Một nhóm các nhà khoa học quốc tế tuyên bố rằng cấu trúc Maniitsoq ở Greenland không phải là miệng núi lửa lâu đời nhất thế giới như trước giờ vẫn được thừa nhận.
Vào năm 2012, một nghiên cứu cho rằng cấu trúc Maniitsoq ở Greenland là một miệng núi lửa được tạo ra bởi thiên thạch đâm vào Trái đất khoảng ba tỉ năm trước. Hiện các nhà nghiên cứu từ Úc, Canada, Đan Mạch và Greenland đã bác bỏ tuyên bố này.
Theo kết quả nghiên cứu được công bố ngày 1.3 trên tạp chí Earth and Planetary Science Letters, các nhà khoa học nói rằng không tìm thấy bằng chứng về quá trình mà các đồng nghiệp của họ đề cập. Hơn nữa, nhóm nghiên cứu cũng cho rằng những dữ liệu được đề cập, chẳng hạn như các mẫu từ tính khác nhau trong đá bên trong miệng núi lửa, có thể xuất hiện do các quá trình địa chất bình thường.
Chris Yakymchuk, phó giáo sư tại Đại học Waterloo và một đồng nghiệp cho biết: “Các tinh thể Zircon trong đá giống như những viên nang thời gian nhỏ tồn tại qua hàng thiên niên kỷ. Chúng bảo tồn những thiệt hại cổ xưa do sóng xung kích nhận được từ một vụ va chạm với thiên thạch”.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng có nhiều khu vực trong cấu trúc Maniitsoq, nơi đá tan chảy và kết tinh lại sâu vào Trái đất, một quá trình gọi là biến chất. Tuy nhiên, họ ước tính rằng sự biến chất ở Maniitsoq xảy ra chậm hơn 40 triệu năm so với những gì nghiên cứu năm 2012 đề xuất và không thể liên quan đến tác động được đề cập trước đó.
“Chúng tôi đến đó để khám phá khu vực và thăm dò khoáng sản thông qua việc kiểm tra chặt chẽ khu vực cùng các dữ liệu thu thập từ năm 2012. Kết quả cho thấy các đặc điểm này không phù hợp với một vụ va chạm thiên thạch. Mặc dù rất thất vọng vì cấu trúc đó không phải kết quả của một thiên thạch va vào hành tinh chúng ta cách đây ba tỉ năm nhưng chúng tôi buộc phải thừa nhận nó. Khoa học là nâng cao kiến thức thông qua những khám phá về lịch sử cổ đại của Trái đất và sự phát triển trong tương lai”, Yakymchuk nói.
Nếu kết quả nghiên cứu mới được xác nhận, danh hiệu miệng núi lửa lâu đời nhất thế giới sẽ được trao cho cấu trúc Yarrabubba ở Tây Úc. Các nhà khoa học ước tính rằng miệng núi lửa này xuất hiện khi một thiên thạch có đường kính 7 km va vào Trái đất khoảng 2,2 tỉ năm trước.