Cách xa các khách sạn sang trọng và sân vận động mới rộng lớn, người lao động Nam Á đổ về một sân cricket nằm ở ngoại ô Doha để xem giải đấu mà họ góp phần xây dựng cơ sở vật chất.

Khám phá nơi người lao động Nam Á tại Qatar xem World Cup 2022

Cẩm Bình | 28/11/2022, 15:46

Cách xa các khách sạn sang trọng và sân vận động mới rộng lớn, người lao động Nam Á đổ về một sân cricket nằm ở ngoại ô Doha để xem giải đấu mà họ góp phần xây dựng cơ sở vật chất.

Sân cricket không có bia 14 USD hay khách du lịch nước ngoài như ở khu vực dành cho người hâm mộ của FIFA. Nơi đây có rất ít lựa chọn khác ngoài món ăn vặt Ấn Độ, trong đám đông ít người mặc áo bóng đá và cũng ít phụ nữ.

Trong sân cricket chật cứng người lao động đến từ các quốc gia nghèo nhất thế giới. Họ đều có công sức trong nỗ lực xây dựng hạ tầng phục vụ World Cup 2022 của Qatar - một trong số quốc gia giàu nhất nhất thế giới.

Cách Qatar đối xử với lao động nước ngoài là vấn đề gây tranh cãi. Người lao động chỉ được nhận mức lương thấp, sống nơi tồi tàn, làm việc dưới cái nóng gay gắt thời gian dài. Nhưng vào tối 25.11 khi trận đấu Hà Lan - Ecuador diễn ra, tất cả đều tận hưởng ngày nghỉ trong tuần của mình.

Người may mắn thì có được vé vào sân vận động xem với giá chỉ 40 riyal (10 USD), lượng nhỏ vé ưu đãi dành cho cư dân Qatar. Với những ai không mua nổi vé thì sân cricket tại “thị trấn châu Á” (Asian Town) là sự lựa chọn.

no1000.jpeg
Người lao động nước ngoài tập trung ở sân cricket ngoại ô Doha xem World Cup 2022 qua màn hình - Ảnh: AP

Thợ điện Anmol Singh đến từ bang Bihar (Ấn Độ) chia sẻ: “Ai mà mua nổi vé đi xem chứ? Mỗi tháng tôi chỉ giữ 400 riyal (109 USD) cho mình”. Phần tiền còn lại trong tổng lương hơn 2.000 riyal (600 USD) được ông Singh gửi về cho gia đình ở quê nhà.

Dù thấp theo tiêu chuẩn phương Tây, nhưng lương của người lao động nước ngoài tại Qatar và các quốc gia vùng Vịnh giàu có khác vẫn cao hơn số tiền họ kiếm được ở quê nhà, giúp họ nuôi sống gia đình tại Ấn Độ, Nepal, Pakistan hay Sri Lanka.

Nhân viên dọn dẹp người Nepal Kaplana Pahadi đến sân cricket với 3 đồng nghiệp mà cô xem như người nhà. Cô đến Qatar vào 4 năm trước để kiếm tiền trả viện phí cho mẹ mắc bệnh tim.

Vào giờ giải lao giữa trận, bóng đá tạm thời nhường chỗ cho âm nhạc và nhảy múa. Một người dẫn chương trình nổi tiếng người Ấn Độ khuấy động đám đông khi nhạc pop tiếng Hindi nổi lên.

Vài người leo lên vai bạn bè, một số khác nhảy múa vì phấn khích. Hầu hết đều mặc quần jean áo thun hoặc áo sơ mi dài (shalwar kameez) với quần ống rộng phổ biến ở Nam Á.

Hàng trăm người dùng điện thoại quay lại, nụ cười lan tỏa khi trên sân khấu xuất hiện nữ nghệ sĩ mặc đầm trắng gắn đèn LED biểu diễn.

no1001.jpeg
Tiết mục trình diễn vào giờ giải lao giữa trận - Ảnh: AP

Nhân viên IT người Pakistan Imtiaz Malik nhớ gia đình và ao ước được nghe giọng người thân thường xuyên hơn. Tuy nhiên giờ đây anh cũng xem Qatar là quê hương thứ hai, mặc dù công việc nhiều khó khăn. “Đất nước này đang trở nên tốt đẹp hơn”, Malik chia sẻ.

Imran Khan cho biết nhiều thanh niên ở quê nhà, thành phố Kolkata (Ấn Độ), mơ ước được làm việc tại Qatar. Anh cũng đến Qatar với mong muốn có một công việc trong ngành nhà hàng khách sạn lúc Worlc Cup diễn ra, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được.

Cạnh tranh rất khốc liệt. Trong thời gian còn đang tìm việc, Khan đến sân cricket xem các trận đấu. Nơi đây cho phép anh cùng nhiều người lao động nước ngoài khác tận hưởng bầu không khí World Cup mà không cần phải đi xe buýt vào trung tâm Doha.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khám phá nơi người lao động Nam Á tại Qatar xem World Cup 2022