Giá trị lớn nhất của văn hoá không phải là nguyên tắc mà là sự cởi mở và bao dung.
Những nụ hôn ‘đi vào lịch sử’
Trên thế giới có nhiều hình ảnh nụ hôn nổi tiếng như bức tượng Mùa Xuân vĩnh cửu của Rodin hay tấm ảnh người lính đồng minh hôn cô gái Pháp ngày giải phóng... Nhưng nụ hôn dậy sóng thời gian gần đây lại là của cụ GS Vũ Khiêu gần trăm tuổi với hoa hậu Kỳ Duyên. Người nhẹ nhất cũng chê phản cảm còn vô khối người dùng những lời nặng nề hơn. Một số người lấy tấm ảnh TT Obama ôm hôn cô nữ y tá gốc Việt để cám ơn sự đóng góp của cô trong chiến dịch chống bệnh dịch Ebola làm ví dụ về cách hôn chuẩn mực.
Thực ra, Phương Đông và Phương Tây quan niệm khác nhau về chuyện này. Với người Phương Tây, nụ hôn có thể mang hai ý nghĩa, nụ hôn trong tình ái hay như một hình thức chào hỏi giao tiếp, bên cạnh bắt tay, cúi chào, chạm mũi. Trong các chuyện tình cổ điển của phương Tây cũng không bàn nhiều đến hôn. Nụ hôn tình ái từng được người Mỹ gọi là "nụ hôn kiểu Pháp". Cho đến những năm 60 của thế kỷ trước, nụ hôn này vẫn bị cấm đưa lên màn ảnh vì bị cho là không đứng đắn.
Nụ hôn đầu tiên được nói đến trên phim ảnh có lẽ là giữa Clark Gable với Vivian Leight trong "Cuốn theo chiều gió". Nhưng thực tế khi phóng viên hỏi Clark Gable nghĩ gì khi hôn say đắm một mỹ nhân như vậy trước ống kính bao người, chàng tài tử thản nhiên: "Tôi chỉ nghĩ đến việc thưởng thức một đĩa bít tết tái thật thơm ngon", tức là dù chàng còn trẻ và Vivian Leight đẹp lộng lẫy nhưng chàng phải nghĩ đến món ăn ưa thích để tạo cảm hứng!
Phương Tây đã vậy, phương Đông còn tệ hơn vì không có truyền thống về hôn. Trong tất cả các chuyện tình từ xưa truyền lại, thậm chí cả Karmasutra cũng không nhắc gì đến nụ hôn. Hành vi tình ái cao nhất được ghi lại hồi ấy chỉ là cầm tay nhau.
Tư tưởng ấy đã ăn sâu bén rễ trong người Việt Nam đến mức trong thời Âu hoá những năm 1930 - 1945 văn học lãng mạn VN cũng tránh né. Cụ Phan Khôi với bài "Tình già" cũng chỉ đề hai người tình "nhìn nhau, con mắt còn có đuôi". Phim ảnh sau 1954 cho đến những năm 90 cũng chỉ để nhân vật ôm nhau, gục đầu vào vai nhau.
Sự va đập hai nền văn hóa
Từng có những người Phương Tây ngạc nhiên về văn hoá Việt khi "Đái đường (chuyện đáng ra rất xấu hổ) thì ngang nhiên còn hôn nhau (cử chỉ đẹp) lại giấu diếm". Và với đại đa số người Việt, hôn là biểu hiện của tình yêu gắn liền với tình dục, chỉ dành cho người yêu, vợ chồng, thậm chí bố mẹ, con cái đã lớn cũng không hôn nhau, mà không hề biết ở nhiều quốc gia khác, hôn chỉ là cách chào hỏi trong giao tiếp.
Tôi đã từng chứng kiến hai người Tây Ban Nha và Italia ôm hôn, lắc tay, rồi nói chuyện hàng tràng, cứ tưởng là bạn cũ gặp lại hoá ra gặp lần đầu! Nhưng thực ra trừ bắt tay, còn lại họ hiếm khi thực sự chạm vào nhau. Tất nhiên khi đã thân thiết họ có thể ôm hôn thật nhưng chỉ là hôn má. Còn hôn môi chỉ giành cho các đôi yêu nhau và có thể thấy rất nhiều trên phố.
