Việc cấp điện lưới từ đất liền cho Côn Đảo để bảo đảm nguồn điện ổn định nhằm thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội huyện Côn Đảo là cấp thiết và tất yếu, là phương pháp tối ưu.

Khi điện tại chỗ không thể giải quyết cho bài toán phát triển Côn Đảo

Hồ Đông | 08/06/2022, 15:13

Việc cấp điện lưới từ đất liền cho Côn Đảo để bảo đảm nguồn điện ổn định nhằm thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội huyện Côn Đảo là cấp thiết và tất yếu, là phương pháp tối ưu.

Côn Đảo là huyện đảo thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Theo đường biển thì nơi gần nhất với đảo là TP.Vũng Tàu, chỉ  185km và sân bay gần nhất là TP.HCM cách 230km đường bay. Với tiềm năng phát triển du lịch lịch sử cách mạng và thiên nhiên, nhiều định hướng quy hoạch được ban hành nhằm xây dựng Côn Đảo phát triển đồng bộ, hiện đại gắn với bảo tồn phát huy giá trị của địa phương, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân địa phương.

Trong đó, đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1518/QĐ-TTg ngày 5.9.2011. Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Côn Đảo đã và đang được đầu tư xây dựng thành một đô thị có cấu trúc tốt, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, diện mạo đô thị có nhiều nét khởi sắc, bảo tồn khai thác được các giá trị cảnh quan và di tích đặc thù, mở ra các hướng phát triển tiềm năng.

Tuy nhiên, việc cấp điện cho Côn Đảo đang là bài toán cần sớm được giải quyết để phát triển trong tương lai. 

Hiện dân số Côn Đảo khoảng 12.000 người. Dự báo đến năm 2030, dân số Côn Đảo sẽ đạt khoảng 30.000 người. Đến năm 2045, dân số trong khu vực sẽ tăng lên khoảng 40.000 người.

Trong khi đó, lượng khách du lịch đến Côn Đảo trong giai đoạn năm 2030 dự kiến đạt khoảng 2,2 triệu khách/năm; giai đoạn đến năm 2045 đón khoảng 2,7 triệu khách/năm. Để có thể đáp ứng các chỉ tiêu phát triển dân số và khách du lịch, quy mô đất xây dựng đô thị, du lịch cũng được dự báo tăng thêm từ 100 - 160ha đến năm 2030, và 150 - 240ha đất dân dụng mới đến năm 2045, chỉ tiêu khoảng 50 - 80m2/người giữ nguyên trong cả 2 giai đoạn.

Hiện nay Côn Đảo được cấp điện bởi 9 tổ máy phát điện diesel, tổng công suất 11.820kW. Hệ thống máy phát điện trên phát theo nhu cầu sử dụng điện của phụ tải trên địa bàn hiện có: Phụ tải sử dụng lúc trung bình công suất 4.400kW, lúc cao điểm gần 6.400 kW (ngày 30.4.2022). Ngoài ra, huyện Côn Đảo còn có hệ thống điện mặt trời với tổng công suất 136kWp.

Tuy nhiên, nguồn năng lượng mặt trời chiếm tỷ trọng rất nhỏ và chỉ phát hỗ trợ hiệu quả vào những thời điểm có nắng ban ngày. Về cơ bản, điện cho Côn Đảo vẫn phải dựa vào máy phát diesel.

Để đáp ứng nhu cầu cấp điện cho huyện đảo, ngành điện đã phải bù lỗ hằng năm. Cụ thể, theo ông Trần Thanh Hải, Phó giám đốc Công ty Điện lực Bà Rịa-Vũng Tàu, trong giai đoạn 2015-2020, ngành điện đã bù lỗ cho Côn Đảo chi phí chạy máy phát điện diesel lên đến 446 tỉ đồng; năm 2021, bù lỗ 83,91 tỉ đồng và dự kiến năm 2022 sẽ bù lỗ trên 174 tỉ đồng.

Do phát triển du lịch và lượng người lưu trú trên đảo ngày càng tăng như đã nêu, hệ quả là nhu cầu sử dụng điện ở Côn Đảo ngày càng tăng theo. Trong khi đó, nguồn điện diesel hiện giờ cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu hiện tại.

Thậm chí, ngành điện đã vận động các khu nghỉ dưỡng, khách sạn lớn ở Côn Đảo không chỉ dùng điện mái mặt trời mà còn đầu tư máy phát điện riêng để hỗ trợ thêm nguồn khi phụ tải tăng đột biến hoặc khi máy phát gặp sự cố.

