Bao đời nay, rừng ngập mặn Cà Mau đã trở thành nơi bảo tồn giúp cho nhiều loài động vật hoang dã, quý hiếm có nơi “trú ngụ” an toàn. Đồng thời, hệ sinh thái vô cùng “màu mỡ” dưới tán rừng đã tạo sinh kế cho nhiều hộ dân từ việc mò cua, bắt ốc...
Bảo vệ môi trường

Khám phá hệ sinh thái rừng ngập mặn Cà Mau

Quốc Duy - Nhật Anh Duy 18:52 06/06/2024

Bao đời nay, rừng ngập mặn Cà Mau đã trở thành nơi bảo tồn giúp cho nhiều loài động vật hoang dã, quý hiếm có nơi “trú ngụ” an toàn. Đồng thời, hệ sinh thái vô cùng “màu mỡ” dưới tán rừng đã tạo sinh kế cho nhiều hộ dân từ việc mò cua, bắt ốc...

Nguồn lợi đa dạng

Vùng đất Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nhiều sản vật giàu giá trị về kinh tế lẫn nét văn hóa của vùng đất phù sa, nên được mệnh danh là xứ “rừng vàng biển bạc”. Chính sự trù phú, phì nhiêu ấy đã tạo nên một hệ sinh thái rừng vô cùng màu mỡ mà ít nơi nào có được. Tận dụng tiềm năng, lợi thế ấy, bằng nhiều cách khác nhau, người dân vùng ngập mặn ở huyện Ngọc Hiển đã bám vào rừng để phát triển kinh tế, thay đổi số phận.

7-vuon-quoc-gia-mui-ca-mau-nhin-tu-tren-xuong.jpg
Vườn quốc gia Mũi Cà Mau nhìn từ trên cao

Quê tận miền Bắc xa xôi, nhưng ông Nguyễn Đức Toàn (cán bộ đang công tác tại một ban quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn huyện Ngọc Hiển) lại chọn phương án “Nam tiến” để lập nghiệp và bén duyên với vùng đất cuối cùng ở cực nam tổ quốc. Giờ với ông Toàn, rừng là máu thịt, là cuộc sống đã giúp ông vững bước hàng chục năm qua. “Ngày rời miền Bắc vào đây lập nghiệp, tôi là sinh viên mới ra trường, tuổi mới đôi mươi và cũng chẳng biết Cà Mau ở đâu, huyện Ngọc Hiển nó như thế nào. Chỉ biết, qua thơ ca, đây là xứ nhiều muỗi, rắn, rết... với rừng thiêng, nước độc. Vậy mà, khi vào công tác ở ban quản lý rừng, ngày ngày băng rừng để tuần tra, bảo vệ rừng, tôi lại yêu khung cảnh thiên nhiên nơi đây và gắn bó đến nay đã mấy chục năm. Giờ, nơi đây là quê hương thứ 2 của tôi, tôi yêu những con người nghĩa tình, sống chan hòa, thật thà ở vùng đất này”, ông Toàn tâm sự.

Nói về hệ sinh thái rừng ngập mặn ở Mũi Cà Mau, ông Toàn cho hay, mũi Cà Mau là vùng bãi bồi trẻ, bề mặt được tạo thành bởi các vật liệu trầm tích từ sông mang tới đọng trong môi trường biển ven bờ và chuyển sang môi trường đầm lầy biển. “Vùng bãi bồi mũi Cà Mau có chế độ thủy triều rất đặc biệt do tiếp giáp với 2 vùng biển có chế độ triều khác nhau. Bờ đông có chế độ bán nhật triều không đều, biên độ triều có trị số lớn từ 2,5 - 3m, bờ tây thuộc vùng nhật triều với độ lớn của biên độ triều lúc triều cường là 1 - 1,5m. Thủy triều ở phía đông đẩy nước triều vào sâu nội địa, còn thủy triều ở phía tây có xu thế hút triều ra phía biển. Nhờ lợi thế này, nguồn lợi thủy-hải sản như nghêu, sò, chem chép, ốc len... cũng sinh sôi, phát triển đem lại giá trị kinh tế cao”, ông Toàn nói.

