Một mối quan hệ sẽ trở nên nhạt nhẽo hoặc đang chết dần chết mòn khi chúng ta không thể ‘đối thoại’ cùng nhau.
Đối thoại là gì mà quan trọng như thế? Tiến sĩ Norman Wright, trong một bài học dành cho các bạn trẻ sắp lập gia đình, đã định nghĩa đối thoại như sau: Đối thoại là một tiến trình qua đó ta bày tỏ chính mình bằng lời nói, thái độ và cử chỉ, để người nghe có thể tiếp nhận và hiểu những điều ta bày tỏ.
Nói một cách khác, đối thoại là dùng lời nói và cử chỉ, chia sẻ tư tưởng, cảm xúc của ta một cách rõ ràng để người kia có thể hiểu được. Trong hôn nhân, sở dĩ có những lúc vợ chồng giận nhau hay hiểu lầm nhau không những vì chúng ta không thể nói lên những điều cần nói, mà cũng có khi vì không có ai lắng nghe.
Lúc mới yêu nhau chúng ta có thể ngồi hàng giờ nghe nhau nói, luyên thuyên từ chuyện con kiến đến cái cúc áo người kia vẫn hồ hởi lắng nghe đến vui vẻ, đơn giản qua những câu chuyện đó chúng ta hiểu về nhau hơn, hiểu về tính cách nhau hơn.
Một vị giáo sư nọ, vì thấy rõ tầm quan trọng của đối thoại trong hôn nhân nên đã nói: Nếu tôi có cơ hội khuyên những đôi vợ chồng sắp cưới chỉ một lời mà thôi, thì tôi sẽ khuyên điều sau đây, đó là để có một hôn nhân hạnh phúc bền lâu, bằng mọi giá, vợ chồng phải giữ cho đường dây đối thoại với nhau.
Tôi có một chị bạn, chị kết hôn khoảng 5 năm và đã có cậu con trai 3 tuổi. Hạnh phúc tràn ngập bởi cuộc hôn nhân viên mãn đó được kết tinh từ tình yêu. Chị kể với tôi, chị kết hôn với anh bởi anh là người biết lắng nghe và chia sẻ tất tần tật mọi chuyện với chị bởi chị sinh ra trong một gia đình với quá nhiều những rối rắm, và anh luôn là người lắng nghe và gỡ rối cho chị. Nhưng không hiểu sao bây giờ chị với anh không thể trò chuyện được nữa.
Khi có lần chị cố gắng nói chuyện với chồng, anh ấy đều tỏ thái độ không hợp tác. Chị hỏi anh ấy có chuyện gì vậy, anh ấy sẽ nói "chẳng có chuyện gì". Và bất cứ khi nào có vấn đề, anh ấy sẽ tìm đến nói chuyện với bạn bè, với mẹ của anh ấy trước, chứ không phải là với chị… Và những lúc chị biết như vậy, chị đều rất giận. Chị chọn cách im lặng. Anh cũng im lặng. Hai người cứ chiến tranh lạnh liên miên ngày này qua ngày khác. Chị nói cứ đà này chắc chị phải ly hôn thôi, đầu óc chị rất nặng nề, không tập trung làm gì được.
Qua thực tế đó cho thấy, mâu thuẫn vợ chồng khi không giải quyết được sẽ là mối hiểm họa cho cuộc hôn nhân. Rất nhiều cuộc ly hôn xảy ra chỉ vì vợ chồng không thể chia sẻ với nhau những vấn đề trong cuộc sống.
Khi vợ chồng không tìm được tiếng nói chung, bầu không khí gia đình trở nên tẻ nhạt. Về mặt tâm lý, mỗi người sẽ tự co vào thế giới riêng. Mục tiêu cùng vun đắp hạnh phúc gia đình không còn nữa.
Nhu cầu chia sẻ của mỗi người là tất yếu. Khi không được đáp ứng nhu cầu này, họ rất dễ đi tìm đối tượng khác. Đó có thể là bạn bè, đồng nghiệp, người thân… Dần dần, vai trò của người vợ/chồng biến mất. Hậu quả là nếu không có anh/em, tôi vẫn sống tốt đấy thôi!
Một trường hợp khác mà tôi biết, vợ là một giáo viên, chồng là đạo diễn. Chồng thì thích đi đây đi đó, sống hướng ngoại, quan tâm đến các vấn đề chính trị xã hội, vợ thì ngoài công việc đi dạy chỉ muốn ở nhà chăm sóc khu vườn, con cái… Hai vợ chồng không tìm được tiếng nói chung ở những vấn đề cùng quan tâm, đặc biệt người vợ không bao giờ thích đi du lịch… Dần dà họ không nói chuyện cùng nhau. Mỗi người sống mỗi thế giới mà họ cho là ‘ổn’. Anh chồng trong những chuyến du lịch gặp được người gọi là ‘một nửa của đời mình’ và chuyện ngoại tình xảy ra.
Hai người họ giờ cũng như ly thân mặc dù vẫn ở với nhau kiểu ‘giường anh, anh ngủ. Hồn anh, anh giữ”.
Một trong những nguyên nhân của các vụ ngoại tình là do vợ hoặc chồng cần tìm người chia sẻ. Người thứ ba để thay thế vai trò của chồng/vợ nên dẫn đến tình trạng “lửa gần rơm, lâu ngày cũng bén”. Và nguy cơ một cuộc hôn nhân tan vỡ hoàn toàn có thể xảy ra.
Để có sự đồng điệu của hai tâm hồn, bạn và chồng nên chấp nhận nhau. Mỗi người cần bỏ bớt cái tôi của mình, phải biết lắng nghe, quan tâm và tìm hiểu đối phương. Việc lắng nghe phải xuất phát từ tình cảm chứ không phải hình thức.
Ngoài ra, bạn và chàng cũng có thể tìm tiếng nói chung trong việc nuôi dạy con cái.
Bên cạnh đó, cuộc sống của mỗi người đều gắn liền với công việc. Những căng thẳng, áp lực của cuộc sống phần lớn nảy sinh từ công việc. Vì thế, bạn nên cố gắng tìm hiểu công việc của chồng/vợ, gặp gỡ, giao lưu với bạn bè của đối phương. Một khi hiểu được công việc của người bạn đời, bạn sẽ dễ dàng thông cảm hơn.
Tịnh Thu