Bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc với xe cơ giới được cho là sẽ đem lại nhiều quyền lợi cho người tham gia giao thông. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng khó nhận được bồi thường từ loại bảo hiểm này vì không chỉ thủ tục, điều kiện phức tạp mà đa số người dân vẫn chưa hiểu và để ý nhiều về khoản bồi thường này.

Khó nhận được bồi thường từ bảo hiểm xe máy

22/05/2020, 09:48

Bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc với xe cơ giới được cho là sẽ đem lại nhiều quyền lợi cho người tham gia giao thông. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng khó nhận được bồi thường từ loại bảo hiểm này vì không chỉ thủ tục, điều kiện phức tạp mà đa số người dân vẫn chưa hiểu và để ý nhiều về khoản bồi thường này.

Người tham gia bảo hiểm cho rằng khó nhận được bồi thường từ bảo hiểm bắt buộc với xe cơ giới - Ảnh: T.N

Người tham gia bảo hiểm "nản lòng" vì chính sách bồi thường

Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự xe cơ giới (bảo hiểm bắt buộc) được xem là điều kiện cần thiết để tránh bị cảnh sát giao thông xử phạt. Vì vậy, bất kỳ ai tham gia giao thông cũng phải có loại bảo hiểm này, tuy nhiên một thực tế hiện nay là người dân chỉ đem theo loại bảo hiểm này để "chống chế" cảnh sát giao thông, chứ chưa thực sự hiểu về việc được bồi thường thế nào.

Hơn thế nữa, chính vì không hiểu, nên còn khá nhiều người nhầm lẫn giữa bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới và bảo hiểm tai nạn người ngồi trên xe (bảo hiểm tự nguyện). Đó là lý do vì sao có việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới với giá 20.000 đồng.

Với bảo hiểm bắt buộc, theo Điều 9 Nghị định 22/2016/TT-BTC, số tiền tối đa doanh nghiệp bảo hiểm có thể phải trả đối với thiệt hại về người do xe cơ giới gây ra là 100 triệu đồng/1 người/1 vụ tai nạn. Đối với thiệt hại về tài sản do xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe cơ giới tương tự (kể cả xe cơ giới dùng cho người tàn tật) gây ra là 50 triệu đồng/1 vụ tai nạn. Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường trong vòng 15 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ của chủ xe.

Tuy nhiên, việc bồi thường cũng tùy thuộc vào từng trường hợp. Doanh nghiệp bảo hiểm không bồi thường thiệt hại với các trường hợp: Hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe, lái xe, hoặc của người bị thiệt hại; Lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy không thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe, lái xe cơ giới; Lái xe không có Giấy phép lái xe hoặc Giấy phép lái xe không phù hợp đối với loại xe cơ giới bắt buộc phải có Giấy phép lái xe; Thiệt hại gây ra hậu quả gián tiếp như: giảm giá trị thương mại, thiệt hại gắn liền với việc sử dụng và khai thác tài sản bị thiệt hại; Thiệt hại đối với tài sản bị mất cắp hoặc bị cướp trong tai nạn; Chiến tranh, khủng bố, động đất; Thiệt hại đối với tài sản đặc biệt bao gồm: vàng, bạc, đá quý, tiền, các loại giấy tờ có giá trị như tiền, đồ cổ, tranh ảnh quý hiếm, thi hài, hài cốt...

Với bảo hiểm xe máy bắt buộc thì tất cả thiệt hại về thân thể của bên thứ 3 đều được công ty bảo hiểm bồi thường dù nạn nhân có lỗi hay không. Còn bên gây tai nạn bị thiệt hại về người và tài sản sẽ không được bảo hiểm.

Đáng nói, để nhận được bồi thường từ loại bảo hiểm này, người dân cũng chuẩn bị hàng loạt yêu cầu bắt buộc như: Mẫu đơn yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm hoàn chỉnh, có chữ ký hợp lệ; các hóa đơn y tế gốc cùng với chi tiết về các chi phí y tế phát sinh; các giấy chứng nhận y tế liên quan tới việc điều trị/nhập viện; biên bản báo cáo chính thức về vụ tai nạn, tức là biên bản tai nạn, biên bản của cảnh sát có xác nhận của cảnh sát, trạm cảnh sát hoặc cơ quan chức trách địa phương có liên quan tại hiện trường vụ tai nạn; bản sao giấy chứng tử (nếu khiếu nại liên quan tới bất kỳ thương vong nào); chứng từ chứng minh mối quan hệ của bên thụ hưởng/xác nhận quyền thừa kế hợp pháp (nếu khiếu nại liên quan tới bất kỳ thương vong nào).

Trong đó, mục biên bản báo cáo chính thức về vụ tai nạn được cho là khó khăn nhất khiến nhiều người tham gia bảo hiểm nản lòng, từ bỏ yêu cầu được giải quyết bảo hiểm. Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Công ty Luật Basico cho biết khi tai nạn xảy ra, việc chủ phương tiện nhận được bồi thường từ công ty bảo hiểm gặp nhiều khó khăn hoặc tỷ lệ chi trả thấp.

Doanh nghiệp bảo hiểm: Thu nhiều, chi ít

Trong khi đó, doanh thu hàng năm từ lĩnh vực bảo hiểm xe cơ giới (ôtô, xe máy…) lại rất lớn. Bảo hiểm xe cơ giới đang là nguồn thu lớn nhất, mỗi năm mang về hàng trăm cho tới hàng nghìn tỉ đồng doanh thu.

Lấy ví dụ, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) được xem là doanh nghiệp có doanh số bán bảo hiểm xe cơ giới thuộc hàng lớn nhất thị trường. Năm 2019, doanh thu thuần phí bảo hiểm xe cơ giới tại PTI lên tới 2.202 tỉ đồng. Tính bình quân, mỗi ngày trong, đơn vị này bán được hơn 6 tỉ tiền bảo hiểm xe cơ giới.

Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho biết năm 2019 các công ty bảo hiểm đã chi trả bảo hiểm khoảng 44.000 tỉ đồng, trong đó có khoảng 50% là bảo hiểm phi nhân thọ. Tuy nhiên, con số chi trả cho bảo hiểm mô tô, xe máy lại không được công bố.

Trong khi đó, Quỹ Bảo hiểm Xe cơ giới do các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ kinh doanh bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đóng góp hàng năm nhằm mục đích đề phòng, hạn chế tổn thất tai nạn giao thông đường bộ, hỗ trợ nhân đạo, tuyên truyền về giáo dục an toàn giao thông đường bộ...

Xét về bản chất, nguồn quỹ này là từ tiền phí của người tham gia bảo hiểm nộp vào. Tuy nhiên, họ lại không hề biết khoản tiền này đi về đâu. Do vậy, vấn đề đặt ra chính là tính minh bạch. Nhiều ý kiến cho rằng Bộ Tài chính cần minh bạch cho người tham gia bảo hiểm được biết về quỹ này chứ không phải chỉ dừng ở việc chia sẻ thông tin ở cấp nội bộ.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
một giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khó nhận được bồi thường từ bảo hiểm xe máy