4-canh-vao-rung-muu-sinh-kiem-them-thu-nhap.jpg
Vào rừng mưu sinh, kiếm thêm thu nhập

Đồng thời, ông Toàn chia sẻ thêm, trên đất bãi bồi khi hình thành, loài cây mắm biển với hệ thống rễ đặc biệt và có sức chịu muối cao, là loài xâm nhập trước hết ở bãi bùn mới, hình thành các lâm phần dày đặc dọc cửa sông. Khi những cây này xuất hiện, chúng làm giảm cường độ của sóng triều, đẩy nhanh quá trình lắng đọng phù sa, làm cho mặt đất cao lên, các vật liệu rơi rụng hằng năm đã góp phần làm cho nền đất cao nhanh chóng. Khi mặt đất ổn định thì nhiều loài cây khác nhau sẽ tham gia vào quá trình sinh sôi, phát triển tự nhiên của rừng ngập mặn nơi đây.

Ông Tiết Hữu Thành, cán bộ quản lý rừng phòng hộ Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, đánh giá rừng ngập mặn Cà Mau có giá trị rất cao về mặt sinh thái, có tác dụng quan trọng trong việc phòng hộ, chống gió, chống xói lở. Hệ sinh thái rừng ngập mặn Cà Mau có vai trò quan trọng trong việc cân bằng sinh thái, duy trì chất lượng nước thông qua các chức năng như lưu giữ đất, phù sa và chất hữu cơ, lọc dưỡng các chất ô nhiễm thông qua cây cối và quá trình lắng đọng.

“Dưới tác động của các dòng chảy, những con sông lớn mang nguồn nước sạch dồi dào dinh dưỡng và ấu trùng nhiều giống thủy, hải sản cung cấp cho nội đồng tạo nên môi trường bền vững cho vùng nuôi trồng thủy sản khoảng 250.000ha của tỉnh Cà Mau; góp phần đảm bảo năng suất ổn định cho chiến lược nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả cao, tăng trưởng kinh tế toàn diện và giảm đói nghèo. Mũi Cà Mau còn có tiềm năng rất lớn về du lịch sinh thái, hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học. Đây cũng là vùng đất linh ở điểm cuối cùng của tổ quốc mà ai cũng ước ao đến”, ông Thành nói.

5-ong-tiet-huu-thanh-can-bo-ban-quan-ly-rung-dat-mui-chia-se-ve-nhung-loi-ich-tu-rung(1).jpg
Ông Tiết Hữu Thành, cán bộ Ban Quản lý rừng Đất Mũi nói về những lợi ích từ rừng

Tạo sinh kế ổn định

Dưới tác động của 2 chế độ triều, lượng phù sa được bồi lắng tạo ra nhiều nguồn lợi thủy sản có giá trị sinh sôi, phát triển, như ba khía, chù ụ, ốc len, chem chép, sò huyết, vộp... Đây là nguồn lợi tự nhiên có giá trị kinh tế cao. Với người dân dưới tán rừng thì những sản vật này được xem như “lộc trời" hay quà tặng của thiên nhiên, đã nuôi sống họ qua bao đời nay. Thậm chí, có những người tiếp nối truyền thống của gia đình bằng nghề đi rừng “hái lộc” qua nhiều thế hệ.

Bám víu vào rừng để mưu sinh suốt nhiều năm qua, gia đình ông Tạ Văn Thơ ngụ xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển xem đây là nghề chính, có thu nhập giúp gia đình ông cải thiện cuộc sống. Bình quân, mỗi ngày đi rừng cho ông Thơ khoản thu nhập hơn 300.000 đồng. Đây là khoản thu nhập khá cao đối với những hộ dân sinh sống ở khu vực ven rừng.

