Đại biểu Vũ Huy Khánh (Bình Dương) cho rằng người đấu giá không nhất thiết phải có xe mới được đi đấu giá, chưa có xe nhưng dự kiến sẽ mua xe thì vẫn được tham gia đấu giá.

Không nhất thiết phải có xe ô tô mới được đấu giá biển số

Hoài Lam | 26/10/2022, 16:30

Đại biểu Vũ Huy Khánh (Bình Dương) cho rằng người đấu giá không nhất thiết phải có xe mới được đi đấu giá, chưa có xe nhưng dự kiến sẽ mua xe thì vẫn được tham gia đấu giá.

Hộ khẩu Hà Giang có được đấu giá biển số Hà Nội?

Thảo luận dự thảo nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá tại kỳ họp quốc hội ngày 26.10, đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt (Hà Nội) cho biết từ năm 1993 Công an TP.Hải Phòng đã triển khai thí điểm đấu giá biển số xe ô tô nhưng do nhiều lý do, trong đó thiếu cơ chế pháp lý, nên phải dừng lại.

Vì vậy, việc ban hành nghị quyết của Quốc hội không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân có điều kiện, mà còn làm cho việc đấu giá minh bạch, tăng ngân sách nhà nước.

duyet.jpg
Đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt cho biết từ năm 1993 Công an Hải Phòng đã triển khai thí điểm đấu giá biển số xe ô tô nhưng phải dừng lại

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) nêu quan điểm nên áp dụng trên phạm vi toàn quốc và tổ chức đấu giá tập trung theo hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, đại biểu Thủy băn khoăn về công tác quản lý việc cấp đăng ký sau khi đấu giá, khi người trúng đấu giá phải đến địa phương khác đăng ký nếu biển số không cùng địa bàn người trúng đấu giá sinh sống.

Đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang) nêu ý kiến về dự thảo quy định doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu được lựa chọn biển số của tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên toàn quốc để đăng ký tham gia đấu giá (kể cả biển số của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không phải là nơi đăng ký thường trú, đặt trụ sở của người tham gia đấu giá). "Tức là dù có hộ khẩu thường trú ở Hà Giang hay Cà Mau, nếu có nhu cầu thì người dân đều được tham gia đấu giá biến số của Hà Nội hoặc các tỉnh thành khác", bà Hương nói.

Tuy nhiên, một số đại biểu nêu ví dụ nếu đấu giá toàn quốc đối với biển Hà Nội sẽ không khả thi, vì theo quy định của Bộ Công an, việc quản lý biển số theo địa giới hành chính, như vậy sẽ có sự mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật.

Chỉ nên quy định một mức giá khởi điểm

Theo đại biểu Hương, để tạo điều kiện công bằng cho người dân được tiếp cận, tham gia đấu giá biển số, cơ quan soạn thảo chỉ quy định một mức giá khởi điểm chung áp dụng trên phạm vi cả nước và nghiên cứu mức giá không quá cao, bởi nếu mức giá khởi điểm cao quá thì chưa chắc đã đạt được mục tiêu thu hút được người tham gia.

Về giá khởi điểm của biển số đưa ra đấu giá, dự thảo nghị quyết xây dựng với 2 mức: vùng 1 (gồm Hà Nội, TP.HCM): 40 triệu đồng; vùng 2 (các địa phương còn lại): 20 triệu đồng.

Cho ý kiến về quy định này, đại biểu Nguyễn Hải Trung (Hà Nội) cho rằng việc xác định giá khởi điểm rất quan trọng, nếu không đưa vào nghị quyết sẽ khó triển khai trên thực tế.

Theo ông Trung, việc xác định 2 mức giá là ngang bằng với thuế trước bạ của các địa phương là 20 triệu, và 40 triệu đối với Hà Nội và TP.HCM.

Ông Trung đề nghị chỉ quy định một mức giá 40 triệu đồng như đã nêu trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng, an ninh của Quốc hội. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị không quy định chi tiết mức giá khởi điểm, mà giao cho HĐND các địa phương quyết định, quy định như vậy cũng phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

trung.jpg
Đại biểu Nguyễn Hải Trung đề nghị chỉ quy định một mức giá 40 triệu như đã nêu trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng, an ninh của Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Tuấn (Hà Nội) cũng nêu quan điểm, quy định về giá khởi điểm cần căn cứ vào điều kiện của từng tỉnh, thành phố, nên chăng giao các địa phương quyết định sẽ tạo sự chủ động; đồng thời cần nghiên cứu thêm quy định về việc sử dụng ngân sách từ việc đấu giá như thế nào đối với từng cấp (trung ương và địa phương).

