Ngoài khó khăn do COVID-19, doanh nghiệp hàng không còn gặp khó khăn về các khoản nợ bị chuyển nhóm, có thể khiến doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, phá sản.

Khó tiếp cận vốn, nợ bị chuyển nhóm, doanh nghiệp hàng không có nguy cơ phá sản

Lam Thanh | 02/08/2021, 20:44

Ngoài khó khăn do COVID-19, doanh nghiệp hàng không còn gặp khó khăn về các khoản nợ bị chuyển nhóm, có thể khiến doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, phá sản.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam, đợt dịch COVID-19 thứ ba và thứ tư quay lại đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hãng. Có tới 80-90% máy bay "đắp chiếu" tại sân bay, doanh thu tụt dốc chỉ còn 10-20%. Kể cả khi phải dừng hoạt động, các hãng bay vẫn phải thanh toán các khoản chi phí lớn liên quan đến thuê mua tàu bay, bảo dưỡng, bến bãi... để sẵn sàng hoạt động, chi phí rất tốn kém.

Phát biểu tại tọa đàm với chủ đề “Giải pháp cấp bách về vốn để "giữ cánh" cho hàng không Việt” do VnEconomy tổ chức ngày 2.8, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng nếu không có cơ chế thì doanh nghiệp hàng không rất khó tiếp cận được vốn ngân hàng.

Trong khi đó, trước đại dịch COVID-19, đóng góp vào sự phát triển của ngành không chỉ có Vietnam Airlines mà còn phải kể tới các hãng hàng không tư nhân như Vietjet Air, Bamboo Airways... Sự xuất hiện của các hãng hàng không tư nhân đã thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường hàng không và người hưởng lợi cuối cùng là người dân. Nhưng đến nay mới chỉ có Vietnam Airlines nhận được gói cứu trợ dạng vay ưu đãi, trong khi các doanh nghiệp hàng không tư nhân vẫn đang phải đối mặt với vấn đề vốn.

Theo ông Hùng, có hãng hàng không đủ tài sản đảm bảo, muốn vay vốn để trả lương, trả chi phí bảo dưỡng, thuê máy bay, nhưng tổ chức tín dụng chưa dám cho vay. Hiện các hãng hàng không đều dừng hoạt động hoặc hoạt động không đáng kể, không có doanh thu, hoặc kinh doanh thua lỗ, phương án sản xuất kinh doanh chắc chắn không đảm bảo hiệu quả, nên gần như không có cửa tiếp cận vốn ngân hàng.

“Những khoản nợ doanh nghiệp vay trước đây đến hạn mà không trả được vì không có doanh thu, nguồn lực đã hết, thời điểm cơ cấu chưa phù hợp với thông tư 03... Nếu không tiếp tục cơ cấu thì những khoản nợ này sẽ thành nợ xấu, các hãng hàng không sẽ không tiếp cận được vốn ngân hàng.

hang-khong-4.png
TS Nguyễn Quốc Hùng phát biểu tại tọa đàm

Điều này cực kỳ khó khăn và nguy hiểm cho các doanh nghiệp. Ngoài khó khăn do COVID-19 lại gặp khó khăn về các khoản nợ bị chuyển nhóm, gần như doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và phá sản”, ông Hùng nói và cho rằng cần phải có một giải pháp mạnh.

Đồng thời, theo ông Hùng, riêng đối với ngành ngân hàng, Thông tư 03 cần phải sửa đổi, nếu không các doanh nghiệp hàng không khó tiếp cận được. Thời hạn quy định cơ cấu nợ sắp đến, chỉ cần bị chuyển sang nhóm nợ xấu thì cánh cửa vay vốn sẽ tự động đóng lại.

Ông Hùng chia sẻ, với các quy định tiếp cận vốn vay hiện hành, hầu như các hãng hàng không không đủ điều kiện, không đạt chuẩn. Chính phủ cần đề xuất Quốc hội ban hành một nghị quyết chuyên biệt về vấn đề này để tháo gỡ các rào cản vay vốn.

Theo đó, nên kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không bằng cách vay bổ sung vốn lưu động. Tổng thời hạn vay vốn không vượt quá 12 tháng kể từ ngày giải ngân ban đầu và không vượt quá một chu kỳ hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, doanh nghiệp phải được tăng vốn điều lệ, gia tăng tiềm lực tài chính như Vietnam Airlines.

PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Viện trưởng Viện Công Nghệ Tài Chính, Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng các hãng cần phải có những điều kiện ràng buộc khi muốn tiếp cận gói giải cứu.

Cụ thể, các doanh nghiệp phải tự cân đối tài chính, phải tự làm sạch một số khoản mục về tài chính như cắt giảm chi phí và đặc biệt chi phí tiền lương, chi phí nhân công. Với Vietnam Airlines, cần phải có kế hoạch về cắt giảm nhân sự, phải cho xã hội thấy rằng ngành hàng không cũng đang nỗ lực.

Ngoài ra, các hãng phải cắt giảm những khoản chi không cần thiết, bán bớt tài sản, thanh lý dự án, thoái vốn công ty con không đóng vai trò tiên quyết.

“Thực ra, các hãng bay tư nhân đã chủ động thực hiện các giải pháp cắt giảm chi phí, cấu trúc lại các khoản đầu tư nên trong năm 2020 vẫn có lãi. Nếu chưa xử lý những giải pháp tự thân này, mà đã được nhận trợ giúp từ ngân sách thì lại tạo ra dư luận rằng ỷ lại vào ngân sách”, ông Bảo nêu.

Theo ông Bảo, các hãng bay cần đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao chất lượng phục vụ, hiệu quả hoạt động và triển vọng dài hạn. Ngoài ra, ngành hàng không cũng cần phải có những kế hoạch trong trung và dài hạn để đón đầu sự hồi phục.

TS Cấn Văn Lực góp ý, về phía Chính phủ, việc tung ra các gói hỗ trợ các doanh nghiệp này về vấn đề thanh khoản trong ngắn hạn cũng như trung hạn để có thể đối phó với tình hình trước mắt. Khoản hỗ trợ này có thể coi như một khoản đầu tư của Chính phủ nhằm đẩy đà tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

Theo đó, Chính phủ có thể đưa ra các chính sách hỗ trợ các hãng hàng không tư nhân có thể tiếp cận được nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên điều này khá khó bởi các ngân hàng thương mại rất sợ lỗ khi tình hình kinh doanh của các hãng bay này bị kìm hãm mạnh bởi tình hình dịch trong một vài năm tới.

Bài liên quan
Bàn cách cứu ngành hàng không trong cơn dịch
PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo ví von các doanh nghiệp hàng không cũng như những người bệnh COVID-19. Bệnh nhân cần được trợ thở oxy, còn với các doanh nghiệp thì oxy chính là tiền, mà hiện tại dòng tiền đang kiệt quệ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
7 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khó tiếp cận vốn, nợ bị chuyển nhóm, doanh nghiệp hàng không có nguy cơ phá sản