Với một số người, để tìm được tình yêu cho mình đã là khó. Song, cái khó trăm bề là khi đã đến được với nhau, làm sao để hôn nhân có tuổi thọ lâu dài?

Không phải ngẫu nhiên, ‘Tuổi thọ’ của hôn nhân ngày càng ngắn lại

La Hường | 12/04/2016, 05:39

Với một số người, để tìm được tình yêu cho mình đã là khó. Song, cái khó trăm bề là khi đã đến được với nhau, làm sao để hôn nhân có tuổi thọ lâu dài?

Đời sống hôn nhân ngày càng mong manh?

Để đi đến được hôn nhân là chặng đường dài cần sự cố gắng của cả hai người. Nhưng vì khi đó họ yêu nhau nên mọi thứ đều có thể vượt qua được, chỉ cần có nhau là đủ. Cảm giác như nếu không lấy được nhau, cuộc sống này chẳng còn gì ý nghĩa. Họ bị chi phối toàn bộ, từ công việc đến tâm trạng. Vì thế mà càng ảo tưởng về ngày tân hôn mà hầu hết những cặp yêu nhau háo hức chờ đợi. Họ hình dung hôn nhân sẽ mở ra cho họ một trang sách mới, mọi thứ đều tinh tươm, tươi mới và hết sức thú vị. Với viễn cảnh đó mà không ít cặp đôi trẻ sốc nặng sau hôn nhân.

Ngày nay, tuổi lập gia đình cao hơn từ 3-5 tuổi so với khoảng 10 năm trước. Với thời gian dừng lại đó, họ có đủ kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử để chuẩn bị tinh thần cho một đời sống hôn nhân không phải lúc nào cũng màu hồng như những người ở độ tuổi còn trẻ hay nghĩ. Thậm chí, cái nhìn về tình dục cũng thoáng hơn nên họ không bận tâm quá nhiều cho việc có nên “ăn cơm trước kẻng” như thế hệ ông bà ta ngày trước. Chỉ cần yêu nhau, họ sẵn sàng sống chung với nhau như một chuyện hiển nhiên. Hoặc không sống chung nhưng chuyện tình dục xảy ra đều đặn như những cặp vợ chồng chính thức. Có những người cẩn trọng hơn trong việc con cái, họ lên kế hoạch sinh con vì sợ lỡ đâu người bạn đời của mình không có khả năng sinh con thì liệu tình yêu có vượt qua được để tồn tại không?

Vì sợ trượt vào vết đổ của những người đi trước nên hầu hết những bạn trẻ suy nghĩ cẩn thận hơn, cân đo đong đếm kỹ hơn. Thậm chí là lường trước rất nhiều những rủi ro để tập quen, để không bị sốc trước sự đổi thay của cả hai. Tuy vậy, câu nói “đời không ai học được chữ ngờ” chẳng bao giờ là sai. Mỗi năm có biết bao nhiêu cặp đôi yêu nhau tha thiết, xứng đôi vừa lứa đến nỗi người dự tiệc cưới phải ganh tỵ. Nhưng không bao lâu sau đó lại thấy họ “đường ai nấy đi”. Điển hình dễ thấy nhất là giới nghệ sĩ. Ừ thì mình không phải nghệ sĩ, chắc không sao. Nghệ sĩ vốn từ lâu mang tiếng là phức tạp trong hôn nhân mà! Nhưng rồi là nghệ sĩ hay không thì vẫn vô số hằng hà những cặp đẹp đôi lung linh khi yêu nhau, dẫn nhau ra toà ngay sau đó. Bất kể tuổi tác, địa vị, ngành nghề, vùng miền... Đến nỗi bây giờ nhìn cặp đôi nào xúng xính bên nhau cũng thấy hoài nghi: không biết ngày nào thì đưa nhau ra toà? Đó không phải là bi quan mà là thực tế. Một thực tế làm hoang mang những người đang mấp mé bước vào đời sống hôn nhân.

Trong một nghiên cứu mới đây của tiến sĩ Nguyễn Minh Hoà (Trường ĐHKHXH&NV), tỉ lệ ly hôn ở Việt Nam là 31.4%. Nghĩa là cứ 3 đôi kết hôn thì có 1 đôi ly hôn. Đúng là một con số khó tin. Điều đáng buồn hơn là 60% số vụ ly hôn này thuộc về gia đình trẻ (ở độ tuổi 27-35). Trong đó những cặp vợ chồng ly hôn ở những đô thị phát triển chiếm đến 55%.

101 lý do dẫn đến tan vỡ

Có rất nhiều nghiên cứu về tỉ lệ ly hôn, kết hôn khi tình trạng này trở nên đáng báo động trong xã hội. Đành rằng, không hợp thì chia tay, không ai giam cầm đời mình trong ngục tù hôn nhân mãi. Tuy vậy nhưng việc ly hôn dẫn đến không ít hệ luỵ, nhất là khi đã có con.

