Không khó để nhận ra rằng thị trường bán lẻ Việt Nam đang là lĩnh vực chịu nhiều tác động nhất của xu thế toàn cầu hóa và tăng cường trao đổi thương mại giữa Việt Nam và thế giới, khi chỉ trong một thời gian ngắn đã có khoảng 51% thị phần bán lẻ Việt Nam rơi vào tay các nhà đầu tư nước ngoài – tỷ lệ lớn hơn tất cả các lĩnh vực khác trong nền kinh tế.

Khi cuộc chiến bán lẻ không chỉ tập trung ở các đô thị lớn

Nhàn Đàm | 24/06/2016, 10:58

Không khó để nhận ra rằng thị trường bán lẻ Việt Nam đang là lĩnh vực chịu nhiều tác động nhất của xu thế toàn cầu hóa và tăng cường trao đổi thương mại giữa Việt Nam và thế giới, khi chỉ trong một thời gian ngắn đã có khoảng 51% thị phần bán lẻ Việt Nam rơi vào tay các nhà đầu tư nước ngoài – tỷ lệ lớn hơn tất cả các lĩnh vực khác trong nền kinh tế.

Điển hình cho làn sóng thâu tóm thị phần bán lẻ của các nhà đầu tư ngoại này là các thương vụ thâu tóm các hệ thống siêu thị hàng đầu ở các trung tâm kinh tế lớn như METRO, BigC, Nguyễn Kim. Tuy nhiên, cuộc chiến bán lẻ ở thời điểm hiện tại đã không còn chỉ gói gọn trong phạm vi các thành phố đóng vai trò những trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội hay TP.HCM nữa, mà nó đã bắt đầu lan rộng ra khắp cả nước.

Trong cuộc họp về tình hình kinh tế xã hội TP.HCM 6 tháng đầu năm 2016 diễn ra vào ngày 20.6, báo cáo của Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM đã đưa ra những nhận định đáng lo ngại, đó là cuộc chiến giữa các nhà đầu tư nước ngoài và DN nội địa trên thị trường bán lẻ đang có xu hướng lan từ các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM sang các tỉnh thành lân cận, và có thể sẽ lan rộng ra khắp cả nước. Cụ thể, các DN bán lẻ nước ngoài đang tấn công mạnh vào thị trường bán lẻ ở TP.HCM và các tỉnh thành xung quanh, trong khi đó chính quyền TP.HCM mới chỉ tiếp cận vấn đề theo hướng chủ trương hỗ trợ các DN nội trong địa bàn thành phố nhằmcủng cố năng lực cạnh tranh của mình mà thiếu chú trọng đến thị trường các tỉnh lân cận.

Theo ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM, hiện nay các tập đoàn bán sỉ và bán lẻ lớn của nước ngoài đang có chiến lược đổ bộ vào TP.HCM và các tỉnh thành lân cận. Ngoài việc tiếp cận và thâu tóm các hệ thống bán lẻ lớn ở TP.HCM như các hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại, thì các DN bán lẻ nước ngoài cũng đang chuyển hướng bằng cách đưa hàng hóa về thị trường các tỉnh thành khác. Nếu hàng hóa nước ngoài tiêu thụ được ở các tỉnh thành, thì nguồn cung hàng hóa từ các DN nội sản xuất ở TP.HCM sẽ giảm đáng kể. Đề xuất của ông Hòa là “đề nghị TP.HCM cần tập trung đẩy mạnh việc đưa sản phẩm do doanh nghiệp thành phố sản xuất đi các tỉnh chứ không chỉ “đánh” riêng thị trường thành phố, mà cần đánh ở thị trường 21 tỉnh thành phía Nam và thị trường miền Trung để giành lại thị phần cho doanh nghiệp nội”.

Bản báo cáo của Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM đang nêu ra một tình thế nghiêm trọng và đáng suy nghĩ trên thị trường bán lẻ Việt Nam hiện nay. Những diễn biến của cuộc chiến trên thị trường bán lẻ đang diễn ra nhanh chóng và có sự khác biệt rất lớn với cách đánh giá và nhìn nhận vấn đề của chúng ta bấy lâu nay. Những vụ thâu tóm liên tục các hệ thống bán lẻ như các siêu thị và trung tâm thương mại tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM của các tập đoàn nước ngoài khiến chúng ta nghĩ rằng các DN bán lẻ nước ngoài chỉ chủ yếu dừng lại ở việc thâu tóm thị phần trong miếng bánh bán lẻ ở các thành phố lớn của Việt Nam mà thôi. Vì trên thực tế, dù thị phần của các kênh bán lẻ hiện đại tại các thành phố lớn ở Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 25% nhu cầu người dân, nhưng lại đang là miếng bánh béo bởnhất do tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn và người dân có mức thu nhập cao.

