Ai đó khi viết hoặc nói bệnh tiểu đường, bệnh huyết áp, bệnh thoái hóa khớp… là bệnh mãn tính thì nhầm to. Nhầm không phải bởi kiến thức y học, mà do không biết dùng từ. Phải viết (nói) là bệnh mạn tính.

Không có bệnh mãn tính

05/12/2016, 16:10

Ai đó khi viết hoặc nói bệnh tiểu đường, bệnh huyết áp, bệnh thoái hóa khớp… là bệnh mãn tính thì nhầm to. Nhầm không phải bởi kiến thức y học, mà do không biết dùng từ. Phải viết (nói) là bệnh mạn tính.

Trong những bản tin y tế, ta rất hay bắt gặp các nhà báo viết “bệnh mãn tính”. Cứ theo như cách hiểu của người viết thì cái bệnh họ đang nói, đề cập đến là thứ bệnh mà người mắc sẽ bị mãi (mãn), bị suốt đời, theo hết đời. Vậy viết thế là đúng hay sai?

“Mãn” là từ Hán Việt, có nhiều nghĩa, nghĩa chính là đầy đủ, sung túc, dồi dào. Mãn nguyệt có nghĩa là đủ tháng, đầy tháng, trăng tròn đầy. Ngày xưa, người ta tính tháng theo trăng, khi nói mãn nguyệt khai hoa tức là nói về người đàn bà có thai đã đủ tháng, đã đến ngày sinh. Mãn phúc tức là hạnh phúc đầy đủ (dùng chữ này để chúc ai đó), mãn phục là hết tang (phục), mãn kiếp là trọn kiếp. Xưa có câu đối ngày tết rất hay: Thiên tăng tuế nguyệt nhân tăng thọ/Xuân mãn càn khôn phúc mãn đường (Trời thêm ngày tháng, người thêm tuổi/Xuân tràn trời đất, phúc đầy nhà). Chính vì mãn có nghĩa như vậy nên không ít nhà báo, thậm chí người trong ngành y cứ quen nói “bệnh mãn tính” để bảo rằng bệnh hết đời.

Khổ nỗi, làm gì có thứ bệnh nào là bệnh hết đời người. Y học ngày càng hiện đại, có thể chữa trị, ngăn chặn những thứ bệnh mà ngày xưa con người dường như phải bó tay, tưởng rằng đã mắc phải nó thì nó sẽ theo đến chết. Bây giờ những bệnh như lao, phong (cùi, hủi), tả, lỵ, thương hàn, gan… người ta chữa nhoay nhoáy, làm gì còn tứ chứng nan y. Ngay cả ung thư, với đà phát triển y học như thế này, nó cũng sẽ bị loại khỏi danh sách bất trị.

Bởi vậy, khi viết bệnh tiểu đường, bệnh huyết áp, bệnh thoái hóa khớp… là bệnh mãn tính thì nhầm to. Nhầm không phải bởi kiến thức y học, mà do không biết dùng từ. Phải viết là bệnh mạn tính.

“Mạn” cũng là từ Hán Việt, ngoài nghĩa kiêu ngạo, khinh thường, coi thường (chúng ta hay nói khinh mạn), còn có nghĩa: từ từ, chậm, chậm chạp, đến dần dần. Mạn tính có nghĩa tính chậm chạp (để chỉ ai đó). Bệnh mạn tính là thứ bệnh ban đầu rất nhẹ, dường như không đáng kể, nhưng nó cứ đến dần dần, càng ngày càng nặng, không chữa chặn ngay từ đầu thì càng khó chữa. Như vậy bệnh mạn tính không để chỉ một loại bệnh cụ thể nào trong y học mà để nói về dạng bệnh mà thôi. Ví dụ tiểu đường, mỡ trong máu, huyết áp, giãn tĩnh mạch… là dạng bệnh mạn tính bởi càng lớn tuổi, càng ăn nhiều đường, nhiều mỡ, ít tập luyện, không biết kiềm chế sự thòm thèm của mình thì bệnh ngày càng tăng, càng nặng, càng khó chữa.

Chính vì thế, phải viết là bệnh mạn tính chứ không phải bệnh mãn tính. Đừng tặc lưỡi rằng chuyện nhỏ, quen rồi, lâu nay có ai thắc mắc gì đâu. Ngôn ngữ là của cải chung, nếu không làm nó hay hơn, chính xác hơn thì cũng đừng làm hỏng nó, làm sai nó.

Nguyễn Thông

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
9 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không có bệnh mãn tính