Sự xuất hiện của Khánh Ly bên Trịnh Công Sơn trên sân cỏ quán Văn đã trở thành một hiện tượng mới trong sinh hoạt của thanh niên, sinh viên, học sinh lúc bấy giờ. Người ta chờ đợi những đêm cuối tuần để đến đây uống cà phê và nghe Khánh Ly hát...

Khánh Ly - Giấc mộng dài qua hình bóng Trịnh Công Sơn (kỳ 3)

Một Thế Giới | 19/01/2015, 22:00

Sự xuất hiện của Khánh Ly bên Trịnh Công Sơn trên sân cỏ quán Văn đã trở thành một hiện tượng mới trong sinh hoạt của thanh niên, sinh viên, học sinh lúc bấy giờ. Người ta chờ đợi những đêm cuối tuần để đến đây uống cà phê và nghe Khánh Ly hát...

Phải nói rằng giọng hát của Khánh Ly rất khỏe, mỗi đêm thứ bảy, chủ nhật Khánh Ly hát không dưới 20 ca khúc của nhạc sĩ họ Trịnh.
Đêm cướp micro và 2 phát súng trên sân cỏ quán Văn
Chương trình văn nghệ được sắp xếp theo một công thức “3 phân khúc, đoạn đầu hát “tình ca”, đoạn giữa hát “du ca-phản chiến”, đoạn cuối trở lại “tình ca” và những ca khúc của Trịnh Công Sơn được khán giả yêu cầu Khánh Ly hát lại. Hầu như ca khúc nào hát tuần trước, tuần sau khán giả cũng đều yêu cầu Khánh Ly hát lại trong “phân khúc 3” trước khi quán Văn đóng cửa. 
Thường thì quán đóng cửa rất muộn, nhưng đó chỉ là đối với khách bên ngoài chứ từ giờ phút này mới thật sự là thời gian, không gian riêng của anh em quán Văn và thân hữu ngồi nán lại sinh hoạt nội bộ, chè cháo, ăn khuya và… lai rai tới tận giờ giới nghiêm, có người vội vã phóng xe máy ra về, có người ở lại. Lúc đó Khánh Ly hát mộc, không cần micro, tiếng hát về khuya của Khánh Ly có “chút men cay đắng” và khói thuốc Salem càng nghe càng nghèn nghẹn, nhất là khi Khánh Ly hát “Phôi pha” của Trịnh Công Sơn.
Tất nhiên với những đêm nhạc “phản chiến” tổ chức công khai như vậy trong đám đông khán giả hàng mấy trăm người, có đêm cả ngàn người ngồi chật kín sân cỏ không thể không có an ninh, cảnh sát chìm của chế độ Sài Gòn, nhưng quán Văn nằm trong khuôn viên trường đại học Văn Khoa Sài Gòn, lại dưới sự bảo trợ của tổ chức CPS nên an ninh, mật vụ của chế độ cũ cũng chỉ theo dõi rồi báo cáo về cấp trên chứ chẳng dám làm gì khi chưa có lệnh. 
Hơn nữa, sinh hoạt quán cà phê nhạc kiểu quán Văn trong thời gian này đã mở ra rất nhiều trong thành phố. Thà để cho thanh niên, sinh viên, học sinh có chỗ giải trí mỗi đêm, thưởng thức nhạc “du ca”, “phản chiến” vẫn còn hơn là kéo nhau xuống đường biểu tình chống đối chính quyền và đốt xe Mỹ. Có thể những quán cà phê sinh hoạt văn nghệ như thế không phải là vô thưởng vô phạt, nhưng chính quyền Sài Gòn thấy chưa đến lúc cần thiết phải ra tay trấn áp, tém dẹp. Nếu không muốn nói làm như thế là đổ xăng vào lửa làm khơi dậy những cuộc biểu tình.
Nếu đã có sự hiện diện của an ninh, mất vụ chế độ cũ trong những đêm ca nhạc của Trịnh Công Sơn - Khánh Ly thì trong đám đông sinh viên, học sinh chắc chắn cũng có người của cách mạng hoạt động nội thành. 
