Dù tổ chức hoạt động vận chuyển bệnh nhân rầm rộ nhưng Công ty TNHH vận chuyển bệnh nhân Phi Long không có giấy phép hoạt động cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh.
Đề cập đến hoạt động cấp cứu, vận chuyển người bệnh của Công ty TNHH vận chuyển bệnh nhân Phi Long (địa chỉ số 84 đường Trần Nhân Tôn, phường 2, quận 10, TP.HCM ), chiều 27.6, bà Lê Thiện Quỳnh Như – Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM khẳng định Công ty TNHH vận chuyển bệnh nhân Phi Long không có giấy phép hoạt động cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh.
Theo bà Như tại Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30.12.2023 của Chính phủ, “Cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh” được thay đổi với tên gọi là “Cơ sở cấp cứu ngoại viện”. Điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở cấp cứu ngoại viện được quy định tại Điều 40 Nghị định này, đáp ứng thêm các điều kiện cụ thể về cơ sở vật chất, nhân sự.
Tuy nhiên, Công ty TNHH vận chuyển bệnh nhân Phi Long chưa được đủ điều kiện trên để Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh.
Trước đó, nhiều thân nhân bệnh nhân tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) phản ánh, Công ty TNHH vận chuyển bệnh nhân Phi Long thu tiền vận chuyển bệnh nhân giá cao. Nhà xe này thường xuyên hoạt động ở khu vực Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, lôi kéo bệnh nhân đi xe, khi đến nơi thì thu tiền giá cao, nhiều bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân nghèo rơi vào tình trạng “dở khóc dở cười”.
Về điều này, Sở Y tế cho biết đang thu thập thêm các chứng cứ có liên quan đến công ty này để Thanh tra Sở Y tế có đủ cơ sở phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện rà soát, kiểm tra và tham mưu xử lý vi phạm theo quy định pháp luật, nếu có.
Liên quan đến việc vi phạm kinh doanh quảng cáo thuốc qua mạng xã hội, bà Như cho biết năm 2023, Thanh tra Sở Y tế đã kiểm tra và xử phạt 2 cơ sở có vi phạm trong việc bán thuốc trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội, trong đó 1 vụ việc chuyển sang công an.
Tuy nhiên bà Như thừa nhận trong quá trình thanh tra, kiểm tra gặp những khó khăn trong việc xác định chủ thể thực hiện hành vi vi phạm liên quan đến việc quảng cáo như: công ty sở hữu sản phẩm; nhà phân phối; người sở hữu website; chủ tài khoản; cá nhân người thực hiện quảng cáo sản phẩm trong các video quảng cáo.
Điều này là do địa chỉ kinh doanh là địa điểm ảo, không có thật; hình thức giao dịch mua bán qua điện thoại, địa điểm giao nhận không cố định, không phải là cơ sở kinh doanh thuốc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép.
Ngoài ra cơ quan chức năng cũng chưa có đủ phương tiện, công cụ để lưu trữ chứng cứ trong việc thực hiện xử lý vi phạm quảng cáo. Khi được mời lên làm việc về việc quảng cáo sản phẩm, các cá nhân, tổ chức đã tháo gỡ sản phẩm, chặn truy cập trang thông tin điện tử trước khi lên làm việc hoặc không hợp tác, không lên làm việc theo giấy mời.
“Lợi dụng nhu cầu dùng thuốc chữa bệnh của người dân, nhiều đối tượng quảng cáo dược phẩm, thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng trên các trang mạng xã hội, trang điện tử có tên miền từ nước ngoài, quảng cáo sai sự thật, gây nhầm lẫn để đánh lừa người tiêu dùng làm cho cơ quan chức năng không quản lý được nội dung quảng cáo nên không xác định được chủ thể quảng cáo, và không có cơ sở để xử lý vi phạm”, bà Như chia sẻ
Để quản lý việc kinh doanh thuốc qua mạng, bà Như cho biết Sở Y tế đã thành lập tổ công tác đặc biệt để theo dõi, kiểm soát việc quảng cáo trong lĩnh vực y tế trên các kênh thông tin điện tử.
Ngoài ra, để nâng cao ý thức của người dân trong việc mua thuốc, trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ tăng cường công tác truyền thông một số quy định về quản lý kinh doanh thuốc, phổ biến kiến thức về hậu quả của việc tự ý dùng thuốc và mua thuốc qua mạng.
Sở Y tế cũng sẽ kiến nghị các cơ quan liên quan xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý hoạt động kinh doanh thuốc qua nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân không được cấp phép.