Chính phủ yêu cầu kiểm soát chặt biện pháp giãn cách xã hội nhưng tránh đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, hàng hóa, cắt giảm chi phí hội nghị, công tác.

Không để đứt gãy chuỗi cung ứng; hỗ trợ người dân 24/24

Lam Thanh | 10/08/2021, 15:11

Chính phủ yêu cầu kiểm soát chặt biện pháp giãn cách xã hội nhưng tránh đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, hàng hóa, cắt giảm chi phí hội nghị, công tác.

Tránh đứt gãy chuỗi cung ứng

Tại Nghị quyết số 86 về các giải pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa 15, Chính phủ yêu cầu kiểm soát chặt chẽ các biện pháp giãn cách xã hội, đồng thời tránh đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, hàng hóa.

Theo đó, tạo điều kiện cao nhất để vận chuyển, lưu thông hàng hóa, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất bảo đảm an toàn, liên thông, thống nhất, thông suốt giữa các tỉnh, thành phố, địa bàn; có biện pháp kiểm soát chặt chẽ tại điểm đầu và điểm cuối trong chuỗi cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa.

Bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, ổn định đời sống của người dân. Đặc biệt là bảo đảm cung ứng trực tiếp đến người dân ở những khu vực phong tỏa, giãn cách xã hội.

Về các chính sách hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội, nghị quyết yêu cầu thường xuyên rà soát, cập nhật, không bỏ sót đối tượng cần cứu trợ, không để ai bị thiếu đói; bám sát tình hình và yêu cầu thực tế để tiếp tục mở rộng hoặc điều chỉnh phù hợp các đối tượng được trợ cấp, giảm tối đa các thủ tục hành chính.

cung-ung.jpg
Chính phủ yêu cầu kiểm soát chặt dịch bệnh nhưng không được để đứt gãy chuỗi cung ứng

Ngoài ra, cần lập và duy trì đường dây nóng 24/24 giờ để kịp thời tiếp nhận thông tin cần hỗ trợ của người dân về chăm sóc y tế và sinh hoạt thiết yếu; có hệ thống giám sát y tế tại cộng đồng để kịp thời hỗ trợ người dân; bảo đảm trang thiết bị phòng hộ cho đội ngũ tình nguyện viên của các trung tâm hỗ trợ, cứu trợ...

Nghị quyết cũng yêu cầu các lực lượng chức năng ứng trực 24/24 giờ, sẵn sàng các phương án kỹ thuật, biện pháp, công cụ cần thiết để ngăn chặn, xử lý nghiêm thông tin xấu độc trên không gian mạng.

Cắt giảm 50% chi phí hội nghị, công tác

Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính, các bộ ngành, địa phương ưu tiên sắp xếp, bố trí ngân sách nhà nước và các nguồn lực hợp pháp khác để bảo đảm kinh phí cho công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 và cơ sở điều trị người bệnh COVID-19.

Thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% chi phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương (trừ kinh phí hoạt động quan trọng, cấp bách và phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh và tiết kiệm thêm 10% kinh phí chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 không tính tiền lương và các khoản thu nhập khác.

Đồng thời, thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, tập trung kinh phí cho công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19;

Bộ Y tế chủ trì, rà soát nhu cầu kinh phí mua, nhập khẩu và phương án sử dụng vắc xin, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và Quỹ vắc xin phòng chống COVID-19.

Các địa phương khẩn trương kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp trên địa bàn cho phù hợp với tình hình và yêu cầu phòng chống dịch bệnh; có bộ phận thường trực chỉ đạo, điều phối 24/24 giờ, tổ chức theo từng nhóm chuyên môn để giải quyết kịp thời các vướng mắc, yêu cầu về vật tư, thiết bị, nhân lực, truyền thông, giao thông vận tải, cứu trợ, hỗ trợ...

Căn cứ tình hình và yêu cầu thực tế, các bộ ngành, địa phương xem xét, quyết định việc thành lập trung tâm chỉ huy để chỉ đạo tập trung, thống nhất các cơ quan liên quan thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù

Việc cấp giấy đăng ký lưu hành và thông quan thuốc, vắc xin phòng COVID-19 được áp dụng các cơ chế sau đây:

Trường hợp thứ nhất, khi nộp hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc, vắc xin, trường hợp không có giấy chứng nhận sản phẩm dược phẩm đối với thuốc, vắc xin nhập khẩu thì được thay thế bằng giấy tờ pháp lý do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp chứng minh thuốc, vắc xin đã được cấp phép lưu hành.

Trường hợp thứ hai, thuốc điều trị, vắc xin phòng COVID-19 sản xuất trong nước đang thực hiện thử lâm sàng nhưng đã có kết quả đánh giá giữa kỳ giai đoạn 3 về tính an toàn và hiệu quả điều trị của thuốc hoặc hiệu quả bảo vệ của vắc xin dựa trên dữ liệu về tính sinh miễn dịch của vắc xin được sử dụng để xem xét cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện (dựa trên cơ sở ý kiến tư vấn của hội đồng đạo đức, hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc…).

“Thuốc, vắc xin được cấp trong các trường hợp trên phải được tiếp tục theo dõi về tính an toàn, hiệu quả, kiểm soát về đối tượng, số lượng, phạm vi sử dụng sau khi cấp giấy đăng ký lưu hành”, nghị quyết nêu.

Ngoài ra, Bộ Y tế xem xét, quyết định từng trường hợp cụ thể đối với việc cho miễn phiếu kiểm nghiệm (COA) cho từng lô thuốc, vắc xin khi thông quan trong trường hợp cần nhập khẩu khẩn cấp phục vụ yêu cầu phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Các bộ ngành, địa phương quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng chống dịch bệnh COVID-19 theo quy định tại khoản 1, khoản 2 điều 1 Nghị quyết số 79/NQ-CP ngày 22.7.2021 của Chính phủ.

Trường hợp lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại điều 26 của Luật Đấu thầu thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh được tổ chức lập, thẩm định và quyết định phê duyệt phương án lựa chọn nhà thầu.

Một số cơ chế, chính sách đặc thù khác được quyết nghị là các bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an và UBND cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tiễn quyết định thành lập, giao nhiệm vụ cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm COVID-19. Quyết định thành lập, giao nhiệm vụ cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm COVID-19 đồng thời là giấy phép hoạt động.

Bộ Y tế được quy định thủ tục hành chính trong thông tư theo trình tự, thủ tục rút gọn đối với việc áp dụng thí điểm kỹ thuật, thuốc trong chẩn đoán, điều trị COVID-19 và cấp phép nhập khẩu, cấp giấy đăng ký lưu hành đối với trang thiết bị y tế, hóa chất phục vụ phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Bài liên quan
TP.HCM phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15.9
TP.HCM phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15.9.2021; Bình Dương, Long An, Đồng Nai kiểm soát được dịch trước ngày 1.9.2021. Các tỉnh, thành phố khác phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 25.8.2021.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Làm việc với Công an Phú Thọ, Thủ tướng nhấn mạnh cần chuyển đổi số từ cơ sở
9 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Công an tỉnh Phú Thọ cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn nữa trong triển khai Đề án 06, theo hướng tổng thể, toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không để đứt gãy chuỗi cung ứng; hỗ trợ người dân 24/24