Đài Channel News Asia giới thiệu những công nghệ giúp thành phố sa mạc Dubai của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đáp ứng được nhu cầu về nước trong bối cảnh dân số tăng và biến đổi khí hậu.
Khoa học - công nghệ

Khoa học công nghệ giải quyết vấn đề nước cho Dubai

Cẩm Bình 13/12/2023 16:30

Đài Channel News Asia giới thiệu những công nghệ giúp thành phố sa mạc Dubai của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đáp ứng được nhu cầu về nước trong bối cảnh dân số tăng và biến đổi khí hậu.

Dubai nằm ở khu vực khan hiếm nước, nhưng trong thành phố lại có một công trình kiến trúc gây ấn tượng vô cùng mạnh mẽ: bể bơi Deep Dive Dubai sâu nhất thế giới với sức chứa tương đương 6 bể bơi chuẩn Olympic.

Deep Dive Dubai sâu 60 mét, tương đương chiều cao tòa nhà 20 tầng hoặc chiều dài chiếc Boeing 777. Bể bơi chứa 114 triệu lít nước, cho phép du khách bơi lặn thoải mái.

Đơn vị quản lý điểm du lịch này cho biết duy trì được lượng nước nhiều như vậy là thành công lớn. Theo giám đốc kỹ thuật Richard Lundgren: “Công việc của tôi cũng như của Deep Dive Dubai là đảm bảo sử dụng nước hiệu quả nhất có thể, sử dụng kỹ thuật khử khuẩn hiệu quả nhất để không phải thay nước bể bơi quá nhiều”.

Họ đầu tư vào công nghệ xử lý bằng ozone, giúp giảm 80% lượng clo cần dùng cho việc xử lý nước. Giám đốc Lundgren giới thiệu: “Ozone là chất khử khuẩn cực mạnh, hiệu quả hơn hóa chất và clo. Chúng tôi chỉ cần đưa oxy vào nước mà chẳng sợ để lại dư lượng gì. Với hệ thống này lượng nước cần phải thay giảm xuống gần như bằng 0”.

khoa.jpg
Bể bơi Deep Dive Dubai - Ảnh: Business Insider

Vấn đề nước của Dubai

Bên cạnh Deep Dive Dubai, Dubai còn sở hữu hơn 20 sân gôn cùng vườn hoa tự nhiên rộng nhất thế giới - loạt điểm du lịch có vẻ xa hoa với một khu vực nổi tiếng khô hạn, nhiệt độ lên tới 50 độ C vào mùa hè.

UAE thuộc nhóm quốc gia ít mưa nhất thế giới. Ngân hàng Thế giới (WB) xác định lượng mưa trung bình tại nước này chỉ khoảng 140 đến 200mm, thấp hơn mức trung bình toàn cầu 1.000mm. Nước này cũng đối mặt với tình trạng dân số tăng nhanh và biến đổi khí hậu.

Theo một số nghiên cứu gần đây, khu vực chịu áp lực về nước nhiều nhất trên thế giới là Trung Đông và Bắc Phi. Khoảng 83% dân số tại đây đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Tình hình có thể thêm tồi tệ khi nhu cầu nước toàn cầu tăng 25% vào năm 2050.

Đối mặt với thách thức trên, UAE tìm đến khoa học công nghệ.

Dubai lấy nước từ đâu?

Khử mặn nước biển là giải pháp chính của Dubai suốt 50 năm qua. Năm ngoái, Cơ quan điện - nước Dubai (DEWA) cung cấp nước cho hơn 3,6 triệu cư dân.

Nhưng phương pháp khử mặn quá đắt đỏ, tiêu tốn nhiều năng lượng và gây hại đáng kể cho môi trường. Theo Phó giáo sư Ammar Alkhalidi (Trường cao đẳng Kỹ thuật, thuộc Đại học Sharjah): “Một trong số khuyến điểm nguy hiểm nhất là làm cách nào xử lý nước muối cô đặc. Chúng ta phải xử lý hoặc vứt chúng ở đâu đó. Chúng tôi từng chứng kiến vài trường hợp xử lý sai gây ra không ít vấn đề tồi tệ hơn, vì vậy nước muối cần được xử lý cẩn thận”.

Nước muối cô đặc là sản phẩm phụ tạo ra bởi quá trình khử mặn, chứa lượng muối cao cùng hóa chất, chất hữu cơ, kim loại nặng khác. Khi bị vứt bỏ vô trách nhiệm chúng sẽ tác động xấu đến môi trường.

DEWA áp dụng công nghệ thẩm thấu ngược thân thiện với môi trường. Không giống như phương pháp chưng cất nhanh truyền thống dựa vào nhiệt, công nghệ này loại bỏ muối và các chất ô nhiễm bằng cách đẩy nước qua màng bán thấm giữ lại tạp chất.

Kể từ những năm 1980 đến nay Dubai đã tái sử dụng được 4,5 tỉ mét khối nước, đạt tỷ lệ 90%. Thành phố đặt mục tiêu đạt 100% vào năm 2030.

Nhiều đơn vị đang góp sức giúp Dubai. Chẳng hạn công ty Mỹ Source phát triển tấm pin hydro dùng ánh nắng mặt trời tạo ra nước từ hơi ẩm trong không khí. Nước sau đó được khoáng hóa để có hương vị hơn. Giám đốc Robert Bartrop cho biết: “Chúng tôi sử dụng vật liệu hút ẩm tiên tiến có khả năng hấp thụ nước từ không khí rất tốt, tương tự cách đường sẽ vón cục nếu mở nắp một bát đường. Sau đó chúng tôi sử dụng mặt trời để tạo ra năng lượng nhiệt. Đây là phương pháp hoàn toàn không cần điện, cho phép tạo ra nước ở nhiều vùng khí hậu khác nhau”.

Dubai còn dùng đến công nghệ tạo mưa nhân tạo. Tạo mưa tốn ít chi phí hơn khử mặn nước biển, giúp tăng lượng mưa hằng năm khoảng 10 - 30%. Tuy nhiên phương pháp này không phải lúc nào cũng khả dĩ, đòi hỏi phải có mây chứa hơi ẩm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trong 2 năm, Tập đoàn Thuận An trúng nhiều gói thầu thuộc chương trình đặc biệt của Chính phủ
7 giờ trước Theo dòng thời sự
Trong 2 năm (2022 - 2023), Tập đoàn Thuận An phát triển rất nóng, trúng nhiều gói thầu với tổng giá trị 18.000 tỉ đồng. Trong đó có những gói thầu thuộc nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau COVID-19.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khoa học công nghệ giải quyết vấn đề nước cho Dubai