Nếu làm lãnh đạo mà không là người gương mẫu chấp hành pháp luật đầu tiên, thì còn bảo ai theo mình chấp hành pháp luật được nữa? Chính vì thế ở khoản 3 điều 4 của Hiến pháp mới tuyên bố: "3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật."

Khi cán bộ ngộ nhận về 'Đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội'

30/08/2018, 11:22

Nếu làm lãnh đạo mà không là người gương mẫu chấp hành pháp luật đầu tiên, thì còn bảo ai theo mình chấp hành pháp luật được nữa? Chính vì thế ở khoản 3 điều 4 của Hiến pháp mới tuyên bố: "3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật."

Truyền thông trong nước xôn xao trước thông tin có vị bí thư một thành phố đã tuyên bố: “Tôi còn làm bí thư thì tôi chưa chấp hành bản án này” khi đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp Quốc hội tới giám sát việc chấp hành pháp luật của chính quyền trong giải quyết các vụ án hành chính. Ông Hoàng Văn Hùng, ủy viên Ủy ban này cho biết như vậy trong phiên thảo luận của Ủy ban sáng 22.8 về dự thảo Báo cáo giám sát việc giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp.

Ông Hùng cho biết, số lãnh đạo chính quyền không đối thoại, không tham gia phiên tòa xét xử các vụ án hành chính ngày càng tăng. Ông Hùng nêu rõ: “Ngay cả 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đều có tình trạng này. Đối thoại với dân và tham gia phiên tòa xử các vụ án hành chính như vậy là hỏng”.

Bổ sung cho phản ánh của ông Hùng, ông Nguyễn Mai Bộ, ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh nêu thêm: “Chủ tịch UBND các cấp có người chấp hành rất tốt, nhưng có người thậm chí còn tuyên bố: Còn tôi, còn tòa, không bao giờ tôi đến”.

Dư luận vô cùng sửng sốt, choáng váng trước sự trịch thượng, “bề trên" của các vị cán bộ lãnh đạo này. Khi họ dám đe nẹt cả cơ quan thực thi công lý, thì còn nói gì đến đối thoại với dân nữa.

Vậy vì đâu mà các vị cán bộ lãnh đạo này lại tự cho phép mình hành xử như thế? Đường đường là lãnh đạo thì nhất cử nhất động đều phải làm gương mẫu cho người dân noi theo, trong đó tất nhiên có việc chấp hành pháp luật của quốc gia. Ấy vậy mà họ lại "sửng cồ" nói ngang nói càn với cơ quan bảo vệ pháp luật như vậy. Vậy thì vì đâu nên nỗi?

Ông Nguyễn Sỹ Cương, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, đã hé mở rằng, việc lãnh đạo chính quyền địa phương không tham gia đối thoại, tham gia phiên tòa, thậm chí không chấp hành các bản án đã có hiệu lực, là bắt nguồn từ vấn đề nhận thức. Ông Cương nói: “Đây là một sự coi thường, bất chấp pháp luật, chứ không chỉ là vấn đề "không nghiêm túc" như báo cáo nêu”.

Thực ra cái tư tưởng coi thường, bất chấp pháp luật ấy của lãnh đạo địa phương lại xuất phát chính từ một nhận thức sai, một ngộ nhận về quy định "Đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội".

Chính vì nhầm tưởng rằng mình đã là (cấp ủy) đảng lãnh đạo cả nhà nước và xã hội thì đứng trên tất cả (ở địa phương), do đó không còn phải chấp hành ai hết. Hẳn là trong thâm tâm họ, mình đã được đứng trên vạn người thì việc gì còn phải nghe theo ai nữa nhỉ? Cơ quan pháp luật cũng do (cấp ủy) đảng lãnh đạo là mình cơ mà? Và dù họ có giở luật ra chăng nữa, thì luật nào cũng từ nghị quyết của đảng chỉ đạo ra kia mà? Thế cho nên các vị ấy mới nạt nộ cả cơ quan bảo vệ công lý.

Thế nhưng, đó thực ra lại là một nhận thức cực kỳ méo mó về "Đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội". Các vị ấy cần phải biết rằng, mặc dù chương trình xây dựng luật pháp được tổ chức theo nghị quyết của Đảng, thế nhưng Đảng đã là người lãnh đạo thì đảng viên phải đi đầu trong việc chấp hành pháp luật do chính mình chủ trương xây dựng nên, để làm gương mẫu cho cấp dưới noi theo, chứ không phải Đảng lãnh đạo là đảng viên không phải chấp hành pháp luật. Bởi nếu làm lãnh đạo mà không là người gương mẫu chấp hành pháp luật đầu tiên, thì còn bảo ai theo mình chấp hành pháp luật được nữa? Chính vì thế ở khoản 3 điều 4 của Hiến pháp mới tuyên bố: "3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật".

Như vậy cần hiểu cho đúng về vai trò lãnh đạo của Đảng: đối với nhân dân thì Đảng là người lãnh đạo; đối với nhà nước thì Đảng là người chỉ huy, nhưng chỉ huy bằng chủ trương đường lối chung chứ không phải bằng việc xử lý những công việc cụ thể đã được quy định trong hệ thống pháp luật mà Đảng đã có chủ trương, đường lối xây dựng nên. Và khi đã là người đề ra chủ trương, đường lối pháp luật như vậy, thì đương nhiên Đảng và các đảng viên phải tiên phong gương mẫu tuyệt đối chấp hành pháp luật để cả nhà nước và xã hội noi theo.

Và tất nhiên, nếu Đảng là người đề ra chính sách pháp luật mà đảng viên lại nêu tấm gương xấu không chấp hành pháp luật, thì khác nào tự mình bác bỏ chính pháp luật của mình đề ra, thì còn ai nghe theo mình tuyên truyền là phải chấp hành pháp luật nữa.

Cho nên hậu quả của việc các cán bộ lãnh đạo cấp chính quyền kiêm cấp đảng ủy ở địa phương nêu tấm gương xấu không chấp hành pháp luật là rất tai hại, vô hình chung phá hoại chủ trương đường lối đúng đắn của Đảng từ bên trong, cho nên rất cần phải được xử lý chỉnh đốn kịp thời.

Phạm Mạnh Hà

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi cán bộ ngộ nhận về 'Đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội'