Cuộc khủng hoảng chính trị tại Sri Lanka chuyển biến xấu vào ngày 28.10, khi cảnh vệ của cựu Bộ trưởng Dầu mỏ nổ súng khiến 1 người thiệt mạng và 2 người khác bị thương.

Khủng hoảng chính trị ở Sri Lanka leo thang, Trung Quốc phủ nhận can thiệp

Cẩm Bình | 29/10/2018, 09:25

Cuộc khủng hoảng chính trị tại Sri Lanka chuyển biến xấu vào ngày 28.10, khi cảnh vệ của cựu Bộ trưởng Dầu mỏ nổ súng khiến 1 người thiệt mạng và 2 người khác bị thương.

Những người ủng hộ Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena cùng tân Thủ tướng Mahinda Rajapaksa tìm cách ngăn cản Bộ trưởng Arjuna Ranatunga, thành viên nội các vừa bị giải thể, đi vào văn phòng cũ tại Tập đoàn Dầu khí Ceylon. Một cảnh vệ của ông nổ súng vào đám đông làm 3 người bị thương, một trong số này tử vong trong bệnh viện sau đó.

Viên cảnh vệ hiện đã bị bắt. Cảnh sát đang tiến hành điều tra để làm rõ động cơ. Ranatunga tuyên bố đám đông muốn gây nguy hiểm đến tính mạng của ông nên cảnh vệ mới nổ súng.

Vụ việc chết người hôm 28.10 xảy ra sau khi Tổng thống Sirisena thông báo cách chức Thủ tướng Ranil Wickremesinghe do có bộ trưởng dính líu vào âm mưu ám sát ông cũng như quản lý kinh tế yếu kém.

Cựu Tổng thống Mahinda Rajapaksa được chỉ định thay thế chức thủ tướng. Với việc bổ nhiệm thủ tướng mới, nội các hiện tại đã bị giải thể.

Thủ tướng Wickremesinghe chỉ trích quyết định này vi hiến và đề nghị Quốc hội Sri Lanka mở phiên họp khẩn để chứng minh ông vẫn giữ thế đa số trong cơ quan này. Theo hiến pháp nước này, Tổng thống có thể chỉ định Thủ tướng mới nếu người đương nhiệm mất quyền kiểm soát Quốc hội.

Tuy nhiên ngay sau khi cách chức Wickremesinghe, Tổng thống Sirisena cũng đã tạm đình chỉ hoạt động của Quốc hội cho đến ngày 16.11.

Cảnh sát cùng lực lượng đặc nhiệm được huy động để duy trì an ninh trong bối cảnh khủng hoảng chính trị tại Sri Lanka leo thang - Ảnh: Reuters

Sri Lanka từ lâu nằm trong tầm ảnh hưởng của Ấn Độ nhưng lại nhận rất nhiều tài trợ phát triển cơ sở hạ tầng từ Trung Quốc trong thời kỳông Rajapaksa làm Tổng thống.

Ấn Độ, Liên minh châu Âu (EU) cùng với Mỹ đã lên tiếng yêu cầu Tổng thống Sirisena tuân thủ hiến pháp nước mình. Trong khi đó, Trung Quốc lại chúc mừng Rajapaksa nhậm chức Thủ tướng đồng thời phủ nhận can thiệp vào chuyện nội bộ Sri Lanka.

Cẩm Bình (theo Reuters, Hindustan Times)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 4: Những con số biết nói
Các con số thống kê cho thấy kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát phù hợp; cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa duy trì mức gia tăng khá; đời sống của nhân dân đã được cải thiện, công tác an sinh xã hội được các cấp quan tâm thực hiện kịp thời, thiết thực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khủng hoảng chính trị ở Sri Lanka leo thang, Trung Quốc phủ nhận can thiệp