Tôi còn nhớ đã từng gặp Tôn Thất Lập ở đây, hồi đó anh hoạt động trong phong trào và tôi cùng Đặng Tấn Tới in tờ báo lậu mang tên Vận Động, báo chỉ có mấy anh em làm, tự bỏ tiền ra in, và có khi in thiếu ở một nhà in nằm trên đường Trần Kế Xương Gia Định. Báo in xong tự mang đi phát hành dạng ký gửi ở mấy sạp báo trên đường Lê Lợi, nhất là quầy sách báo của cô Nga ốm ngay góc đường Nguyễn Trung Trực - Lê Lợi, cạnh quán nhạc Minh Phát, đối diện bên kia đường là cà phê Kim Sơn. Mấy anh em mà vừa làm báo vừa làm xuất bản, lấy tên là Nhà xuất bản Vận Động in tác phẩm đầu tiên là tập ca khúc “Tiếng hát về khuya” của Tôn Thất Lập. Đêm trước khi Tôn Thất Lập ra chiến khu, Đặng Tấn Tới và tôi đã mang mấy chục tập “ Tiếng hát về khuya” tới quán Văn để trao cho anh.
Rồi một đêm trong không khí náo nhiệt của quán Văn như thường lệ, giữa “phân khúc 2” của chương trình nhạc phản chiến Trịnh Công Sơn, Khánh Ly đang hát rất “máu lửa” thì Ngô Vương Toại đề nghị tạm nghỉ giải lao 10 phút để lên micro thông báo việc chuẩn bị kế hoạch bầu ban chấp hành sinh viên trong năm tới. 
Bất ngờ một đôi nam nữ thanh niên từ dưới đám đông đi rất nhanh lên chỗ Ngô vương Toại, cô gái cướp micro tuyên bố kỷ niệm 7 năm thành lập “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam”. Ngô Vương Toại giật lại liền bị anh thanh niên rút súng giấu trong người ra bắn ngã quỵ, Ngô Văn Tấn nhào lên cố lấy micro liền lãnh ngay một phát đạn vào chân. 
Hai phát súng đủ làm náo loạn đêm nhạc ở quán Văn và đôi thanh niên nam nữ hoạt động nội thành nhanh chóng biến vào dòng người hỗn loạn tháo chạy ra ngoài trước khi công an, mật vụ chế độ Sài Gòn có mặt.
Quán Văn đóng cửa, Khánh Ly đi đâu?
Sau đêm náo loạn ấy quán Văn chỉ còn bán cà phê cầm chừng chứ không tổ chức sinh hoạt văn nghệ nữa. Không lâu sau đó, nhóm chủ trương quán Văn được thông báo dẹp quán để người ta đập đại học Văn Khoa ra lấy đất trống xây Thư viện quốc gia còn đại học Văn Khoa dời về đường Cường Để (Đinh Tiên Hoàng) bây giờ. 
Quán Văn đóng cửa, anh em, bạn bè tản mác dần, mỗi người đi mỗi nơi. Khánh Ly không còn gắn bó với Trịnh Công Sơn nữa mà đi hát phòng trà, trong nhóm anh em thân hữu với quán Văn thì Trịnh Công Sơn và Hoàng Ngọc Tuấn là hai người rời nơi đây muộn nhất. Hoàng Ngọc Tuấn bị động viên vào trường Bộ binh Thủ Đức, ra chuẩn úy rồi thành anh sĩ quan bộ binh rày đây mai đó. 
Riêng Trịnh Công Sơn thì tiếp tục sự nghiệp…trốn quân dịch, lang thang ở Sài Gòn tối về ngủ trong khu nhà tiền chế của đại học Văn Khoa mới, tuy không phải là sinh viên của trường nhưng ở đây anh có rất nhiều bạn bè để có thể tá túc, vừa trốn lính, vừa sáng tác.
Khánh Ly lúc bấy giờ đã nổi tiếng như cồn, thành giọng ca chính của rất nhiều phòng trà lớn, được các hãng băng, đĩa mời thu âm như Phạm Mạnh Cương, Trung tâm Trường Sơn, Sơn Ca, Họa Mi, Jo Marcel… 
Đây là thời kỳ lẫy lừng của Khánh Ly với những ca khúc của Trịnh Công Sơn, băng, đĩa của Khánh Ly tràn ngập thị trường âm nhạc Sài Gòn và miền Nam, quán cà phê nào cũng mở nhạc có giọng hát Khánh Ly. Không nghi ngờ gì nữa, chính sân cỏ quán Văn là bệ phóng để trong chưa đầy một thập niên từ một giọng hát chưa có tên tuổi, Khánh Ly đã trở thành một ca sĩ hàng đầu, ngang với Thái Thanh, Mai Hương, Kim Tước, Lệ Thu, Quỳnh Dao, Hà Thanh…
Khi đã lên đến đỉnh vinh quang, Khánh Ly muốn làm bà chủ một dạng quán cà phê giống như quán Văn và cô đã mở Hội quán Cây Tre tọa lạc tại số 2bis Đinh Tiên Hoàng, Đa Kao, Q1 (gần sân vận động Hoa Lư) vào năm 1968. Quán cà phê có sân khấu trình diễn ca nhạc của Khánh Ly khá bề thế, khách thuộc thành phần văn nghệ sĩ, trí thức, thanh niên, sinh viên, học sinh cấp II-III. 
