Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các trung tâm cấp cứu tuyệt đối không được chậm trễ vận chuyển các bệnh nhân COVID-19 đi điều trị.

Chủ tịch UBND TP.HCM: Tuyệt đối không được chậm trễ vận chuyển bệnh nhân COVID-19

Tú Viên | 27/07/2021, 16:00

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các trung tâm cấp cứu tuyệt đối không được chậm trễ vận chuyển các bệnh nhân COVID-19 đi điều trị.

Trưa 27.7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 thành phố, đã có buổi kiểm tra tổng đài Trung tâm cấp cứu 115 tại Công viên Phần mềm Quang Trung. Đây là trung tâm được nâng cấp chuyển đổi từ Trung tâm cấp cứu 115 nhằm tăng khả năng điều phối cấp cứu tại TP.HCM.

Báo cáo với Chủ tịch UBND TP.HCM, bác sĩ Nguyễn Duy Long – Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt chuyên điều phối chuyển người bệnh COVID-19 nặng và nguy kịch cho biết, tính đến sáng 27.7, thành phố có trên 68.000 người mắc COVID-19 và dự báo còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, trong khi 38 bệnh viện trong tháp 5 tầng điều trị bệnh nhân của thành phố đã tiếp nhận gần hết công suất thu dung, điều trị.

phong1.jpeg
phong-2.jpeg
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong làm việc với Trung tâm cấp cứu 115 tại Công viên Phần mềm Quang Trung - Ảnh: Cao Thăng

Việc điều phối, vận chuyển bệnh nhân COVID-19 của thành phố có thời điểm chưa nhịp nhàng, UBND TP.HCM đã quyết định giao nhiệm vụ cho trung tâm là đầu mối về điều phối chuyển bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng đến các bệnh viện dã chiến, thu dung và bệnh nhân nặng, nguy kịch đến bệnh viện điều trị COVID-19.

Trung tâm có thẩm quyền yêu cầu các đơn vị chức năng liên quan phối hợp để thực hiện tốt nhất việc điều phối, vận chuyển bệnh nhân bảo đảm kịp thời, hợp lý. Ngoài ra, trung tâm còn được phép sử dụng màn hình giám sát cỡ lớn của Sở GD-ĐT để phục vụ công tác điều phối, vận chuyển bệnh nhân COVID-19.

Về nhân sự tại trung tâm dã chiến 115, có 20 người là lực lượng nòng cốt và cần thêm 100 sinh viên tình nguyện của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) để huấn luyện cấp tốc, có thể nghe điện thoại xử lý các thông tin. Hiện đã có 30 sinh viên tình nguyện tham gia tại Công viên Phần mềm Quang Trung và sẽ được tạo “vùng xanh”, mọi người thực hiện “3 tại chỗ” để đảm bảo hoạt động.

Dự kiến ngày mai, 28.7, Tổng đài 115 tại Công viên Phần mềm Quang Trung sẽ đi vào hoạt động. Trước mắt sẽ có 16 đường truyền được vận hành, khi nhân sự tăng lên sẽ vận hành cả 40 đường truyền.

Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Duy Long cũng cho rằng, khắc phục được điểm nghẽn về mạng thì vấn đề khó khăn tiếp theo cần được khắc phục sớm là xe cấp cứu để vận chuyển bệnh nhân. Hiện nay xe không đủ để đáp ứng được nhu cầu vận chuyển bệnh nhân COVID-19. Bác sĩ Nguyễn Duy Long phân tích, xe cứu thương ngoài vận chuyển bệnh nhân còn phải làm các công tác khác như đi làm xét nghiệm, tiêm vắc xin...

Hiện Sở Y tế TP.HCM có kế hoạch nâng cấp xe taxi truyền thống thành taxi y tế, với khoảng 200 xe, gồm có tài xế, nhân viên y tế theo xe, mỗi xe có 2 bình oxy 7 lít, bộ test nhanh, khử trùng và các phương tiện thiết yếu phục vụ nhiệm vụ cấp cứu. Các phương tiện này gắn chặt địa bàn quận huyện thông qua cơ sở cách ly quận huyện. Người dân có nhu cầu gọi điện cho Tổng đài 115 hoặc cơ sở cách ly quận huyện có nhu cầu chuyển bệnh nhân gọi điện cho 115, Trung tâm cấp cứu 115 sẽ tiếp nhận và điều tiết tổ phản ứng nhanh của taxi đến nơi và đưa vào bệnh viện phù hợp.

Việc huy động nhân sự, phương tiện vận chuyển cũng phải thực hiện đồng bộ với Tổng đài 115 mới hiệu quả, trong đó trước mắt sẽ có 50 taxi chuyển đổi thành xe y tế. Hiện TP.HCM cũng chỉ đạo thành lập 4 trạm cấp cứu vệ tinh khu vực, đặt tại huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, quận 12 và thành phố Thủ Đức để kịp thời đáp ứng nhu cầu cấp cứu.

Ghi nhận một số khó khăn được lãnh đạo Trung tâm cấp cứu 115 nêu ra, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong khẳng định sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan khắc phục nhanh nhất các khó khăn nêu trên, đồng thời đề nghị Trung tâm cấp cứu 115 có thể tích hợp chức năng tư vấn cho những trường hợp sau khi xuất viện tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà, thông qua việc kết nối số điện thoại tổ ứng cứu của các quận huyện và thành phố Thủ Đức. Mở thêm nhiều kênh thông tin để khi người dân gặp khó khăn, vấn đề về sức khỏe sẽ điện đến hỏi.

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng đề nghị đẩy nhanh việc thành lập 4 trung tâm cấp cứu khu vực (vệ tinh) để đồng bộ các đầu mối. Thành phố sẽ hỗ trợ tối đa cho Trung tâm cấp cứu 115 và trung tâm cần thống kê các nhu cầu phục vụ hoạt động của trung tâm.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, các taxi chuyển đổi đều có điều dưỡng và bình oxy, các đơn vị cần chủ động và yêu cầu doanh nghiệp hỗ trợ xe cung cấp mỗi trạm vệ tinh có một đội taxi chuyển đổi. “Phải thực hiện đồng bộ, từ tổng đài tiếp nhận đến phương tiện vận chuyển và bệnh viện tiếp nhận để thực hiện tốt, bởi vấn đề này liên quan đến tính mạng của người dân".

"Hiện thành phố đang nâng cấp cả nhân lực, máy móc thiết bị các bệnh viện để nâng khả năng điều trị (bệnh viện tầng 4 – điều trị COVID-19). Tuyệt đối không được chậm trễ vận chuyển bệnh nhân COVID-19”, ông Phong nhấn mạnh.

Bài liên quan
Cựu Chủ tịch tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương bị đề nghị xử phạt 6 - 7 năm tù
Đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX TAND TP.Hà Nội xử phạt bị cáo Lê Tiến Phương (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận) từ 6 - 7 năm tù.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ tịch UBND TP.HCM: Tuyệt đối không được chậm trễ vận chuyển bệnh nhân COVID-19