Báo New York Times ngày 11.9 ghi nhận mặc dù chưa có cuộc khảo sát nào đáng tin cậy, các công tố viên của tòa án xét xử tội ác Khmer Đỏ (do Liên Hợp Quốc bảo trợ) ở Campuchia ước tính có đến hàng trăm ngàn người bị cưỡng bức hôn nhân dưới chế độ diệt chủng Khmer Đỏ (1975-1979).

Khmer Đỏ đã bào chữa như thế nào?

17/09/2016, 05:48

Báo New York Times ngày 11.9 ghi nhận mặc dù chưa có cuộc khảo sát nào đáng tin cậy, các công tố viên của tòa án xét xử tội ác Khmer Đỏ (do Liên Hợp Quốc bảo trợ) ở Campuchia ước tính có đến hàng trăm ngàn người bị cưỡng bức hôn nhân dưới chế độ diệt chủng Khmer Đỏ (1975-1979).

Nuon Chea trong phiên tòa xét xử tội ác Khmer Đỏ - Ảnh: ECCC

Chính sách của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ là gia tăng dân số. Trong một xã hội có truyền thống hôn nhân sắp đặt như Campuchia, chế độ Khmer Đỏ đã giữ vai trò “quyền huynh thế phụ” trong cưỡng bức hôn nhân nhằm thực hiện kế hoạch không tưởng cải biến lại một đất nước Campuchia khác.

Đổ thừa cho các cán bộ Khmer cấp địa phương

Đến giờ còn hai lãnh đạo Khmer Đỏ còn sống là Khieu Samphan 85 tuổi và Nuon Chea 90 tuổi. Khieu Samphan giữ chức chủ tịch Hội đồng Nhà nước Campuchia Dân chủ (nhân vật quyền lực thứ 5 của Khmer Đỏ) còn Nuon Chea (“anh thứ 2”, chủ tịch Quốc hội của Khmer Đỏ) được xem là nhà tư tưởng hàng đầu của chế độ Khmer Đỏ.

Khieu Samphan trong phiên tòa xét xử - Ảnh: ECCC

Các luật sư của Khieu Samphan và Nuon Chea cho rằng các quy định hôn nhân vốn dĩ đã mang tính ép buộc ở Campuchia. Họ chưa đưa ra các trường hợp hay luận cứ nào để chứng minh, tuy nhiên ít nhất một luật sư đã nói rằng các cuộc hôn nhân Khmer Đỏ đơn giản chỉ là một biến thể phổ biến, một kiểu hôn nhân sắp đặt truyền thống mà thôi.

Và theo nhóm luật sư này, bất cứ hành vi ép buộc hay lạm dụng tình dục nào xảy ra cũng xuất phát từ các cán bộ Khmer cấp địa phương quyết định chứ không phải chính sách của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ.

Năm 2014, Khieu Samphan và Nuon Chea bị kết án tù chung thân. Phần lớn tội danh là do các tội ác trong suốt quá trình lãnh đạo chế độ, ép buộc người dân từ thành thị ra các vùng nông thôn làm việc.

Bản án bị kháng cáo. Tòa án xét xử tội ác Khmer Đỏ đã chuyển hướng sang các tội ác xảy ra trong các trung tâm giam giữ và các trại cải tạo lao động đồng thời tội ác đối với hai nhóm dân tộc thiểu số.

Khmer Đỏ muốn phá vỡ tập tục hôn nhân truyền thống

Tội cưỡng bức hôn nhân được đưa ra rất trễ trong bản cáo trạng do thái độ kiên định của các luật sư của các nạn nhân cũng như các nhóm bảo vệ quyền lợi phụ nữ. Nỗ lực ấy đã khiến bạo lực và lạm dụng tình dục được nhìn nhận và chú ý hơn căn cứ luật hình sự quốc tế.

Tòa án cũng chú ý đến bằng chứng về tác động của chính sách Khmer Đỏ đối với nam giới như trường hợp người đàn ông mang bí danh 2-TCCP-232 bị cưỡng bức kết hôn với người phụ nữ khác thay vì với hôn thê của ông.

