Sau một thời gian dài đóng cửa vì dịch COVID-19 cũng như để làm bệnh viện dã chiến phục vụ công tác phòng chống dịch, kể từ ngày 31.8, Khu Văn hóa Hồ nước ngọt của tỉnh Sóc Trăng sẽ mở cửa trở lại.

Không thu tiền vé vào cổng Khu văn hóa Hồ nước ngọt

Cao xuân Lương | 27/08/2022, 21:47

Sau một thời gian dài đóng cửa vì dịch COVID-19 cũng như để làm bệnh viện dã chiến phục vụ công tác phòng chống dịch, kể từ ngày 31.8, Khu Văn hóa Hồ nước ngọt của tỉnh Sóc Trăng sẽ mở cửa trở lại.

ho-nuoc-ngot-soc-trang.jpeg
Hồ nước ngọt Sóc Trăng - Ảnh: Cao Xuân Lương

Theo thông báo của Trung tâm Văn hóa - Thể thao Sóc Trăng, kể từ ngày 31.8, Khu văn hóa Hồ nước ngọt, thuộc phường 6 TP.Sóc Trăng chính thức mở cửa hoạt động bình thường. Thời gian mở cửa từ 4 giờ 30 đến 22 giờ mỗi ngày. Không thu vé vào cổng những ngày bình thường (ngoại trừ tổ chức sự kiện, lễ hội, hội chợ của tỉnh).

Đặc biệt, không cho phép các hộ bên ngoài vào và kể cả các hộ kinh doanh (trước đây) tổ chức mua bán, kinh doanh dịch vụ ăn uống giải khát... trong khu vực hồ.

Khu Văn hóa Hồ nước ngọt được người dân Sóc Trăng ví như "Đà Lạt 2", phong cảnh hữu tình, nằm tại trung tâm TP.Sóc Trăng. Ngoài 2 hồ nước lớn trong xanh, nơi đây còn có những hàng cây xanh rợp bóng mát, tạo thành "lá phổi xanh" cho TP. Hằng ngày người dân vào đây vui chơi, giải trí, tập thể dục, gắn với kỷ niệm bao thế hệ.

20220826_161044-1-.jpg
Khu văn hóa Hồ nước ngọt sẽ mở cửa vào 31.8 - Ảnh: Cao Xuân Lương

Thời điểm dịch bệnh COVID-19 căng thẳng, một số hạng mục của khu văn hóa này được đầu tư, nâng cấp làm bệnh viện dã chiến.

Trước đó, đầu năm 2020, UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư Khu văn hóa Hồ nước ngọt thành dự án khu đô thị mới Hồ nước ngọt.

Tập đoàn FLC là đơn vị được lựa chọn đầu tư dự án này. Dự án khu đô thị mới Hồ nước ngọt có tổng vốn đầu tư gần 2.500 tỉ đồng, rộng trên 47ha, trong đó 14,64ha đất xây dựng nhà ở. Mục tiêu của dự án xây dựng khu đô thị gắn liền với công viên vui chơi giải trí. Gồm nhà ở, dịch vụ thương mại tổng hợp, trung tâm văn hóa, thể dục thể thao và các tiện ích đô thị khác phục vụ cho nhu cầu của người dân.

Tuy nhiên từ khi có kết quả phê duyệt trúng thầu dự án cho đến nay, nhà đầu tư vẫn chưa ký hợp đồng thuê đất, chưa thực hiện các thủ tục về đầu tư.

Trước đó, ngày 4.8, ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - xác nhận đã chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn hoàn tất thủ tục trình UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi chủ trương đầu tư dự án khu đô thị mới Hồ nước ngọt do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư.

ho-nuoc-ngot-soc-trang-12.jpg
Khu Văn hóa hồ nước ngọt Sóc Trăng - Ảnh: Cao Xuân Lương

Hồ nước ngọt trước đây là một hồ nhỏ ở cửa ngõ thị xã Sóc Trăng. Đầu thập niên 60 của thế kỷ 20, một quan chức tỉnh Ba Xuyên (tên gọi trước đây của tỉnh Sóc Trăng) là một người Thừa Thiên. Vì nhớ quê nên ông đã cho xây hồ Tịnh Tâm theo nguyên mẫu hồ Tịnh Tâm trong Đại Nội, Huế, vì thế hồ có tên gọi là Tịnh Tâm. Đến năm 1982, do nhu cầu trữ nước, người dân Sóc Trăng đã đào thêm một hồ nước ngọt phía sau hồ Tịnh Tâm. Danh xưng Hồ Nước Ngọt ra đời như thế bên cạnh cái tên Đà Lạt 2 do giới học sinh đặt vì khung cảnh thơ mộng thu hút giới trẻ.

Năm 2000, UBND tỉnh Sóc Trăng lập Ban Quản lý dự án Khu Văn hóa Hồ Nước Ngọt Sóc Trăng nhằm tạo ra một công viên văn hóa lớn cho địa phương. Diện tích hiện nay của Hồ Nước Ngọt 20ha đã hoàn tất phần hạ tầng. Bao gồm xây bờ kè kiên cố, tráng nhựa toàn bộ đường đi, lắp hệ thống chiếu sáng, xây dựng các trung tâm hội chợ, triển lãm.

Từ một hồ nhỏ ngày xưa, nay Khu văn hóa Hồ Nước Ngọt được ví như lá phổi chính của thành phố Sóc Trăng. Hầu hết các hoạt động văn hóa quan trọng của tỉnh Sóc Trăng đều diễn ra tại đây. Chỉ khi có các đợt hoạt động văn hóa lớn thì mới bán vé vào cổng trong vài ngày diễn ra sự kiện. Còn lại Hồ luôn mở rộng cửa cho mọi người vào ra tự do nên thu hút khách trong, ngoài tỉnh đến vui chơi, giải trí.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 2: Những giọt nước nghĩa tình
một giờ trước Bảo vệ môi trường
Bước vào cao điểm mùa khô, vùng ĐBSCL hiện có hơn 50.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Nguồn nước khan hiếm khiến cho bà con gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, sinh hoạt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không thu tiền vé vào cổng Khu văn hóa Hồ nước ngọt