Theo thư viện khoa học điện tử arXiv, các nhà toán học Nga đã lập một số mô hình mô tả sự lây lan của đại dịch COVID-19 và kết luận rằng nếu chỉ đóng cửa biên giới sẽ không bảo vệ dân Nga khỏi sự lây lan của vi rút mà phải giãn cách xã hội kết hợp với tự cách ly.

Thành phố Saint Peterburg trong những ngày giãn cách xã hội - Ảnh: EPA

Dịch vụ báo chí của Đại học vật lý công nghệ Moscow cho biết sau khi phân tích về các mô hình khác nhau về sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm, các nhà toán học Nga tại trường cùng các đồng nghiệp ở Đại học kinh tế, Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học Nga và Trung tâm khoa học liên ngành đã khẳng định rằng ngày nay, tất cả các quốc gia trên thế giới đều sử dụng 2 phương pháp chính để chống lại sự lây lan không được kiểm soát của coronavirus - tự cách ly và đóng cửa biên giới.

Nhà nghiên cứu Olga Valba giải thích, theo mô hình dịch tễ học SIR cổ điển (mô hình SIR của Kermack và McKendrick), xã hội được biểu thị dưới dạng biểu đồ - một tập hợp các điểm được kết nối với nhau. Mỗi điểm đại diện cho một cá nhân và các đường kết nối với họ hiển thị các liên hệ giữa các cá nhân. Sử dụng phương pháp này, các nhà toán học Nga đã tính toán xem dịch bệnh có thể lây lan trong 3 tình huống giả định khác nhau như thế nào.

Trong tình huống đầu tiên, vi rút có thể di chuyển tự do trên toàn đồ thị, tương ứng với việc hoàn toàn không áp dụng của bất kỳ biện pháp nào.

Tình huống thứ hai mô phỏng việc đóng cửa hoàn toàn biên giới giữa các quốc gia khi bắt đầu có dịch. Theo đó, vi rút có thể lan rộng giữa các điểm lân cận nằm trong cùng một đám đông người. Nhưng đồng thời, việc thiết lập các ranh giới cứng nhắc không thay đổi đã cản trở di chuyển của vi rút tới khoảng cách xa hơn.

Trong tình huống thứ ba, biểu đồ được sắp xếp theo cách mà mỗi điểm chỉ tìm cách liên hệ với các cá nhân gần và tìm cách giảm thiểu số lượng đường kết nối của mỗi điểm với các phần xa của biểu đồ khi nhiễm trùng phát triển. Tình huống này mô phỏng cách mọi người hành xử khi thiết lập một chế độ giãn cách xã hội và tự cách ly.

Sử dụng 3 mô hình này, các nhà khoa học đã thử tính toán một ngàn bệnh dịch ngẫu nhiên và theo dõi khi xuất hiện đỉnh điểm lây lan và mức độ cao của đỉnh dịch. Các tính toán cho thấy trong trường hợp tự cách ly, cả 2 chỉ số này đều thuận lợi hơn so với việc không thực hiện bất kỳ biện pháp nào (tình huống thứ nhất) hoặc đóng cửa biên giới (tình huống thứ hai).

Vũ Trung Hương

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
một giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các chuyên gia Nga: Giãn cách xã hội và tự cách ly có hiệu quả nhất trong phòng dịch