Giá bánh trung thu đang ngày càng tăng theo thời gian. Nhu cầu mua bánh trung thu cũng có nhiều thay đổi. Nghịch lý là có không ít người biếu nhau hộp bánh lên đến vài triệu đồng, nhưng cũng có người không có lấy một hộp bánh trọn vẹn để biết “mùi” Tết trung thu.

Khi bánh trung thu không dành cho người nghèo

Một Thế Giới | 01/09/2015, 08:17

Giá bánh trung thu đang ngày càng tăng theo thời gian. Nhu cầu mua bánh trung thu cũng có nhiều thay đổi. Nghịch lý là có không ít người biếu nhau hộp bánh lên đến vài triệu đồng, nhưng cũng có người không có lấy một hộp bánh trọn vẹn để biết “mùi” Tết trung thu.

Đợi giảm giá mua 1 tặng 1 mới dám ăn
Khảo sát một vòng giá cả bánh trung thu tại thành phố, nhiều người không khỏi giật mình bởi nhiều loại bánh có giá cao ngất ngưởng, trong khi chất lượng thì khó mà kiểm chứng.
Bước vào một tiệm bánh hiệu khá phổ biến tại TP.HCM, nhiều loại bánh trung thu được bày bán trên kệ lấn át tất cả các loại bánh khác. Đặc biệt đáng chú ý là vài loại bánh được đặt với những cái tên mỹ miều, tạo cho người nghe cảm giác sang trọng, quý phái cứ như chỉ cần ăn vào là no ấm, sung túc, hạnh phúc…(?!) và dĩ nhiên giá của nó cũng rất “sang chảnh”, từ 1.1 – 3 triệu đồng.
Theo tư vấn của nhân viên bán hàng tại đây, thường những loại này dành để biếu hơn là mua về ăn. Loại này hiện bán khá đắt, có khi hết hàng chưa chuyển về kịp. Còn những loại bánh khác với giá cả thượng vàng hạ cám, từ bánh bào ngư, vi cá, jambon, đậu xanh… hai trứng, đến bánh một trứng, cho đến rẻ nhất là các loại bánh dẻo không nhân. Nhưng để có được một hộp gồm 4 bánh coi được một tí thì giá đã mấp mé tiền triệu.
Với giá cả thế này, những công nhân, người lao động chân tay khó mà nghĩ đến việc mua một hộp bánh chỉ để về ăn, uống trà. Chị Hồng Liên, công nhân tại KCN Sóng Thần đắn đo, chọn lựa hồi lâu mới chọn được cho mình hộp bánh trung thu loại 1 trứng với giá 250.000 ngàn đồng, nhưng cũng không phải về ăn mà gửi về quê cho gia đình. Sau giây phút ngập ngừng, chị Liên chia sẻ với chúng tôi: “Mấy năm trước cũng không có mua về để ăn, chỉ gửi biếu cho gia đình ở quê. Có năm công ty làm ăn có lãi, gửi bánh cho công nhân viên, nhưng tôi cũng gửi về quê hoặc đi biếu, như vậy khỏi tốn tiền mua thêm ở ngoài”.
Trường hợp chị Liên không phải hiếm, một trường hợp khác mà chúng tôi gặp được, chị B.V làm công việc giúp việc nhà, đến mùa trung thu được chủ nhà biếu tặng hộp bánh, chị lại đem đi biếu cô giáo mầm non của đứa con gái. Chị giải thích rằng: “Đi biếu thì nên biếu sớm. Còn nhà mình thì ăn khi nào cũng được, đợi khuyến mãi mua một tặng một hoặc tặng hơn nữa rồi mua, còn hạn sử dụng mà…”
Hộp bánh trung hơn cái tráp đựng nữ trang
Khi banh trung thu khong danh cho nguoi ngheo-hinh-anh-1
 Ảnh minh họa
Nhiều năm qua, bánh trung thu không còn là mặt hàng phục vụ cho nhu cầu thưởng thức như một dạng ẩm thực nữa mà chủ yếu dành để biếu tặng. Không cần biết bên trong chất lượng bánh như thế nào, chỉ cần chiếc hộp bên ngoài trong bắt mắt, cứng cáp, sang trọng thì cũng đủ để làm món quà biếu. Chính vì vậy, nhiều nhà sản xuất thi nhau chú trọng vào phần thiết kế, tăng cường độ tinh xảo của hộp bánh. Càng sang trọng chừng nào thì khả năng bán chạy chừng nấy.
Nói về hộp tinh xảo, sang trọng thì những tay ngang như nhà hàng, khách sạn 5 sao gần như đi đầu. Cũng là một hộp bánh 2 trứng với giá dao động từ gần 700.000 đồng đến gần 1,4 triệu đồng, nhưng hộp bánh của khách sạn E.T với nhiều thiết kế tinh xảo, hoạ tiết, thậm chí là bọc da, hay hộp sơn mài… đã thu hút nhiều khách hàng, nhất là các công ty dùng để biếu đối tác.
Dĩ nhiên, những loại bánh chú trọng bề ngoài, đắt đỏ chủ yếu dùng để biếu như thế thì những người lao động nghèo chỉ biết…nhìn. Như gia đình anh N.V.T, chạy xe ôm ở chợ Bà Chiểu, có mối quen là một tiểu thương trong chợ. Dù không năm nào được ăn bánh trung thu sớm, nhưng anh không lấy làm buồn, mà còn vui vẻ chia sẻ câu chuyện nhà. Anh kể: “Mọi năm thì nhà tôi ít ăn bánh trung thu, năm nay bà mối biếu cho hộp bánh nhìn sang lắm. Con gái tôi thấy mà cứ xin ba cho ăn, rồi còn nói sẽ giữ lại cái hộp để đựng đồ”, nói xong anh cười chân chất.
Có những câu chuyện dở khóc dở cười vì “văn hoá” trung thu ngày càng biến tướng khiến dần mất đi sự trong sáng vốn có của dịp lễ trăng rằm tháng 8. Trong quá trình thực hiện bài, chúng tôi có gặp chị T.T.N.O. (ở quận Bình Thạnh, TP.HCM), chị kể câu chuyện về việc tặng bánh trung thu của gia đình chị vào năm ngoái. Chồng chị T. vốn là một phó tổng của công ty ăn nên làm ra nên mỗi dịp lễ lộc nhà chị không thiếu quà cáp. Chiều hôm đó, chồng chị mang về một hộp bánh, mãi đến gần khuya, như sực nhớ ra, người biếu hộp bánh cho chồng chị T nhắn tin có phong bì 5 triệu đồng trong hộp bánh, nói anh lưu ý lấy ra xem. Lúc đó, hai vợ chồng chị chỉ biết nhìn nhau vì đã trót biếu lại hộp bánh đó cho một người khác mất rồi.
Như một cái lệ, trung thu là dịp để người ta bày tỏ sự quan tâm; là dịp để trả, trao ơn nghĩa; là cơ hội chứng minh thành ý… Và không biết tự khi nào, người ta ngầm hiểu chất lượng bánh càng cao thì “thành ý” càng nhiều. Dường như trung thu không còn là Tết thiếu nhi và lại càng xa hơn với những người nghèo.
Thảo Hương
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
30 phút trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi bánh trung thu không dành cho người nghèo