Ông Tuấn cũng lo ngại nếu đấu giá toàn quốc đối với biển số ở các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM sẽ không đảm bảo tính khả thi, bởi hiện Bộ Công an quản lý biển số theo địa giới hành chính, quy định như vậy sẽ có sự mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật hiện hành.

Tránh đầu cơ biển số

Dự thảo nghị quyết nêu rõ người được trúng đấu giá được giữ lại biển số trúng đấu giá khi chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu của mình.

Người trúng đấu giá phải thực hiện thủ tục đăng ký xe tại cơ quan đăng ký xe để gắn biển số với xe trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày được cấp văn bản xác nhận biển số trúng đấu giá. Quá thời hạn nêu trên mà người trúng đấu giá không đăng ký biển số đó gắn với xe thì cơ quan có thẩm quyền thu hồi biển số trúng đấu giá.

Đại biểu Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đồng tình với quy định trên, bởi theo ông, điều này để tránh sự đầu cơ, mua bán biển số xe "loạn lên, gây phức tạp". Tuy nhiên, ông Thanh băn khoăn về giá khởi điểm của biển số đưa ra đấu giá, vùng 1 (Hà Nội, TP.HCM) 40 triệu đồng và vùng 2 (các địa phương còn lại) 20 triệu đồng. “Dự thảo để mức giá 40 triệu, 20 triệu đồng thì sẽ loạn”, ông Trần Sỹ Thanh nói và đề nghị dự thảo nghị quyết chỉ quy định mức sàn của giá khởi điểm, còn lại giao HĐND các tỉnh, thành quyết định mức giá khởi điểm, bước giá.

“Nên giao HĐND quyết, đừng chê tỉnh nghèo. Nhà nước có thể nghèo chứ dân không nghèo, ví dụ Đắk Lắk, xe xịn còn nhiều hơn Đà Nẵng”, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội nói.

khanh.jpg
Đại biểu Vũ Huy Khánh (Bình Dương) chỉ rõ người đấu giá không nhất thiết phải có xe mới được đi đấu giá

Trước ý kiến cho rằng đã đấu giá thành công thì người đấu giá có đầy đủ các quyền về tài sản theo quy định của pháp luật dân sự, đại biểu Vũ Huy Khánh (Bình Dương) cho rằng để bảo đảm yêu cầu trong quản lý nhà nước, tránh trường hợp đầu cơ, hay phát sinh những biến tướng ở hoạt động này thì những quyền của người trúng đấu giá biển số có giới hạn nhất định so với quyền dân sự theo quy định của pháp luật dân sự.

Đại biểu Khánh cho rằng người đấu giá không nhất thiết phải có xe mới được đi đấu giá, chưa có xe nhưng dự kiến sẽ mua xe thì vẫn được tham gia đấu giá. Khi trúng đấu giá biển số rồi thì trong thời hạn 12 tháng người trúng đấu giá phải gắn biển số đăng ký với xe. Quá thời gian đó mà biển số đã trúng đấu giá không được sử dụng tức không được gắn với xe để lưu thông thì sẽ bị thu hồi.

Trường hợp bất khả kháng, người trúng đấu giá vì những lý do bất khả kháng hoặc chết thì sẽ được hoàn lại tiền đã trả cho việc đấu giá, trừ đi các khoản chi phí theo quy định. Khi đã sử dụng biển số, về cơ bản các quyền tài sản như quyền chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế vẫn được bảo đảm đầy đủ, theo ông Khánh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Người Việt có gien về KH-CN, là lợi thế để phát triển ngành bán dẫn
1 giờ trước Nhịp đập khoa học
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay Việt Nam có nhiều lợi thế về công nghiệp bán dẫn, trong đó đáng chú ý là người Việt có gien về khoa học công nghệ. Lợi thế này không kém gì lợi thế về địa chính trị.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không nhất thiết phải có xe ô tô mới được đấu giá biển số