Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay có 3 biện pháp kiềm chế mức tăng của giá xăng dầu như sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu, điều chỉnh các loại thuế phí, thực hiện tốt chính sách an sinh…

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu 3 giải pháp kiềm chế giá xăng dầu tăng

Lam Thanh | 05/06/2022, 09:33

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay có 3 biện pháp kiềm chế mức tăng của giá xăng dầu như sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu, điều chỉnh các loại thuế phí, thực hiện tốt chính sách an sinh…

Trả lời báo chí về giảm thuế, phí để bình ổn giá xăng dầu, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay Bộ Công Thương rất chia sẻ với những khó khăn của người dân và doanh nghiệp sử dụng xăng dầu trong đời sống và sản xuất kinh doanh. Lãnh đạo Chính phủ hết sức quan tâm, thường xuyên chỉ đạo quyết liệt việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu.

Ông Hải cho biết Bộ Công Thương đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính thực hiện nhất quán theo Nghị định 83 và Nghị định 95 sửa đổi một số nội dung của Nghị định 83 trong điều hành giá xăng dầu, nhằm mang lại những thuận lợi nhất trong điều kiện có thể đối với người dân và doanh nghiệp.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, có 3 biện pháp cần lưu ý, tập trung thực hiện nhằm kiềm chế cao nhất mức tăng của giá xăng dầu. Trước hết, cần sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động giá của thế giới, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ việc phục hồi kinh tế.

“Vừa qua giá xăng dầu tăng là khó khăn đối với người dân, doanh nghiệp và cũng là sức ép lớn đối với sự điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, đặc biệt là đối với chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Giá bình quân một số mặt hàng xăng, dầu thế giới tại thị trường Singapore từ đầu năm đến 1.6 tăng 45,6-63,68%. Tuy nhiên, nhờ sử dụng linh hoạt, hợp lý những công cụ bình ổn giá suốt thời gian vừa qua, giá xăng dầu trong nước chỉ tăng 27,29-47,89%. Như vậy rõ ràng mức tăng của chúng ta thấp hơn mức tăng của thế giới”, ông Hải nêu.

Biện pháp thứ hai là phải điều chỉnh các loại thuế, phí trong cơ cấu xăng dầu. Ví dụ, hiện nay có thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu. Vừa qua, Bộ Công Thương đã đề xuất, kiến nghị và Bộ Tài chính cũng đã báo cáo Chính phủ. Ngày 23.3.2022, Ủy ban TVQH đã ban hành Nghị quyết 18 về giảm mức thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn 50% và giảm 70% mức thuế bảo vệ môi trường với dầu hỏa từ ngày 1.4.2022, có hiệu lực đến hết năm nay.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục rà soát trong phạm vi cho phép để giảm tiếp các thuế có liên quan đến cơ cấu giá xăng, dầu”, ông Hải nói.

Biện pháp thứ ba, Bộ Công Thương có quan điểm là giá xăng,dầu muốn giảm được mức tăng không phải chỉ có riêng Bộ Công Thương và Bộ Tài chính mà đây còn là trách nhiệm của Chính phủ và của các bộ, ngành khác. Vì vậy, cần hướng tới đề xuất những chính sách an sinh cho người dân, hướng đến những đối tượng người nghèo, hộ chính sách… và phải tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp trong bối cảnh xăng dầu tăng như hiện nay.

hai.jpg
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết các chính sách thuế đang áp dụng với xăng dầu hiện nay gồm: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng. Các sắc thuế này đảm bảo phù hợp với các thông lệ chung trên thế giới.

Trung bình các nước trên thế giới tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu chiếm khoảng 45-60% (trừ các nước có trữ lượng dầu mỏ lớn). Tại Việt Nam, sau khi có chính sách về giảm thuế, tỉ trọng thuế với xăng khoảng 29-31%, còn đối với dầu diesel khoảng 13,3%. Thuế và lệ phí không quy định thu trên xăng dầu. Như vậy, có thể thấy thuế với xăng dầu của Việt Nam ở mức trung bình thấp so với thế giới.

“Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao thời gian vừa qua do các nước đang trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch và xung đột Nga - Ukraine, đây là vấn đề nóng trong nước và cả trên thế giới. Những người làm quản lý giá chúng tôi cũng rất lo lắng giá tăng sẽ ảnh hưởng đến chỉ số CPI, đây là thách thức lớn trong năm 2022”, ông Tuấn nói.

Về thuế bảo vệ môi trường, theo đại diện Bộ Tài chính, trong năm 2021-2022, để hỗ trợ các hãng hàng không phục hồi đã giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay. Bộ Tài chính cũng đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn có mức giảm 50-70% để hỗ trợ giảm giá xăng dầu.

“Hiện tại, trong bối cảnh giá xăng dầu lên cao, ngày 21.4 Bộ Tài chính đã xin ý kiến các bộ, ngành báo cáo Chính phủ về biểu thế xuất nhập khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, trong đó có đề xuất điều chỉnh giảm thuế suất nhập khẩu ưu đãi với xăng từ 20% xuống 12% nhằm đa dạng hoá các nguồn cung xăng dầu”, ông Tuấn nói.

Còn thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng, ông Tuấn cho biết không có quy định về việc miễn giảm thuế đối với hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Mặt khác, thuế tiêu thụ đặc biệt của Việt Nam hiện nay với mặt hàng xăng cũng đang ở mức thấp trên thế giới.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu 3 giải pháp kiềm chế giá xăng dầu tăng