Không phải ngẫu nhiên mà con số ly hôn ở thành thị nhiều hơn những khu vực khác. Cuộc sống ngày càng phát triển, con người ta ngày càng có thêm những nhu cầu cho bản thân. Cơ hội để họ gặp gỡ nhiều hơn phát sinh những so sánh giữa người mới gặp với bạn đời. Nhất là khi những ấn tượng ban đầu về người bạn đời từ thuở yêu nhau đã phai nhạt, nếu không nói là đã dần chuyển sang ấn tượng xấu. Mọi cảm xúc yêu thương, sự ngưỡng mộ không còn. Đã có rất nhiều bạn trẻ phải tự đặt ra câu hỏi tại sao một người như vậy mà mình lại đắm say một thời, mình từng muốn chết đi vì họ, từng rời bỏ gia đình để chọn họ? Nhưng đó cũng chỉ là những nguyên do có phần trẻ con, nông nổi.

Người viết có cơ hội trao đổi với một số cặp vợ chồng đến với nhau vì tình yêu nhưng chia tay ngay sau đó. Họ là những người chững trạc và suy nghĩ thấu đáo khi tiến đến hôn nhân nhưng rồi nhận ra, dù không muốn nhưng tình yêu cứ nhạt dần rồi mất hẳn.

Bất đồng quan điểm là một trong những nguyên do dễ dẫn đến ly hôn. Trong cuộc sống, nhu cầu chia sẻ là yếu tố cần thiết trong bất cứ mối quan hệ nào. Một khi đã không còn chia sẻ với nhau được nữa, tình cảm trở nên rất mong manh. Hai con người sống chung nhưng không thể có tiếng nói chung. Từ đó, người còn lại trở nên thừa thãi dẫn đến ly tan là dễ hiểu nhất! Hãy thử nhìn nhận chung quanh, những mối quan hệ bền chặt chắc chắn là mối quan hệ mà họ có thể nói chuyên với nhau nhiều, từ ngày này sang ngày khác, từ chuyện nọ sang chuyện kia không biết chán. Họ lắng nghe nhau, tham gia vào câu chuyện của nhau và luôn có nhu cầu nói kể cả khi có chuyện hay chỉ là những chuyện vặt vãnh không đâu. Khi nào họ không còn có thói quen đó nữa, mối quan hệ cũng trở nên mong manh.

Điều than phiền nữa là mất tự do trong hôn nhân. Ở thời đại nam nữ bình đẳng, ít có sự phụ thuộc vào đàn ông như ngày xưa, phụ nữ đảm đương nhiều công việc hơn. Họ có cách sống độc lập hơn nên quen dần với sự tự do mà họ xứng đáng có. Chính vì thế, sự kết hợp với một người khác vô tình làm mất đi sự tự do đã trở thành thói quen của họ. Đơn giản như họ sẽ không thể “nấu cháo” điện thoại một cách thoải mái với bạn bè giữa đêm khuya, hay mọi trật tự về giờ giấc, ăn uống của họ cũng thay đổi dẫn đến sự khó chịu và khát khao thoát khỏi điều đó.

Bên cạnh những lý do trên, kinh tế cũng chiếm phần không nhỏ trong những lý do ly hôn của cặp vợ chồng trẻ. Một khi đã bị ám ảnh bởi sự eo hẹp kinh tế trong gia đình, dễ dẫn đến những cám dỗ về tiền bạc. Không ít cặp vợ chồng “đường ai nấy đi” chỉ vì người thứ 3 có thể mang tới cho họ kinh tế đầy đủ hơn.

Xin được khép lại bài viết này bằng ý kiến của Tiến sĩ Mai Ngọc Luông cho rằng đây là sự thay đổi tất yếu trong xã hội đô thị. Cá tính của những tri thức trẻ đã thể hiện rõ nét hơn, họ dám trung thực với bản thân hơn trong nếp sống và suy nghĩ của mình. Theo tiến sĩ thì đây cũng chính là điểm mạnh và điểm yếu của giới trẻ ngày nay. Cá tính mạnh trong cuộc sống thì rất tốt nhưng nó lại là kẻ thù của hôn nhân vì người ta dễ tự do thể hiện cá tính mà thiếu đi sự nhường nhịn lẫn nhau.

Hà Anh

Nguồn ảnh: Internet

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chủ tịch nước Lương Cường dâng hương tại Hoàng thành Thăng Long
42 phút trước Sự kiện
Sáng 19.1, Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân cùng đại diện lãnh đạo các bộ ban ngành trung ương, thành phố Hà Nội, và gần 100 đại biểu kiều bào thực hiện nghi lễ dâng hương tại điện Kính Thiên ở Hoàng thành Thăng Long để thành kính tưởng nhớ đến các thế hệ cha ông đã chiến đấu, hy sinh gìn giữ, bảo vệ non sông nước Việt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không phải ngẫu nhiên, ‘Tuổi thọ’ của hôn nhân ngày càng ngắn lại