Tuy nhiên, chiều hướng vấn đề đang đảo ngược hoàn toàn. Không chỉ có ý định thâu tóm các hệ thống bán lẻ lớn tại các thành phố trung tâm kinh tế lớn, mà các DN bán lẻ nước ngoài rõ ràng còn đang có ý định tấn công vào thị trường tại các tỉnh thành khác trên cả nước. Rõ ràng đây là một cuộc chiến toàn diện và ngày càng khắc nghiệt hơn đối với các DN sản xuất và DN bán lẻ trong nước. Vì một thực tế là các DN sản xuất hàng hóa của Việt Nam chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn đóng vai trò những trung tâm kinh tế như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng... và một số tỉnh thành lân cận các trung tâm này. Hàng hóa được sản xuất ở các thành phố này sẽ được chuyển tới các hệ thống bán lẻ hiện đại để tiêu thụ trong phạm vi thành phố, phần còn lại sẽ được chuyển dịch về các tỉnh thành lân cận và các khu vực nông thôn.

Chính vì thế, việc các DN bán lẻ nước ngoài đưa hàng hóa nhập khẩu về các tỉnh thành khác và các vùng nông thôn sau khi đã thâu tóm 51% thị bán lẻ hiện đại tại các thành phố lớn, đang cho thấy ngay cả khu vực được xem là sân sau cho các DN sản xuất và bán lẻ trong nước cũng đang đứng trước nguy cơ đe dọa bị cạnh tranh khốc liệt. Theo Tổng giám đốc hệ thống bán lẻ Saigon Co.op Nguyễn Thành Nhânthì đây làmột cuộc cạnh tranh không cân sức, do các nhà bán lẻ toàn cầu có sức mạnh toàn cầu trong liên kết vàthu mua nguồn hàng. Kinh nghiệm đó tạo ra chuỗi logistics và chuỗi cung ứng rất mạnh cho họ”, chưa kể lợi thế vượt trội về nguồn vốn dồi dào cũng cho phép các DN nước ngoài chịu lỗ tốt hơn để duy trì chiến lược cạnh tranh bằng giá cả.

Khi các hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại lớn như METRO, BigC, Nguyễn Kim, Fivimart ở các trung tâm kinh tế như Hà Nội hay TP.HCM lọt vào tay các tập đoàn nước ngoài, đã có những lời kêu gọi các DN sản xuất nội địa nên tăng cường đẩy mạnh hoạt động về các tỉnh thành lân cận và các vùng nông thôn như một sân sau mang tính chiến lược, tăng cường doanh số để tích lũy đủ tiềm lực hầucó thể quay lại cạnh tranh sòng phẳng với các DN bán lẻ nước ngoài đang sở hữu những hệ thống siêu thị tại các thành phố lớn. Nhưng giờ đây, khi hàng hóa nước ngoài đang tràn về các vùng nông thôn và các tỉnh thành khác, thì kế hoạch đó xem như phá sản. Các DN sản xuất và bán lẻ nội địa sẽ phải căng sức cạnh tranh trên cả hai mặt trận: tại các thành phố lớn là các hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại, mặt trận còn lại là tại các tỉnh lân cận và các vùng nông thôn. Vì nếu mất đi thị phần ở một trong hai mặt trận này, thì cũng đồng nghĩa với thất bại và không thể cạnh tranh ở phần còn lại.

Đã đến lúc cần có một đề án quốc gia về lĩnh vực bán lẻ, không chỉ tập trung và gói gọn trong phạm vi các thành phố lớn và các hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại hiện đại như trước, mà còn phải trải rộng ra các tỉnh thành tại các vùng miền trên cả nước. Vì một khi các tỉnh thành và các vùng nông thôn bắt đầu sử dụng hàng nhập khẩu nước ngoài nhiều hơn, thì cũng đồng nghĩa với hồi chuông báo tử với các DN sản xuất và bán lẻ trong nước. Khi con đường lọt vào các hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại của hàng hóa trong nước ngày càng khó khăn hơnvà lại đánh mất nốt thị trường tại các tỉnh thành và các vùng nông thôn, thì các DN sản xuất và bán lẻ trong nước còn lại những gì?

Nhàn Đàm (theo The Saigon Times, CafeF)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
10 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi cuộc chiến bán lẻ không chỉ tập trung ở các đô thị lớn