2-canh-muu-sinh-duoi-tan-rung-ngap-man-ca-mau(1).jpg
Cảnh mưu sinh dưới tán rừng ngập mặn Cà Mau

“Rừng đã nuôi sống gia đình tôi, nhờ rừng mà gia đình tôi có những bữa cơm ngon. Với tôi, mỗi ngày đi rừng đều có tiền, hôm nào vô mánh thì kiếm được khoảng 500.000 đồng từ việc bán sản vật rừng. Còn hôm nào thất thì cũng được 200.000 - 300.000 đồng. Khoản thu nhập đó là được. Công việc tuy vất vả nhưng mình tự chủ và không lệ thuộc vào ai, khỏe thì làm, mệt thì nghỉ”, ông Thơ cho hay. Công việc hằng ngày của ông Thơ là vào rừng đặt dụng cụ bắt ba khía, chù ụ, kết hợp bắt ốc len, vộp rừng... đem bán cho các vựa thu mua. Đêm đến, ông Thơ đi soi rắn nước (còn gọi là đẻn nước) để kiếm thêm.

Với người dân xứ rừng ngập mặn, ngoài là lá phổi xanh, điều hòa không khí trong lành, rừng còn là nơi để bà con kiếm sống. “Giờ kinh tế khó khăn, việc tìm bán sản vật rừng được xem là nghề ổn định, tăng thu nhập giúp người dân ổn định hơn. Xác định rừng là sự sống, mang lại nhiều giá trị về kinh tế, nên mỗi lần đi rừng tôi luôn tuân thủ, chấp hành nghiêm những quy định về bảo vệ rừng”, ông Thơ cho biết thêm.

Đối với gia đình ông Nguyễn Văn Đấu ngụ huyện Ngọc Hiển thì hệ sinh thái dưới tán rừng ngập mặn vô cùng đa dạng, tạo ra nhiều sinh kế đối với người dân lao động địa phương. “Ở xứ rừng này, người dân sống dựa vào tán rừng nhiều lắm, đa phần là dân lao động thiếu tư liệu sản xuất. Riêng tôi, rừng như máu thịt, đã nuôi sống gia đình tôi suốt nhiều năm qua. Giờ, ngày nào khỏe đi rừng là có tiền, còn mệt thì nghỉ. Với tôi rừng là nguồn sống, nên ngoài việc săn bắt sản vật thì mọi người dân nên góp phần gìn giữ, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi rừng. Riêng tôi, tôi chỉ bắt những loại sản vật như ốc len, vộp, chem chép đạt kích cỡ, những loại nhỏ, chưa đạt thì tôi không bắt. Đây là cách mà tôi có thể làm nhằm góp phần tái tạo nguồn lợi có trong hệ sinh thái rừng”, ông Đấu nói.

3-rung-ngap-man-ca-mau-duoc-thien-nhien-uu-dai-voi-nhieu-san-vat-co-gia-tri-kinh-te-cao(1).jpg
Rừng ngập mặn Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi với nhiều sản vật có giá trị kinh tế cao như vọp, chem chép, ốc len, ba khía...

Nói về kế hoạch tái sinh, phân chia khu vực khai thác theo mùa hay thả giống tái tạo…, ông Huỳnh Thanh Đảm, Chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển cho hay: “Sản vật rừng từ tự nhiên hiện nay đã ít dần, nếu không có cách khai thác hợp lý, nguy cơ bị tuyệt chủng có thể xảy ra. Để tái tạo nguồn lợi sản vật rừng từ tự nhiên, ngành chức năng huyện Ngọc Hiển đã phối hợp với Trường đại học Cần Thơ nghiên cứu, nhân giống thành công ba khía sinh sản. Hiện địa phương đang xây dựng mô hình nuôi thí điểm”.

Tiềm năng du lịch sinh thái

Cùng với những tiềm năng, lợi thế đặc biệt và cũng rất khác biệt, hiếm có nơi nào có được. Ngoài việc tạo sinh kế cho người dân lao động bằng nguồn lợi đa dạng, vô cùng màu mỡ, hệ sinh thái rừng ngập mặn còn giúp người dân “hái ra tiền” từ việc kinh doanh du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Hình thức du lịch này đã và đang phát triển mạnh mẽ ở mũi Cà Mau suốt nhiều năm qua.