Để đối phó với các vấn đề trước mắt, ngành điện vẫn phải duy tu bảo dưỡng máy phát; đầu tư hạ tầng nhà xưởng, mặt bằng để lắp đặt thêm tổ máy mới nhằm nâng công suất phát điện. EVNSPC cũng lên kế hoạch lắp đặt 6 tổ máy phát 1.500kW tại Nhà máy điện An Hội, chia thành 3 giai đoạn. Tuy nhiên, nguồn điện diesel không phải là lựa chọn tối ưu bởi gây ô nhiễm môi trường trong khi Côn Đảo chủ trương du lịch xanh. Hơn nữa, về lâu dài cũng không thể  nâng thêm công suất do hạn chế mặt bằng. Bên cạnh đó là bài toán kinh tế do tổn thất điện năng cao, chi phí vận hành tốn kém.

Còn về điện mặt trời, Côn Đảo có quy hoạch các dự án điện mặt trời 1, 2, 3 với công suất lần lượt là 5MW, 3MW, 3MW. Côn Đảo không thiếu nắng nhưng việc xây dựng các nhà máy điện mặt trời đòi hỏi diện tích đất lớn. Đây là bài toán lớn do Côn Đảo chỉ có một phần nhỏ là đất ở và đất nông nghiệp, còn chủ yếu là đất rừng phòng hộ, đất rừng tự nhiên. Việc hy sinh đất rừng để đổi lấy mặt bằng cho trang trại điện mặt trời không phải là giải pháp tối ưu. Quan trọng hơn, là vấn đề kỹ thuật khi  nguồn điện mặt trời không ổn định do ảnh hưởng bởi thời tiết và cũng không thể phát điện vào ban đêm.

Điện gió cũng được bổ sung 2 nhà máy Côn Đảo 1, 2 với công suất 7MW. Dự án Điện gió Côn Đảo 1 (4,5 MW) đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Tài Nguyên Xanh. Điện gió không tốn diện tích, phát được ban đêm nhưng chi phí ban đầu lớn. Do chưa thống nhất được giá mua bán điện nên đến nay nhà đầu tư chưa triển khai thực hiện.

Ông Trần Thanh Hải khẳng định: Những hạn chế trên cùng với đặc thù của huyện Côn Đảo là đảo tiền tiêu, cửa ngõ của Biển Đông, có vị trí đặc biệt quan trọng trong bảo vệ quyền, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc... nên việc cấp điện lưới từ đất liền cho Côn Đảo để bảo đảm nguồn điện ổn định nhằm thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội huyện Côn Đảo là cấp thiết và tất yếu, là phương pháp tối ưu.

Đồng thời, khi hệ thống điện lưới quốc gia được đầu tư, sử dụng trên địa bàn huyện Côn Đảo sẽ thống nhất được mức giá bán điện chung toàn hệ thống điện quốc gia; góp phần giảm khí phát thải ra môi trường từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch, giảm ô nhiễm không khí, giảm sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch ngày cạn dần cạn kiệt.

Hồi đầu năm ngoái, GS Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, từng cho biết những đảo gần đất liền thường được kết nối với lưới điện quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng và đảm bảo cung cấp điện cho người dân. Song trước khi triển khai, chúng ta cần so sánh các nguồn cung cấp điện để vừa khai thác được năng lượng sạch, vừa sử dụng nguồn điện quốc gia để đảm bảo điện.

Tuy nhiên, GS Long cũng băn khoăn về lưới điện quốc gia từ đất liền ra đảo thì hơi xa nên cần tính toán thật chi tiết. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước cần tính toán bao nhiêu khách du lịch, bao nhiêu dân bản địa… để tính toán việc kéo lưới điện quốc gia cho hợp lý.

PGS-TS Võ Viết Cường (Khoa Điện - điện tử, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) nhận định: “Chúng ta không thể nào sử dụng 100% các nguồn năng lượng sạch như điện mặt trời hay năng lượng gió mà cần kết hợp hài hòa giữa các nguồn năng lượng này. Trong đó chúng ta cần phải sử dụng điện lưới quốc gia, cần có số liệu đầu tư, tính toán chi tiết và có sự bàn luận, tham vấn của các chuyên gia về ngành điện. Từ đó sẽ đưa ra các phản biện xã hội có chất lượng”, PGS-TS Cường phân tích.

Theo TS Cường, điện mặt trời hay điện gió cũng chỉ là nguồn năng lượng bổ trợ cho lưới điện quốc gia. “Do đó, việc kéo lưới điện ra Côn Đảo là cần thiết và việc đơn vị đầu tư cần làm là tính toán tỷ trọng giữa điện năng lượng tái tạo và lưới điện quốc gia”, PGS-TS Cường nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi điện tại chỗ không thể giải quyết cho bài toán phát triển Côn Đảo