Nhân chứng Khouy Muoy (trái) khai trước tòa tại Phnom Penh ngày 1.3.2016 - Ảnh: ECCC

Một số học giả cho rằng các quy định hôn nhân của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ được soạn thảo để tấn công hệ thống tín ngưỡng truyền thống của người Campuchia.

Peg LeVine, nhà nhân chủng học y khoa kiêm nghiên cứu sinh tại Trung tâm nghiên cứu tội ác diệt chủng cấp cao thuộc Quỹ Tội ác diệt chủng Do Thái (Đại học Nam California), ghi nhận các quy định hôn nhân của Khmer Đỏ đã “phá vỡ, bóp méo và làm xói mòn các lễ nghi xa xưa mà người Campuchia đã duy trì từ bao đời nay để xoa dịu thế giới tâm linh của họ”.

Tuy nhiên, luật sư Anta Guissé đại diện của Khieu Samphan, cho rằng các quy định của chế độ Khmer Đỏ có yêu cầu rõ ràng cô dâu, chú rể và cộng đồng phải đồng ý thì hôn nhân mới được tiến hành. Luật sư Anta Guissé đánh giá: “Sự đa dạng trong cách thức thực hiện đám cưới ở các vùng miền khác nhau là một dấu hiệu chứng minh điều đó”.

Trong khi đó, Liv Sovanna, một trong những luật sư của Nuon Chea, đã tìm cách khắc họa hành vi lạm dụng tình dục như một kiểu vi phạm chính sách nhà nước chứ không phải là hệ quả của chính sách ấy.

Tại tòa án xét xử tội ác Khmer Đỏ, luật sư Liv Sovanna lập luận rằng Khmer Đỏ đã quy định cách ứng xử hết sức nghiêm ngặt đối với các cán bộ. Ông đọc nội dung điều khoản tên Mã 6 lên án hành vi vô đạo đức và khẳng định “Đừng lấy đi quyền tự do của phụ nữ”.

Luật sư Anta Guissé đại diện của Khieu Samphan - Ảnh ECCC

“Hành thiện để kiếp sau ở bên nhau”

Năm 2014, tổ chức Tâm lý xã hội xuyên văn hóa (một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ các vấn đề tâm lý cho các nạn nhân Khmer Đỏ), đã phỏng vấn 106 nạn nhân chính thức tham gia tố tụng tại tòa án xét xử tội ác Khmer Đỏ. Hầu hết đều cho biết họ đã ít nhất một lần từ chối đám cưới do Khmer Đỏ chỉ định, nhưng gần như tất cả họ cuối cùng cũng phải chấp nhận kết hôn sau khi bị đe dọa đến tính mạng.

Khoảng một nửa số người được hỏi cho biết họ vẫn đang sống với “người bạn đời được Khmer Đỏ chỉ định” vì họ cảm nhận được sự đồng cảm và cảm thông từ người bạn đời bất đắc dĩ. Một số cặp vợ chồng đã tổ chức lại đám cưới với đầy đủ các nghi thức Phật giáo truyền thống.

Người đàn ông mang bí danh 2-TCCP-232 bị buộc kết hôn với một người phụ nữ mà ông chưa từng biết mặt cũng vẫn chung sống với người vợ này sau khi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ sụp đổ. Nhưng dĩ nhiên ông chẳng thể quên được mối tình đầu của mình.

Kể lại trước tòa án xét xử tội ác Khmer Đỏ về cuộc gặp gỡ của ông với vị hôn thê sau khi mọi chuyện đã an bài, ông nói: “Tôi nắm tay cô ấy. Chúng tôi ôm chặt nhau. Chúng tôi khóc và nói với nhau rằng kiếp này chúng tôi cần làm điều thiện. Có thể những việc làm xấu xa trong kiếp trước đã đẩy chúng tôi xa nhau. Nếu kiếp này chúng tôi hành thiện, có lẽ một lúc nào đó chúng tôi có thể bên nhau, không còn chia lìa nữa”.

Khánh Nguyên (theo New York Times)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quy định siết việc phân lô bán nền: Hiểu sao cho đúng?
Ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6 cho rằng quy định hạn chế phân lô bán nền chỉ áp dụng đối với dự án bất động sản, không áp dụng với đất cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu tách thửa với mục đích cho/tặng, thừa kế, chuyển nhượng cho người khác.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khmer Đỏ đã bào chữa như thế nào?