Sau mấy ngày nỗ lực canh giữ, xác minh thông tin về 3 cây cổ thụ đầy tai tiếng được tập kết trên địa bàn tỉnh, Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên-Huế vừa nói rằng 3 cây “quái thú” này đảm bảo đủ hồ sơ, thủ tục.
Chiều 5.4 Phòng Thanh tra -Pháp chế, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết qua kiểm tra hồ sơ gốc của 3 cây “quái thú” tập kết tại thôn 8, P.Phú Bài, TX.Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế thì hồ sơ đầy đủ, đúng trình tự và đúng thẩm quyền khi khai thác.
Trước đó sáng 4.4, chủ lâm sản là ông Kiều Văn Chương (32 tuổi, trú tại xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, TP.Hà Nội) đã đến cơ quan kiểm lâm làm việc và xuất trình 3 bộ hồ sơ của 3 cây nói trên. Qua kiểm tra hồ sơ gốc thì tất cả đều có nguồn gốc rõ ràng, cây phân tán trên đất nông nghiệp của hộ gia đình, được địa phương, cơ quan liên quan xác nhận đúng trình tự và đúng thẩm quyền.
Lãnh đạo Phòng Thanh tra -Pháp chếcho biết sau khi tiếp nhận thông tin từ thông tin đại chúng về việc có các phương tiện chở nhữngcây cỡ lớn theo hướng từ Nam ra Bắc qua địa bàn Thừa Thiên-Huế, thực hiện công văn số 152/KL-ĐN ngày 30.3.2018 của Cục Kiểm lâm về việc kiểm tra, xác minh thông tin báo nêu, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ để kiểm tra, xác minh về hồ sơ lâm sản của 3 cây này.
Hồ sơ xin khai thác của các hộ dân ở Đắk Lắk được cho là đầy đủ thủ tục
Ngày 1.4, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế đã chỉ đạo Đội kiểm lâm cơ động phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) số 2 tổ chức kiểm tra trên tuyến đường tránh qua địa phận thành phố Huế và phát hiện tại khu đất trống thuộc tổ 8, phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy có 3 cây đã để lại ở đó. Tại thời điểm kiểm tra không có chủ xe và chủ lâm sản. Sau đó, Đội kiểm lâm cơ động PCCCR số 2 đã phối hợp với UBND phường Phú Bài lập biên bản sự việc và tổ chức canh giữ để gặp chủ cây nhằm kiểm tra, xác minh hồ sơ, nguồn gốc lâm sản.
Ngày 3.4, cơ quan kiểm lâm đã tiếp cận được hồ sơ ban đầu về những cây cổ thụ lớn nói trên. Theo hồ sơ, ngày 23.3 anh H Yô Na Buôn Yă (34 tuổi, trú xã E A Hồ, huyện K Rông Năng, tỉnh Đắk Lắk) gửi UBND xã E A Hồ viết bảng đăng ký khai thác cây 2 cây đa sộp cùng có đường kính 1,4 mét và chiều cao 12 mét. Lý do gia đình anh muốn chuyển đổi sử dụng đất đểtrồng lại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn nên làm bảng đăng ký khai thác trình xã cho phép khai thác. Ngày 23.3, ông Đinh Công Quân thường trú tại H.Thạch Thất, Hà Nội có đơn gửi UBND xã E A Hồ về việc mua cây cảnh của anh H Yô Na Buôn Yă để chuyển cây về chùa Tây Phương Cực Lạc ở Thạch Thất làm bóng mát cho chùa.
Hồ sơ cây cổ thụ lớn thứ 2 là ông Phạm Đình Thướng (SN 1967, trú thôn 3, xã EaPil, huyện M’Đrăk, tỉnh Đắk Lắk) viết bảng đăng ký ngày 12.3 xin chính quyền địa phương khai thác 1 cây đa sộp đang trồng trên đất gia đình, cũng với lý do khai thác là “ảnh hưởng rất lớn đến việc cày, gieo trồng” nên khai thác “để về làm cây bóng mát”. Cây ông Thướng cũng được đại diện Hạt Kiểm lâm huyện M’Đrăk, UBND xã Eapil và đại diện hộ gia đình ông Thướng làm biên bản xác minh về việc khai thác 1 cây đa sộp đường kính gốc 1,8 mét, dài 8 mét, khối lượng hơn 9m3. Qua đơn xin khai thác và vận chuyển cây đa sộp này là “tặng cho anh Lương Anh Tuấn vận chuyển về xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội làm bóng mát”.
HiệnChi cục Kiểm lâm Thừa Thiên-Huế đang phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk xác minh thêm tính xác của hồ sơ, thông tin khai báo tại địa phương nơi có các hộ dân khai thác các cây cổthụ lớn nói trên.
Tin, ảnh: Nhật Lam