Ông Huỳnh Văn Lập ngụ huyện Ngọc Hiển bày tỏ: “Hệ sinh thái rừng ngập mặn Cà Mau rất đa dạng, không chỉ có nguồn lợi dưới tán rừng mang lại giá trị kinh tế cao. Nơi đây, còn là nơi bảo tồn giúp cho nhiều loài động vật quý hiếm như rái cá, rắn, khỉ... sinh sống và phát triển an toàn. Đặc biệt, với hệ sinh thái màu mỡ như vậy, nên nhiều du khách rất thích đến mũi Cà Mau tham quan, trải nghiệm, nhất là hoạt động xuyên rừng, xổ vuông, lội bùn bắt cua, câu cá thòi lòi...”.

6-ong-huynh-van-lap-chia-se-ve-gia-tri-cua-rung-doi-voi-kinh-te-du-lich.(1).jpg
Ông Huỳnh Văn Lập giới thiệu về giá trị của rừng đối với kinh tế du lịch

Ông Lê Minh Tỵ, Giám đốc Công ty TNHH Tư Tỵ (huyện Ngọc Hiển) cho hay: “Tận dụng lợi thế từ rừng, tôi đã mạnh dạn đầu tư kinh doanh lĩnh vực du lịch. Đến đây, ngoài được thưởng thức các mon ăn dân dã, đậm vị phù sa, du khách còn được tham gia các hoạt động trải nghiệm như xổ vuông, giăng lưới, câu cá... rồi đem những con cá, con tôm tự luộc, nướng ăn tại vuông. Rất nhiều du khách yêu thích, lựa chọn trải nghiệm này”.

Nói về tiềm năng, thế mạnh của hệ sinh thái rừng, ông Lê Chí Thắng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện Ngọc Hiển chia sẻ: “Ngọc Hiển có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, với nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, đặc biệt có hệ sinh thái rừng ngập mặn dồi dào, nhiều sinh kế. Để phát huy lợi thế đó, thời gian qua huyện đã phối hợp với Vườn quốc gia Mũi Cà Mau và các ngành chức năng cấp tỉnh tổ chức hình thành, khai thác các sản phẩm du lịch đặc trưng như mở tour xuyên rừng (tham quan hệ sinh thái rừng ngập mặn, sinh thái biển, tham quan động thực vật sống dưới tán rừng…). Đồng thời, huyện phát huy hiệu quả các điểm du lịch sinh thái, du lich cộng đồng với nhiều sản phẩm hấp dẫn (tổ chức cho du khách khám phá hệ sinh thái rừng trong vuông tôm, giăng lưới, đặt lợp cua, xổ vuông tôm…)”.

Theo ông Thắng, những sản phẩm du lịch đó mang đậm nét văn hóa đặc trưng của vùng sông nước Cà Mau. “Địa phương luôn phát huy tiềm năng, đẩy mạnh công tác mời gọi, thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài tỉnh (kể cả nước ngoài) đến tham quan, trải nghiệm và nghỉ dưỡng”, ông Thắng nói thêm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Người làm báo cách mạng phải đáp ứng được những đòi hỏi cao về trí tuệ, bản lĩnh, sự dấn thân
5 giờ trước Sự kiện
Chủ tịch nước Tô Lâm cho rằng, để trở thành những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hoá, là “thư ký của thời đại”, trở thành “người gác cổng của nhân dân”, người làm báo cách mạng phải đáp ứng được những đòi hỏi cao về trí tuệ, bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm và sự dấn thân, cần không ngừng cố gắng, nỗ lực học tập về lý luận, nghiệp vụ báo chí và công nghệ báo chí truyền thông hiện đại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khám phá hệ sinh thái rừng ngập mặn Cà Mau