Là con người ai không sợ chết, dù lì lợm như Điền Thái Minh nhưng cũng phải run chân khi đối diện với cái chết treo lơ lửng trên đầu không biết sập xuống bất cứ lúc nào ngay trận tuyến khốc liệt trước mặt. Và lúc đó Điền Thái Minh mới thật sự hối hận nhận ra sai lầm nông nổi của tuổi thanh niên bốc đồng, nhìn thấy “đồng đội” lần lượt ngã xuống, không chết vì bị “nướng” trong bom đạn, cũng chết vì hút chích ma túy. Đức 'Mông Cổ' tướng cướp và tài tử điện ảnh
Điền Khắc Minh quyết định tự cứu lấy mình bằng cách đào ngũ, anh bỏ đơn vị, liều mình băng rừng ra đường QL đón xe đò trốn về Sài Gòn.
Phất cờ giành lãnh địa
Lúc bấy giờ khu vực cầu Hiệp Ân, bến Nguyễn Duy đã mọc lên đầy rẫy các loại tệ nạn xã hội: các sòng bài, động mãi dâm, hút chích ma túy, cho vay nặng lãi, các snack bar và lẽ tất nhiên không thiếu những tay giang hồ cộm cán “ăn theo” làm nhiệm vụ bảo kê lấy tiền xâu thâu tiền tháng. Điền Thái Minh sẵn máu giang hồ, giờ có thêm máu liều của lính TQLC nên muốn “phất cờ” giành lãnh địa. Thế là, với bộ đồ rằn ri, gương mặt rổ hoa hầm hố, súng lận lưng và dao lê Mỹ giắt dưới ống giày “bốt đờ sô”, Điền Thái Minh hàng ngày đi… giành lãnh địa và lấy”số má”.
Tướng Điền Thái Minh cao lớn dềnh dàng, mặc đồ rằn ri TQLC, “hàng nóng, hàng nguội” đầy đủ chơi keo nào là thắng keo đó, lấy số tay anh chị nào mà không để lại ấn tượng mới lạ. Chỉ trong thời gian ngắn, Điền Thái Minh đã trở thành một “đại ca” giang hồ lừng lững đẳng cấp, dưới trướng có nhiều đàn em toàn những sát thủ không run tay.
Nhờ quyền lực thế giới ngầm Điền Thái Minh rủng rỉnh tiền bạc, cai quản cả một “giang sơn” màu mỡ từ Q8 ra tới Nhà Bè (Q7 ngày nay) nhất là khu vực cầu Hàn (gần cầu Tân Thuận) Điền Thái Minh là một ông “vua con”, chỉ cần búng tay, gái giang hồ chạy tới vây quanh như ruồi, sẵn sàng phục vụ “đại ca” không dám lấy “công”. Chính giai đoạn này Điền Thái Minh đã “tao ngộ” với tướng cướp Điềm Khắc Kim khi tên cướp lừng lẫy này trốn truy nã của cảnh sát chế độ cũ về đây lánh nạn.
Mẹ của Điền Thái Minh dù rất nghèo, rất thương con nhưng biết được những việc làm của đứa con trai hư hỏng bà không chấp nhận, nhiều lần Điền Thái Minh mang tiền về đưa bà kiên quyết không lấy, dù một đồng mà nhiều đêm ngồi bên ánh đèn dầu leo lét trong căn nhà tồi tàn bà đã khóc hết nước mắt vì đứa con hư hỏng. Chính điều này đã khiến Điền Thái Minh ray rứt cả cuộc đời và tất nhiên đã tác động rất lờn tới ý nghĩ hoàn lương sau này của một tướng cướp đâm thuê chém mướn không hề run tay hay bận tâm về đối thủ mà mình thanh toán.
Tội nghiệp cho bà cụ nghèo, giận con mà không làm gì được, mẹ của Điền Thái Minh đã chết vào năm 1990 trong căn nhà xơ xác và với bộ quần áo không lành lặn. Hình ảnh này đã làm Điền Thái Minh càng quyết tâm rửa tay gác kiếm làm một người lương thiện để “trả hiếu cho mẹ” theo cách nói của một tay giang hồ. Nhưng chuyện đó là về sau này, khi Sài Gòn giải phóng.
Rửa tay gác kiếm
Trước đó, vào năm 1972, một đêm mọi người đang vui vẻ đón Tết. Điền Thái Minh đang ngồi nhậu đón xuân với đám đàn em dưới trướng ở xóm lò heo Chánh Hưng thì bất ngờ có một đoàn xe quân cảnh đông 15 chiếc hú còi chạy như bay vào xóm, cả trăm lính quân cảnh từ trên các xe nhảy xuống, súng M16 lăm lăm trong tay mở cuộc vây ráp bắt giang hồ, đào binh, trốn quân dịch...
Điền Thái Minh cũng bị tóm và vì là đào binh nên bị trả ngay về đơn vị cũ: Tiểu đoàn 3 TQLC đóng ở Quảng Trị. Trở lại đơn vị “chết chóc” này Điền Thái Minh lại tìm cách trốn thoát, không phải đào ngũ như lần trước mà tìm lấy cơ hội để được loại ngũ. Một đêm, đang đứng gác ở chốt, mưa rừng lạnh cắt da, nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ dồn đến không ngăn nổi Điền Thái Minh quyết định tự gây ra thương tật để được loại ngũ. Anh ghìm mũi súng AR15 xuống bàn chân trái rồi bặm môi siết cò.
Điền Thái Minh thừa biết rằng với cách tự hủy hoại thân thể để tìm cơ hội được loại ngũ mà bị phát hiện đối với quân nhân chế độ cũ là bị ra tòa án binh và bị xử tội rất nặng, chí ít cũng lãnh 10 năm tù ngồi quân lao. Nhưng thật may mắn cho anh ta đã gặp một Trung úy Quân y tốt bụng, vị bác sĩ này nhìn vết thương là biết ngay gã binh nhì gác chốt tiền tiêu này đã tự bắn vào bàn chân mình, một cách tự gây thương tật để được loại ngũ hợp pháp của binh lính chế độ cũ. Điền Thái Minh không còn cách nào khác đành phải thú nhận việc tự bắn vào bàn chân mình với lý do là quá căm ghét cuộc chiến tranh vô nghĩa, sợ chết chóc, thương mẹ già một mình sống trong hoàn cảnh khó khăn, nghèo khổ.
Có lẽ khi đó Điền Thái Minh đã bộc phát khả năng “diễn xuất” và đột xuất nhập vai diễn rất hay nên vị Trung úy Quân y đã mũi lòng “ngó lơ” xem như gã binh nhì này bị thương do chiến tranh nên ký tên, đóng dấu vào hồ sơ, xác nhân Điền Thái Minh bị “thương trận”. Nhận sự chứng nhận này mà Điền Thái Minh thoát tội tù, được đưa về bệnh viện dã chiến ở Bình Dương điều trị và khi vết thương vừa lành, được ra viện cũng là lúc anh ta cầm trên tay “Lệnh xuất ngũ” vì không còn đủ sức khỏe phục vụ trong quận đội. Một cuộc đào thoát tuy đau đớn nhưng lại khá… an toàn.
(còn tiếp)
Từ Kế Tường