Người Nam Âu rất thoải mái, chủ nhà thường ôm hôn khách để chào đón nên phụ nữ cũng có thể chủ động ôm hôn nam giới.
Nhưng việc hiểu nhầm việc ôm hôn để chào hỏi, thể hiện tình thân ái rất phổ biến trong người châu Á. Những năm 80 ở Đông Âu tôi từng nghe nhiều nam lao động VN khoe bà nọ cô kia mê mình vì khi tặng quà kiểu vòng ốc hay áo phông được các cô ôm hôn mà không biết đó là cử chỉ cám ơn. Thậm chí nhiều chàng sỗ sàng lấn tới bị từ chối hoặc chứng kiến những phụ nữ ấy ôm hôn người khác như vậy thì lại bỉ bai họ là "dâm", "hư hỏng"... Không biết tiếng, mù thông tin lại ôm một bụng thành kiến "khinh Tây" và tâm lý coi thường phụ nữ đã dẫn họ đến những hiểu lầm tai hại, ứng xử xấu mặt người Việt.
Những người bạn từng công tác Thuỵ Điển, Australia... kể là trong sách hướng dẫn nhập cư cho người Việt phải viết rõ "Hôn không phải hành vi mời gọi tình ái" nhưng suy nghĩ đã ăn sâu bén rễ hàng ngàn năm trong ý thức người Việt, rất khó một sớm một chiều thay đổi.
Do tập quán người Việt ít dùng ngôn ngữ cơ thể, hạn chế tiếp xúc cơ thể với người khác giới nên khi mới học thường làm sai cách, dễ thành không tế nhị.
Những cử chỉ rất thông thường trên thế giới có thể trở thành thiếu tế nhị, gây khó xử, khó chịu ở VN. Đơn cử như ở các nước xứ lạnh, nam giới thường giúp phụ nữ bỏ áo khoác khi vào phòng. Người nam thường đứng phía sau đợi khi cô ta cởi áo qua khỏi vai thì đỡ lấy đem treo, không hề động chạm hoặc gây khó chịu. Nhưng hễ nam giới Việt làm thì do vụng về, anh ta thường nắm lấy cổ áo khoác quá sớm nên trông như lột áo ra, làm chị em e ngại.
Vì vậy, phụ nữ Việt khi nói chuyện với nhau thường bảo chúng tôi sẵn sàng để nam giới phương Tây giúp bỏ áo hay ôm hôn trong bối cảnh phù hợp vì biết họ thông thạo và hoàn toàn vô tư nhưng e ngại đàn ông Việt vì không chắc họ rành điều ấy. Có lẽ đấy cũng là một trong các lý do vì sao tấm ảnh cụ Vũ Khiêu hôn má Kỳ Duyên lại tốn nhiều giấy mực. Nó xa lạ với văn hoá Việt và hoàn toàn khác với chuẩn mực Phương Tây mà chúng ta dễ dàng quan sát trên phim ảnh.
Người Việt rất ít hiểu biết về thế giới bên ngoài, lại mang tâm lý nghi kỵ phương Tây nên có những ứng xử kỳ cục. Chắc ai cũng từng nghe chuyện một số phụ nữ Việt khi bạn bè/đối tác ôm hôn chào đón lại hoảng hốt đẩy ra. Nếu không có những bàn tán công khai thế này, chắc nhiều người vẫn còn mơ hồ về những hành vi giao tiếp cơ bản ấy.
Thời mở cửa, nếu muốn thực hiện slogan "Việt Nam muốn là bạn với cả thế giới", chúng ta cần học những phép giao tiếp ứng xử với bên ngoài, không thể chỉ khư khư giữ "đất lề quê thói". Đặc biệt với những người làm ngoại giao hay kinh doanh, những kiến thức này càng cần thiết vì một cử chỉ sai lầm nhẹ cũng có thể làm mất một thương vụ giá trị.
Công luận có thể bàn tán, góp ý nhưng không nên quy kết quá nặng nề, bởi càng gia tăng mối e ngại thì sự kém cỏi trong thực hành của người Việt sẽ càng kéo dài.
Hãy nhớ giá trị lớn nhất của văn hoá không phải là nguyên tắc mà là sự cởi mở và bao dung. Cần đóng góp để văn hoá Việt ngày càng văn minh và bao dung hơn!
Nguyễn Hoàng Ánh (Tuần Việt Nam)