Các tỉnh miền núi phía bắc tập trung triển khai giải pháp ứng phó lũ quét, sạt lở đất do mưa lớn sắp tới.
Chiều 17.8, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Quốc gia về Phòng, chống thiên tai (PCTT) đã có công văn gửi các tỉnh khu vực miền núi phía bắc đề nghị tập trung triển khai giải pháp ứng phó lũ quét, sạt lở đất do mưa lớn.
Theo bản tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, từ đêm 18.8 đến 19.8.2023, khu vực miền núi phía bắc có mưa to, có nơi mưa rất to trên 150mm. Lượng mưa lớn, tập trung trong hai ngày tiềm ẩn gây nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, nhất là các khu vực đã xảy ra mưa lớn thời gian vừa qua, BCĐ Quốc gia về PCTT đề nghị các tỉnh miền núi phía bắc tiếp tục theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền, nhân dân để chủ động phòng tránh, nhất là những khu vực đã xảy ra mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất trong thời gian vừa qua.
Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn. Đồng thời, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Thống kê từ đầu tháng 8.2023 đến nay, những trận mưa lớn đã gây lũ quét, sạt lở đất tại nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là tại Lâm Đồng và nhiều tỉnh miền núi phía bắc như Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình… Thiên tai đã khiến hàng chục người chết, thiệt hại về kinh tế nhiều tỉ đồng. Đến nay, các địa phương vẫn phải dồn lực để khắc phục hậu quả sau thiên tai.
Cơ quan khí tượng cảnh báo người dân cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Nhận định về nguyên nhân thiên tai diễn biến phức tạp, cực đoan, đặc biệt là mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất ở nhiều khu vực, Trưởng Phòng Dự báo thời tiết - Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho rằng, mưa lớn xuất hiện nhiều ngày tại các địa phương làm đất đá bị ngậm nước bão hòa, liên kết yếu, khiến các khối địa chất bị trượt lở. Cùng với đó, mưa lớn kéo dài làm tăng lượng nước thấm vào khối đất, tăng mực nước ngầm trong khu vực bị sạt lở. Khu vực phát sinh sụt, nứt đất bất thường là nền đất mềm, yếu.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và PCTT, Phó Chánh Văn phòng BCĐ Quốc gia về PCTT Nguyễn Văn Tiến đánh giá, nguyên nhân chủ quan dẫn đến thiệt hại nặng về người và tài sản là do nhận thức, mức độ quan tâm của chính quyền, người dân một số nơi còn hạn chế, chưa tập trung đề ra giải pháp cụ thể cũng như đầu tư thích đáng cho công tác PCTT.
Cùng với đó, cơ sở hạ tầng nói chung cũng như cơ sở hạ tầng PCTT nói riêng còn hạn chế về khả năng chống chịu. Việc xây dựng kế hoạch PCTT, phương án ứng phó với thiên tai của các địa phương chưa cập nhật đầy đủ, toàn diện. Việc thành lập đội xung kích PCTT cấp xã chưa đáp ứng được yêu cầu; nguồn lực cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai còn thiếu… Hệ thống tổ chức bộ máy PCTT và tìm kiếm cứu nạn tại địa phương hầu hết là kiêm nhiệm, thiếu trang thiết bị chuyên dùng, việc ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu trong công tác PCTT còn rất khó khăn, đặc biệt đối với lũ quét, sạt lở đất…