Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1.2024 vừa ban hành, Chính phủ yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, kiên quyết chống tiêu cực trong cung ứng tín dụng.
Thị trường và chính sách

Kiểm soát chặt tín dụng với lĩnh vực rủi ro, kịp thời bình ổn thị trường vàng

Sơn Lam 07/02/2024 16:59

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1.2024 vừa ban hành, Chính phủ yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, kiên quyết chống tiêu cực trong cung ứng tín dụng.

Hoàn thiện phương án xử lý Ngân hàng SCB

Nghị quyết 20/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1.2024 yêu cầu các cơ quan, địa phương kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ.

Ngoài ra, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội theo Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030", phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu về phát triển nhà ở xã hội năm 2024 đã đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương bám sát diễn biến thị trường để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, kiên quyết chống tiêu cực trong cung ứng tín dụng.

Tiếp tục rà soát các điều kiện cho vay, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay thuận lợi, thông thoáng, linh hoạt, khả thi, hợp lý hơn để tăng khả năngtiếp cận tín dụng; thúc đẩy giải ngân các gói tín dụng 120 nghìn tỉ đồng và 15 nghìn tỉ đồng.

Thủ tướng cũng yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để kịp thời thực hiện các giải pháp bình ổn thị trường vàng; tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong mua, bán vàng, ngoại tệ và thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật.

tin-dung.jpeg
Kiểm soát chặt tín dụng với lĩnh vực rủi ro

Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ với Kiểm toán Nhà nước khẩn trương hoàn thành việc định giá các ngân hàng yếu kém để sớm thực hiện chủ trương chuyển giao bắt buộc; hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền phương án xử lý Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn.

“Có giải pháp hiệu quả kiểm soát nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ngân hàng, kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm, bảo đảm an ninh, kỷ luật thị trường tiền tệ, ngân hàng”, Thủ tướng nêu.

Không được để thiếu hàng thiết yếu

Nghị quyết giao ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kiểm tra, đôn đốc, giám sát Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam triển khai nhanh nhất các dự án đầu tư xây dựng công trình điện được giao góp phần thúc đẩy phát triển KTXH, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp, bảo đảm an ninh năng lượng.

“Chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các Bộ: Tài chính, Công Thương, Giao thông vận tải và cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, triển khai hiệu quả các phương án xử lý các dự án yếu kém, tồn đọng (Thép Việt - Trung, Gang thép Thái Nguyên - giai đoạn 2, Đóng tàu Dung Quất, Bột giấy Phương Nam), báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định”, Nghị quyết nêu.

Với Bộ Công Thương, nghị quyết yêu cầu chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, nhất là các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân; không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến.

Thêm vào đó, tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng, đảm bảo cung ứng đủ điện, xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt, tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp trong giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tuyệt đối không để thiếu hụt trong mọi tình huống.

Khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách thí điểm việc đầu tư nhà máy điện gió ngoài khơi; cơ chế, chính sách cho phát triển điện khí theo đúng quy trình, thủ tục, thẩm quyền và quy định; báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan liên quan đẩy mạnh đàm phán với phía Trung Quốc sớm dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu gia cầm từ Việt Nam; đưa mặt hàng sứa muối vào Nghị định thư về xuất khẩu thủy sản khai thác tự nhiên cho Việt Nam và sẵn sàng xử lý hồ sơ kỹ thuật bổ sung để mở thêm trái bơ nhập khẩu từ Việt Nam.

Ngoài ra, hoàn thiện các quy định về xuất, nhập khẩu hàng nông sản, hạ tầng logistics, tạo điều kiện thuận lợi để làm thủ tục thông quan, giảm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam.

Bài liên quan
Sân bay Điện Biên có Đài kiểm soát không lưu mới
Ngày 18.4, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã chuyển đổi khai thác thành công Đài kiểm soát không lưu Điện Biên mới theo đúng kế hoạch.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trung ương Đảng đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi các chức vụ
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kiểm soát chặt tín dụng với lĩnh vực rủi ro, kịp thời bình ổn thị trường vàng