Khánh thành các dự án thành phần Mai Sơn-Quốc lộ 45, Phan Thiết-Dầu Giây với tổng chiều dài hơn 160 km thuộc tuyến cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017-2020.

Khánh thành 2 cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45, Phan Thiết-Dầu Giây: Vượt nắng mưa, thắng đại dịch

Hoài Lam | 29/04/2023, 17:40

Khánh thành các dự án thành phần Mai Sơn-Quốc lộ 45, Phan Thiết-Dầu Giây với tổng chiều dài hơn 160 km thuộc tuyến cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017-2020.

Ngày 29.4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (GTVT) dự lễ khánh thành các dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây với tổng chiều dài hơn 160km thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020.

Rút ngắn thời gian di chuyển

Lễ khánh thành do Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Bình Thuận tổ chức. Điểm cầu chính tại nút giao Phan Thiết, xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận (dự án Phan Thiết - Dầu Giây), kết nối trực tuyến với điểm cầu hầm Thung Thi, xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa (dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45).

Hai dự án vừa khánh thành đều do Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Trong đó, dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 dài khoảng 63,37km đi qua các tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa, tổng mức đầu tư 12.111 tỉ đồng.

Dự án này giúp rút ngắn hành trình di chuyển, đẩy nhanh thời gian kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị từ Hà Nội với các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương…

Dự án Phan Thiết - Dầu Giây dài khoảng 99km đi qua các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, kết nối với tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Dự án có tổng mức đầu tư 12.577,5 tỉ đồng.

ql-2.jpg
Dự án Phan Thiết - Dầu Giây rút ngắn hành trình từ TP.HCM đến các trung tâm du lịch và mở ra cơ hội đầu tư vào khu vực miền Nam Trung Bộ

Dự án này giúp rút ngắn hành trình từ TP.HCM đến các trung tâm du lịch và mở ra cơ hội đầu tư vào khu vực miền Nam Trung Bộ; khắc phục tình trạng ách tắc giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông vốn thường xuyên xảy ra trên quốc lộ 1A; giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa giữa khu vực đầu mối trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía nam với khu vực miền Đông Nam Bộ và duyên hải Nam Trung bộ, cũng như từ bắc vào nam…

Vượt nắng, thắng mưa, vượt đại dịch, thắng bão giá

Theo báo cáo của Bộ GTVT và ý kiến các nhà thầu, lãnh đạo các địa phương phát biểu tại buổi lễ, quá trình thi công 2 dự án đã gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ, như ảnh hưởng của dịch COVID-19, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, chưa đạt tiến độ theo kế hoạch, biến động giá nguyên vật liệu gây khó khăn cho các nhà thầu, thiếu hụt về nguồn vật liệu đắp; thời tiết diễn biến bất thường, mùa mưa đến sớm và kéo dài hơn thường lệ…

Theo đó, Chính phủ, Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ với tinh thần "khó khăn đến đâu thì tháo gỡ đến đó, khó khăn ở đâu thì tháo gỡ ở đó; vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết, không đùn đẩy, không né tránh", "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm"; "đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện và có sản phẩm cụ thể, mang lại hiệu quả cân đong đo đếm được".

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong hạ tầng giao thông, hệ thống đường cao tốc đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối, nâng cao năng lực vận tải, đảm bảo quốc phòng - an ninh, mở rộng các không gian phát triển kinh tế - xã hội cho mỗi địa phương, mỗi vùng và cho cả đất nước. Đặc biệt, hành lang vận tải bắc - nam luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng, là trục xương sống, hành lang kinh tế - vận tải huyết mạch của đất nước.

Thủ tướng cũng đánh giá cao sự chủ động vào cuộc của các bộ, ngành trung ương đã phối hợp, hỗ trợ Bộ GTVT và các địa phương nhanh chóng giải quyết những vấn đề liên quan thuộc thẩm quyền; đồng thời biểu dương sự nỗ lực, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, giải quyết thiếu hụt vật liệu cho các dự án.

tt.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu

Thủ tướng cảm ơn bà con nhân dân trong vùng ảnh hưởng của các dự án đã sẵn sàng nhường đất, dời nhà, nhường chỗ ở, nhường chỗ canh tác để triển khai các dự án.

"Chúng ta đã vượt nắng, thắng mưa, vượt qua đại dịch, thắng bão giá, vượt lên chính mình với quyết tâm cao nhất, cố gắng lớn nhất, nỗ lực và quyết liệt hành động để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Phải nhắc lại điều này để chúng ta có thêm tự tin, bản lĩnh trong đối phó với các khó khăn, thách thức, tiếp tục triển khai công việc trong thời gian tới", Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, Đại hội 13 của Đảng đặt mục tiêu tới năm 2025 cả nước có khoảng 3.000km cao tốc và tới năm 2030, có khoảng 5.000km cao tốc. “Như vậy, từ nay tới cuối nhiệm kỳ, cần phải hoàn thành gần 1.500km cao tốc nữa. Cùng với đó, chúng ta đang nghiên cứu, triển khai xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tiếp tục xây dựng các sân bay, cảng biển…”, Thủ tướng nói và cho biết đây là khối lượng công việc rất lớn, rất nặng nề, với yêu cầu rất cao, phải quyết tâm, nỗ lực.

Phải quan tâm đời sống người dân

Thủ tướng nêu rõ một số bài học kinh nghiệm quan trọng từ việc triển khai các dự án cao tốc thời gian qua. Theo đó, phải có cách làm, tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận mới; đề cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, tuyệt đối không được đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu và đồng thuận chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, đặt lợi ích của quốc gia dân tộc, lợi ích chung lên trên hết, trước hết.

"Phải quan tâm đến đời sống của nhân dân, chú trọng công tác bố trí tái định cư, đảm bảo nơi ở mới phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ. Tôi muốn nhấn mạnh là làm sao để đời sống nhân dân phải tốt hơn và ít nhất là bằng nơi ở cũ một cách bền vững cả về vật chất và tinh thần; đặc biệt lưu ý đến là sinh kế của nhân dân nơi có dự án đi qua", Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh không chia nhỏ gói thầu; xác định các tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện để lựa chọn nhà thầu phù hợp; lựa chọn được nhà thầu thực sự có năng lực, uy tín, kinh nghiệm; thưởng phạt phân minh, kịp thời.

"Phải xác định rõ các khó khăn, vướng mắc ở đâu, ai giải quyết? Thời hạn giải quyết? Những vấn đề giải quyết được ngay thì các bộ, ngành, địa phương có câu trả lời rõ ràng, dứt khoát; những vấn đề chưa giải quyết được ngay thì phải khẩn trương nghiên cứu, chủ động giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời, linh hoạt, hiệu quả", Thủ tướng nêu rõ.

Bài liên quan
Đồng Nai: Thanh tra công vụ đối với cán bộ đùn đẩy công việc trong giải phóng mặt bằng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu
Đây là yêu cầu của quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức đưa ra vào cuộc họp về giải phóng mặt bằng cho cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu vào ngày 13.4.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
7,2 tỉ USD có thể chảy vào Việt Nam ngay khi thị trường chứng khoán được nâng hạng
2 giờ trước Tài chính và đầu tư
Ước tính, khoảng 7,2 tỉ USD vốn gián tiếp nước ngoài sẽ chảy vào thị trường Việt Nam ngay sau khi thị trường chứng khoán được nâng hạng. Việc này cũng mang lại 25 tỉ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam cho tới năm 2030.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khánh thành 2 cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45, Phan Thiết-Dầu Giây: Vượt nắng mưa, thắng đại dịch