Vào thứ bảy, chủ nhật cuối tuần cũng có chương trình văn nghệ. Chính ở đây các cặp Từ Dung-Từ Công Phụng, Lê Uyên-Phương, Trầm Tử Thiêng-Thanh Lan rồi về sau Vũ Thành An-Thanh Lan, Nguyễn Đức Quang-Ban Trầm Ca… mới có đất để tung hoành, góp phần tạo nên một diện mạo văn nghệ Sài Gòn của thập niên 1960-1970. Cũng chính ở Hội quán Cây Tre, Khánh Ly đã sản xuất và phát hành những cuốn băng nhạc Trịnh Công Sơn, giọng hát Khánh Ly mang tựa đề: “Trịnh Công Sơn-Khánh Ly, hát cho quê hương Việt Nam”.
Nhưng Hội quán Cây Tre dù rất nổi tiếng, quy tụ được những cặp đôi ca hát lừng lẫy cũng không trụ được lâu, khách thưa vắng dần vì quanh đi quẩn lại cũng chỉ có bao nhiêu gương mặt nên Khánh Ly dẹp quán đi kinh doanh phòng trà. 
Cô đứng ra khai thác phòng trà Khánh Ly ở số 12-14 Tự Do (Đồng Khởi) bây giờ, cùng với cô em gái cũng là ca sĩ Ngọc Minh. Thời điểm này Khánh Ly đã là bà chủ một phòng trà bề thế, nổi tiếng ở khu trung tâm thương mại lớn nhất thành phố Sài Sòn thời cực thịnh của thế giới giải trí. Là một trong những nghệ sĩ giàu có kiếm được nhiều tiền bằng giọng hát của chính mình và biết khai thác tên tuổi cũng của chính mình trên lĩnh vực kinh doanh. 
Điều đặc biệt là trong lúc ca sĩ Khánh Ly quy tụ về hát cho phòng trà của cô rất nhiều ngôi sao, nghệ sĩ thời bấy giờ nhưng không có Trịnh Công Sơn và ca sĩ Lệ Thu.
Về Trịnh Công Sơn, lý do để anh không xuất hiện trên sân khấu phòng trà của Khánh Ly hay bất cứ phòng trà nào của Sài Gòn thời đó, thứ nhất do Trịnh Công Sơn trốn quân dịch, không thể đường hoàng xuất hiện trước những nơi mà an ninh bản thân không bảo đảm và với bất cứ lý do nào cảnh sát chìm, cảnh sát nổi cũng có thể bắt giữ anh chỉ với… một lý do đơn giản là tội trốn lính trong khi ở thời điểm này Trịnh Công Sơn lại mang danh là “nhạc sĩ phản chiến, thân cộng”. 
Thứ hai, phong cách Trịnh Công Sơn không phù hợp khi đứng hát ở chốn ăn chơi, giải trí hào nhoáng, phù phiếm như sân khấu phòng trà, vũ trường. Ở những chỗ ấy anh chỉ làm khán giả thì được nhưng hầu như sự có mặt của anh cũng chỉ là xã giao, bạn bè rồi tìm cách rút lui. Phong cách trình diễn và nhạc của Trịnh Công Sơn một là ở một không gian nhỏ hẹp, thân mật với một nhóm bạn, hai là ở các sân trường trước đám đông học sinh, sinh viên, thanh niên.
Còn về Lệ Thu, chị không hát ở phòng trà của Khánh Ly cũng rất dễ hiểu nguyên nhân. Thời đó, có dư luận cho rằng Khánh Ly và Lệ Thu không ưa nhau chỉ vì “con gà tức nhau tiếng gáy”. Nơi nào có Lệ Thu là không có Khánh Ly và ngược lại. Do đó khi xếp giờ hát ở phòng trà, trưởng ban nhạc cũng xếp lệch giờ để Khánh Ly không chạm mặt Lệ Thu và ở các chương trình biểu diễn văn nghệ khác cũng thế.
(còn tiếp)
Nhà văn Từ Kế Tường
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công
Trong 3 tháng đầu năm 2024, các bộ, ngành, địa phương đã giải ngân vốn đầu tư công được hơn 80.000 tỉ đồng và đạt tỷ lệ hơn 13,7%, để đạt được mục tiêu giải ngân 95% trong năm 2024 vẫn là một thách thức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khánh Ly - Giấc mộng dài qua hình bóng Trịnh Công Sơn (kỳ 3)